Passion

Hôm qua đi xem múa truyền thống của Hàn, rút ra kết luận: sự đam mê chỉ đến khi người ta hiểu rõ về cái gì đó. Mình thì chưa đến mức hiểu rõ và đam mê, nhưng cái khóa học múa dân tộc Hàn đã khiến mình say sưa theo dõi từng động tác của các bài múa.

Không còn thời gian cho những chuyện linh tinh nữa. Tập trung làm việc thôi.

Wild flower (Dolly Parton)

The hills were alive with wildflowers
And I was as wild, even wilder than they
For at least I could run, they just died in the sun
And I refused to just wither in place

Just a wild mountain rose, needing freedom to grow
So I ran fearing not where I'd go
When a flower grows wild, it can always survive
Wildflowers don't care where they grow

And the flowers I knew in the fields where I grew
Were content to be lost in the crowd
They were common and close, I had no room for growth
I wanted so much to branch out

I uprooted myself from home ground and left
Took my dreams and I took to the road
When a flower grows wild, it can always survive
Wildflowers don't care where they grow

I grew up fast and wild and I never felt right
In a garden so different from me
I just never belonged, I just longed to be gone
So the garden, one day, set me free

Hitched a ride with the wind and since he was my friend
I just let him decide where we'd go
When a flower grows wild, it can always survive
Wildflowers don't care where they grow

Nho xanh và chim Kachi

Hôm nay đi hái đợt hồng cuối cùng

Còn một cây hồng duy nhất, chỉ còn sót lại khoảng hai mươi trái. Loại hồng dĩa bẹp như cái bánh cam. Không ngon bằng loại hồng trứng đầu mùa, nhưng bây giờ mùa đông rồi, cũng chả còn gì để chọn.

lạnh đến nỗi hai tay cóng lại, da tay muốn nứt ra. Hái được 6 trái bằng cái que xiên xẹo. loại hồng này bám cành chắc khủng khiếp, lại khó móc. Vịt nhìn cây hồng khẳng khiu ước lượng xem nó có chịu nổi thân hình mập ú của mình không, rồi kiên quyết trèo.

Những trái thấp dĩ nhiên đã bị người ta vặt cả. Chỉ còn những quả vắt vẻo trên cành cao nhất. Vịt bám vào một cái chạc ba, nghe cái cành hồng nhỏ bằng cổ tay con nít đung đưa, đung đưa. Không sao, có dịp luyện tập khả năng chịu độ cao. Miễn là đừng nghĩ mình sẽ ngã.

Nhưng mình không ngã là một chuyện, cành cây gãy là chuyện khác. Con vịt đành bỏ cuộc khi gió bắt đầu nổi lên. Còn 3 trái trên cây. Tự nhủ, thôi dành lại cho mấy con chim Kachi.

Nhớ mùa đông trước đi Hwasong chơi, thấy một cây hồng còn hai trái vắt vẻo đầu cành, anh bạn Hàn giải thích là họ chừa lại cho Kachi ăn. Bây giờ tự nhiên lại nghĩ, không biết họ tự nguyện chừa hay là không hái nổi.

Thấy mình cũng giống con cáo, không hái được nho thì bảo nho xanh. Con cáo còn thật thà hơn. Nó mà học mình một khóa rồi, không hái được nho dám lại bảo thôi dành lại cho người khác.

Bến phù du

Bến phù du
Ai cũng phải qua một lần
Nghe rì rào cỏ lau hát những ngày những mộng mơ xa cũ
vốc nước vào tay soi quá khứ
thẳm sâu những vết thương lòng

bến phù du và những con thuyền đi không về không
ai hát bài ca mờ nhân ảnh
bàn tay muôn đời lạnh
đốt lửa bên đời có gặp lại nhau không

bến phù du
con gió thổi ngược dòng
giọt nước nào cũng nửa trong nửa đục
ngâm bàn chân lang thang mỏi mệt
giật mình nhận ra đá cũng đang mòn
tình yêu màu gì hở ngọn gió cô đơn?

Ngôn ngữ bàn tay

Đi xem concert của Hàn, thỉnh thoảng lại có mấy tiết mục múa kỳ cục : một đám người đứng im lặng không di chuyển gì hết chỉ khoa tay lòng vòng làm điệu bộ. Nhìn phải nói là chán òm. Thử hỏi nguyên một bài hát mà chỉ có hai cái tay khoa tới khoa lui thì chán thế nào.

Mới đây được cô bạn Hàn giải thích, người Hàn gọi đó là son-hoa, nghĩa là nói chuyện bằng tay. Có nghĩa là người ta "hát" bằng tay. Và khi cô bạn xem một tiết mục, cô không ngừng tấm tắc "Đẹp quá, đẹp quá!"

