Crystal
Dzịt mới đọc một truyện ngắn, tên là cây phalê. Truyện nói về tình yêu của một cô gái bé nhỏ.
Tự nhiên đọc xong lại nghĩ, nếu mở một cuộc thi chọn lựa chất liệu biểu trưng cho tình yêu, chắc mình sẽ bầu chọn phalê.
Giống như bài hát Bông hồng thủy tinh: "vì tình yêu kia mong manh như thủy tinh". Người viết bài hát đó chắc đâu chỉ có ý định chọn thủy tinh vì nó mong manh? Cái ánh sáng lung linh huyền hoặc của tình yêu, như phalê, đi theo người ta trong suốt cuộc đời. Vết cứa đau như phalê vỡ. Tiếng nói của dư âm vang ngân như một tiếng gõ vào thuỷ tinh, run rẩy và dụ hoặc, vang mãi, vang mãi cho đến khi chỉ còn như một tiếng thở dài...
Cải tạo blog
điều lệ 1: hôm nay mình vui.
điều lệ 2: nếu hôm nay mình không vui, coi điều 1.
:-"
Đ
Tự nhiên nhớ đến một chữ Đ thứ hai, nghĩa là đường. Có một lần, mình đặt ra một câu hỏi: nếu có hai con đường, đường thứ nhất bằng phẳng rộng rãi, dễ đi, biết được nơi mình đến là nơi nào. Con đường thứ hai là đường rừng, tối tăm khúc khuỷu, không biết có bao nhiêu nguy hiểm chực chờ, cũng không biết là sẽ dẫn đến đâu. Nếu đi con đường thứ nhất, người ta cứ cắm đầu đi mãi, đi mãi, ngày nào cũng như ngày đó, quang cảnh hai bên không đổi thay. Rồi cũng đến một nơi nào đó, có điều nơi đó cũng chỉ bình thường, là một chỗ nghỉ chân có thức ăn nước uống. Cùng lắm thì sau những tháng ngày lê bước chán nản và tẻ nhạt, người ta đến một miền đất trù phú nơi họ có thể dừng lại xây dựng một mái nhà nho nhỏ, an hưởng tuổi già.
Con đường thứ hai, bạn không bao giờ biết sau mỗi khúc quanh là gì. Bình yên hay sóng gió, là một dòng suối trong mát ngọt ngào hay một con thú dữ chực chờ. Bạn có thể có những khoảnh khắc hạnh phúc ngập tràn như khi đứng trước một ngọn thác đổ tung như khói xuống những mỏm đá xanh rêu. Bạn có thể cô độc và mệt nhoài, có thể bị thương, có thể mất mát. Thậm chí bạn không biết được, cuối đoạn đường đó, liệu điều gì đang đợi chờ.
Bạn sẽ đi con đường nào?
Tôi phải thú thật, tôi đang đi trên con đường dài nhạt nhẽo. Tôi đã cố gắng trồng hoa hai bên đường, đã cố gắng reo lên hạnh phúc mỗi lần nhìn thấy một cái cây, một bông cúc dại, một chỗ nghỉ chân đơn giản nơi người ta chen chúc nhau mới có được một cốc nước đỡ khát để tiếp tục cuộc hành trình.
Và cả đời tôi sẽ khắc khoải mơ về một con đường khác. Con đường băng qua rừng. Nơi mà mỗi ngọn cỏ là một giấc mơ phiêu lưu. Nơi cất giữ những bí mật, nơi có cả dịu dàng và dữ dội, hạnh phúc và đau xót.
Điều gì giữ chân tôi mãi trên con đường tẻ nhạt vô vị đó? Những người cùng đi với tôi, là gia đình, là bè bạn, là ... Con đường kia nếu muốn đi, tôi phải bỏ lại tất cả họ và đi một mình. Dù là tôi tìm được bạn đồng hành đi nữa, rất có khả năng tôi bị bỏ rơi chỉ sau vài đoạn ngắn thôi.
Tôi nhát cáy và tôi sợ cô đơn. Đành vậy....
-------------
Thỉnh thoảng bạn thấy tôi gào lên trời ơi chán quá chán quá.
Lúc đó bạn cứ cười vào mũi tôi đi. Cái con nhỏ cả đời ước ao thoát khỏi lối mòn, mà chân vẫn lầm lũi bước. Cả đời nhớ, cả đời mơ một cánh rừng.
N
nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi .... "
hay thiệt ha :)
X (II)
Ngày xưa ...