Tôi vẫn thấy chán.

Không hiểu sao lại có hình thức "hát câm" thế này? Hoặc là người Hàn nhiễm phim "Ngôi sao may mắn" quá độ, hoặc là họ muốn phát triển một loại hình nghệ thuật dành cho người tàn tật.

Dù sao, nếu tôi không nghe được họ hát, tôi thích nhìn họ múa hơn.

Jeju - ngày 3 - tiếp theo và hết

Mới đọc một truyện ngắn của một nhà văn đi tập huấn ở Hàn, kể về Trung thu Hàn. Trời ạ, cái kiểu văn đó ... Phải coi lại mấy cái blog lủng củng của mình, không khéo mình cũng viết cùng một kiểu như vậy thì nguy tai.


Dù sao cũng không định viết văn. Chỉ là muốn ghi lại những gì mình thấy, mình trải qua, kẻo nó trôi tuột mất vào quá khứ. Trí nhớ thường chơi khăm con người, có những thứ muốn quên mà cả đời không quên nổi, có những điều đáng nhớ thì cứ phai nhạt dần đi.

Còn nợ phần tiếp theo của chuyến đi Jeju. Hôm nay nhất quyết thức khuya trả nợ vậy.

Đang ở đâu nhỉ? À, lưng chừng Halasan. Dốc mưa ngoằn ngoèo ẩm ướt dưới chân, tiếng suối rì rầm sau lưng và rừng cây thẳm xanh trước mặt. Ba đứa mải miết leo. Thỉnh thoảng dừng lại chụp hình. Rồi cây cối quang ra, trời xanh ngăn ngắt trên đầu và mình chợt nhận ra mưa đã tạnh, nắng đã lên.

Hóa ra leo núi trời mưa còn đỡ hơn trời nắng. Nóng, mồ hôi bắt đầu tuôn ra, hơi thở bắt đầu hụt đi và đôi chân mới đây thôi còn tỉnh bơ bây giờ đã nặng chịch. Mà cảnh triền núi thì đẹp như tranh. Không còn rừng, nhìn thấy rõ con đường bậc thang vòng vèo men theo vách núi dẫn hút lên trên. Sương bắt đầu kéo về trên những đỉnh núi trập trùng xanh chung quanh. Một ngọn thác trắng in lên cái nền xanh của núi, xa mờ. Hưng tinh mắt ồ lên, có một con nai đang đứng trên vách núi chênh vênh bên kia. Chỗ đứng dốc đến nỗi có leo cũng chưa chắc bám được, vậy mà nai ta tỉnh bơ nhai lá. Tự nhiên nhớ truyện Bà chúa tuyết của Andersen, chàng thợ săn nai học cách trèo của con mèo già "đừng nghĩ đến việc ngã là sẽ không bao giờ ngã", và chàng đã trèo giỏi hơn cả lũ nai. Mình vẫn tin cái lý thuyết ấy, nhưng ít khi dám thử.

Ráng nhấn hết chân nọ đến chân kia xuống các bậc thang để trèo mãi, trèo mãi... Chỉ sợ mình dừng lại thì sức lực sẽ bị đánh lừa, lúc đi tiếp còn mau mệt hơn. Nhưng rồi cuối cùng bé Nga mệt quá, ba đứa cũng phải ngừng dưới bóng một tảng đá to. Lôi bánh và nước ra. Có hai con chim gì to to bay đến và nghiêng ngó. A, quạ! Trông nó mạnh và dữ dằn. Tiếng kêu to khô khốc nghe phát sợ. Đã đọc chuyện về con quạ trong cuốn Truyện loài vật, mình vốn có ấn tượng là quạ rất thông minh, vậy mà nhìn nó vẫn thấy mất cảm tình.

Nhưng mà vẫn phải nén cái sự mất cảm tình của mình xuống. Bao nhiêu đời rồi người ta nhìn bề ngoài mà ghét bỏ mấy con quạ, kể ra thì nó cũng dữ và hay cắp vặt, nhưng ghét nó thì cũng tội tình. Lấy bánh ra, hai con quạ ngó nghiêng và nhích lại gần. À ra bọn mày đòi ăn! Mẩu bánh quăng ra còn lơ lửng, quạ ta nhảy lên mổ gọn bơ như xiếc. Thế là bánh cứ quăng, quạ cứ thay nhau nhảy đớp không sót mẩu nào. Bé Nga rùng mình khi thấy tụi nó đã tiến lại quá gần. Nhìn gần, với cái mỏ to và móng vuốt sắc, trông nó đáng sợ. Giấu bánh đi và xùy xùy, lũ quạ bay dạt ra xa, chờ một lúc không thấy gì nữa thì cất cánh bay đi.

Nhưng được một hai phút thì chúng quay lại. Dòm chúng đứng ngó nghiêng thèm thuồng cũng tội, khoảng cách xa không sợ lắm, thế là trò xiếc lại tiếp diễn. Để ý thấy một con đớp được mẩu nào nuốt mẩu đó, con kia chỉ ngậm đầy mỏ. Chắc còn một lũ con ở nhà đang chờ nó mang mồi về mớm cho. Không hiểu sao mình nghĩ cái con dành thức ăn cho con là con cái, còn con tỉnh bơ ăn sạch một mình là con đực.

Tiếp tục lên đường. Đồng hồ đã chỉ 4 giờ hơn. Được một quãng nữa thì có cảm giác mình đã lên cao lắm rồi, nhìn xuống đã thấy mù sương nằm lại dưới chân. Con đường thỉnh thoảng nhô ra thành một cái ban công bằng gỗ có tay vịn là dây thừng vắt vẻo bên sườn núi, lý tưởng cho khách dừng lại ngoạn cảnh và chụp hình. Đến một cái ban công như vậy, Hưng và bé Nga dừng lại đòi về. Nó nhìn đồng hồ tiếc rẻ. Cho thêm 15 phút nữa thôi, tớ ráng đi thêm một chút nữa xem trên kia có gì.

Qua khỏi mấy cái ban công, đường lại lẩn vào rừng. Một con suối nhỏ róc rách dọc ven đường. Rồi không còn bậc thang, chỉ còn những tảng đá suối kế tiếp nhau làm đường đi tiếp. Nó nhảy từ tảng này sang tảng khác. Nhanh nhanh nhanh... chỉ còn 10 phút ... 7 phút. Một bãi đá suối rất to hiện ra trước mặt, những tảng đá lớn chất chồng phủ kín một vùng nước như cái hồ con. Suối có lẽ bắt nguồn từ đây. Bên kia vẫn còn đường, nhưng đã đến lúc quay về.

Nó ráng đi nhanh hết cỡ trên đường về. Hưng với bé Nga đang chờ. Chuyến xe bus lúc 6g45 chẳng biết có hay không. Nó lơ mơ cảm thấy là không (cảm thấy vậy từ lúc bắt đầu lên núi cơ, nhưng vẫn muốn liều). Mũi giày chúi vào hốc giữa hai tảng đá đau nhói. "Đừng nghĩ đến chuyện ngã thì sẽ chẳng bao giờ ngã". Mong là như thế...

Xuống núi hóa ra vất vả tương đương lên núi. Lên thì mệt, xuống thì đau. Chân mỏi nhừ. Mũi chân ngón chân bàn chân gót chân đau âm ỉ, thỉnh thoảng lại nhói lên mà vẫn phải cố bước nhanh, nhanh hơn nữa. Bé Nga nắm tay Hưng đi, còn mình thì ... nhớ gấu (mà thiệt ra đã nhớ từ lúc bắt đầu lên núi, nhớ ngày nào đó trên đường đi núi Bà Đen có người lo lắng cho mình từng bước chân)

Bến xe vắnh tanh. Trạm bán vé đóng cửa, không còn ai. Chuyến xe bus cuối cùng không chạy. Người gác gọi giùm taxi. Đi taxi về thì chết tiền, nhưng biết làm thế nào?

Trong lúc bó gối chờ taxi (cái chỗ đèo heo hút gió này đến taxi còn khó kiếm) thì thấy một chiếc ô tô 6 chỗ ghé vào sân lấy nước. Ba đứa nhìn nhau, hay là xin quá giang. Chỉ cần đến bến xe bus gần nhất. Nhưng xin thế nào??? Đánh bạo lại gần, vờ vịt hỏi bến xe bus gần nhất ở đâu. Người chồng sốt sắng, xa lắm lên xe đi tôi chở đến đó giùm cho. Chỉ chờ có thế, cả lũ cám ơn rối rít.

Hai vợ chồng bàn nhau rồi chạy về hướng Nam, vì bến xe ở hướng đó gần hơn. Jeju city ở phía bắc. Xe đi hoài đi hoài... Mấy cái mặt bắt đầu ngơ ngác. Hơn một tiếng qua đi...

Hai vợ chồng rất thân thiện, hóa ra đã từng làm việc ở Đại sứ quán Hàn ở VN. Cuối cùng họ cũng dừng trước một trạm bán vé limousine, dặn dò kỹ lưỡng rồi mới đi. Gần 8g. Cả bọn nhìn nhau cười méo xẹo. Bản đồ chỉ đây là một thành phố ở phía Nam đảo, từ Halasan về đây còn xa hơn về Jeju-si, biết thế xin họ chở về Jeju city luôn.

Thôi thì nhân thể du lịch khu phía Nam. Hỏi giờ chuyến cuối cùng, còn được tiếng rưỡi, ba đứa quyết định đi tham quan cái thác gần đó. Nhưng cứu đói trước đã. Xin cô bán vé chút nước nóng để trụng mì gói, cô lụi cụi đi ... nấu nước. Lòng hiếu khách của người Hàn luôn làm mình bất ngờ đến cảm động.

Cái thác nằm trong một công viên xây dựng công phu bề thế. Đường xuống thác dọc theo suối, trang trí cây và cảnh công phu. Rải rác những chiếc cầu bắc ngang qua suối, cả kiểu xưa (cong vòng lên, với mấy ông thần đảo Jeju đứng gác ở đầu cầu) và kiểu nay (thẳng tắp, phẳng sát mặt nước giống như một cái thềm hơn là cái cầu, có năm làn, làn giữa rộng và liền làm lối đi, bốn làn hai bên hẹp và đứt quãng làm kiểng). Cuối đường là một cái thác ... nhỏ xíu, đáng làm cháu chắt mấy đời của Dambri, nhưng khá lộng lẫy nhờ dàn đèn pha hết công suất chiếu vào.

Phải đón taxi về vì sợ nhỡ chuyến limousine cuối cùng, không ngờ lại vừa kịp cho chuyến áp cuối. Xe vắng, nó chiếm luôn hai ghế và nằm quay ra ngủ lơ mơ. Trời lại bắt đầu mưa, nhưng cuối cùng cũng đang trở về nhà.

Ừa thì cái khách sạn cũng là nhà, là một cái góc ấm áp tiện nghi mà bây giờ mình đang muốn quay về quá đỗi. Bây giờ mới hiểu câu bốn bể là nhà của người xưa hay nói. Không phải chỉ có nghĩa đơn thuần là lang thang.

Mùa thu vội vã

Thu đến và đi vội vã. Chưa kịp ngó mình điệu đàng trong cái khăn voan choàng cổ đã thấy lạnh co ro trong áo khoác. Cỏ vẫn còn xanh, hoa cúc vàng cúc đỏ thì đã tàn. Chỉ còn một loài cúc trắng rực lên bên đường, mỏng manh xao xác.

Mọi việc xoay vòng một cách đáng sợ. Buổi tối từ lab lầu ba ghé xuống lab tầng hầm, mấy chú bạn vẫn còn đang chăm chú làm việc. Thì về một mình. Cái lạnh thiếu người chia sẻ thành ra ngun ngút. Cũng là một con đường, khi đi một mình sao mà dài quá đỗi. Ở một nơi xa, có người cũng đang đi một mình. Mẹ cũng đi chợ một mình. Bé Lùn ngủ một mình. Và nhóc Tin xem phim hoạt hình một mình, học bài một mình. Giả như về nhà chơi thì có thể lấp đầy những khoảng trống đó, nhưng mà nếu về nhà làm việc thì sao nhỉ? Sáng đến chiều chúi mặt trong công ty, biết đâu lại cũng chẳng đồng hành được với ai.

Mà rồi người ta cũng phải đi hết con đường dù là cô độc. Rồi người ta cũng phải tự tìm lấy cho mình một người đồng hành. Những đứa em rồi sẽ có người yêu, rồi lập gia đình... Chỉ có mẹ... Mình nói, mai mốt mẹ về ở với con, mẹ chỉ cười. Con gái theo chồng. Mà thỉnh thoảng mình cũng có ý nghĩ đó thật, nghĩ là mai mốt mình sẽ theo người ta về một căn nhà nho nhỏ nào đó. Có sống chung với nhà chồng hay không thì không biết, chung cũng được, đã từng có nơi nào mình sống mà người ta ghét mình đâu. Và rồi giật mình. Còn mẹ nữa mà. Cuộc đời người không có mùa xuân quay trở lại sau mùa đông giá. Mẹ đang ở vào mùa thu, nhọc nhằn đã dịu đi nhưng người thì đã như cây cỏ ngả vàng. Mẹ sẽ tiếp tục đi tiếp con đường mùa đông một mình sao?

Mà mùa đông thì lạnh lắm...