Cái xóm nghèo, chỉ duy nhất có một nhà có tivi. Mà lại là nhà tôi, căn nhà tồi tàn thứ hai trong xóm (còn căn nhà tồi tàn nhất thì tôi sẽ kể sau). Nhà tôi từ xưa đến giờ mà có được món gì cũng nhờ mẹ tôi cả. Ba tôi không bao giờ mang tiền về nhà, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện góp một tay nuôi mấy đứa con mà ông cũng có phần sinh ra. Ông càng lạ lẫm và thù nghịch một cách đáng ngạc nhiên với chuyện mua đồ đạc trong nhà. Cứ mỗi lần mẹ tôi mua thứ gì về là đều có chiến tranh. Mẹ tôi thì dù vất vả đến thế nào, thỉnh thoảng cũng lại tha từ đâu đó về một món đồ, có khi là cái tủ lạnh cũ bé xíu người ta để lại với giá rẻ mạt, có khi là bộ bếp gaz bán trả góp. Đó là những thứ sau này, còn thứ đầu tiên mẹ tôi mang về nhà theo kiểu đó là một cái tivi.
Bây giờ một cái tivi như vậy chắc chỉ còn trong phòng triển lãm những sản phẩm xa xưa của hãng. Tivi trắng đen, to đùng (mặc dù cái màn hình bé xíu), nặng chịch, có mấy cái nút bấm nút xoay. Và như mọi thứ đồ cũ khác của thời đó, nó không chạy ổn định tí nào. Chuyện thỉnh thoảng đang coi phim mà cái màn hình biến thành một mớ sọc dọc sọc ngang là chuyện thường ngày ở huyện. Lúc đó thì giống như trong truyện của Aziz Nesin, ba tôi sẽ thử vặn vặn nó, xong rồi gõ nhẹ nhẹ, rồi đập bùm bùm, cuối cùng nếu vẫn không được thì cho nó vài cú đấm đá, và nói chung trong quá trình đó nó sẽ lại hiện hình đàng hoàng như cũ. Nó khởi động cũng chậm rì chậm rịt. Nếu mở tivi vào lúc 7g, thì tôi phải chờ đến khoảng 7 rưỡi cái màn hình mới bắt đầu trong và sắc nét lại, còn trước đó là cả một bầu trời muối tiêu và hột é.
Nhưng dù sao nó cũng là niềm vui của cả xóm tôi. Lúc đó đài chiếu phim Tây du ký. Cứ đến khoảng 8g45 là tôi chạy khắp xóm thông báo “sắp có phim rồi”. Đúng ra thì cũng không cần, vì cứ gần đến giờ là mọi người trong xóm tự động chạy sang nhà tôi, ngồi đầy cái phòng chất ngổn ngang những chồng áo mưa đang bấm nút dở dang, chăm chú theo dõi Tôn ngộ không tài giỏi và ông Tam tạng đẹp trai khờ khạo.
Dĩ nhiên là mọi người mê phim Tây du ký như điên, nên chuyện tôi đi thông báo có hơi dư thừa. Thực ra tôi chạy đi báo là để chắc chắn có một người sẽ sang nhà tôi xem phim. Một người mà sự vắng mặt sẽ gieo xuống một khoảng trống nho nhỏ nhưng mông lung kỳ lạ trong tâm thức mơ hồ của đứa con gái nhỏ ngày ấy.
------------------
hix, tự nhiên chán không muốn viết nữa
X
Sân nhà tôi. Cái mảnh sân cũ kỹ lúc nào cũng ngập lá mận rụng, dù ngày nào tôi cũng quét. Mùa hoa mận nở, những tua hoa trắng muốt rụng đầy sân, vương vất lên mặt cái hồ cá xi măng xanh thẫm màu rêu, lên cái ghế sắt màu xám tôi thường để gần dưới gốc cây, lên đầu lên tóc tôi và em tôi. Cả hai đứa lúc nào cũng tha thẩn quanh cây mận, mê mẩn như điên những bông mận xòe bung chùm tua trắng muốt như một đóa mặt trời, say sưa ngửi mùi lá mận thơm thơm như một trái mận xanh. Nhà tôi lúc đó nghèo khủng khiếp, nhưng mảnh sân của chị em tôi lại giàu. Cây mận ra trái rải rác quanh năm. Hồ cá có cả một hòn non bộ đắp bằng xi măng nằm sát tường, tuy xấu xí nhưng lại khá tự nhiên, có cả một cái chùa sứ và vài bức tượng người sứt mẻ, dây trầu bà vướng vít quẩn quanh. Hàng rào kẽm gai có trồng một dãy cây gì đó tôi không biết tên, lá tròn tròn dày như lá sống đời, có mủ trắng, thỉnh thoảng cũng có hoa, những bông hoa nhỏ xíu nhòn nhọn màu đỏ, trông như những con chim ruồi tí hon đậu chụm đầu trên cành.
Ngày về xóm, tôi chín tuổi. Gầy tong teo như một con ngỗng ốm. Chuột Nhắt thì thấp lùn, bé xíu như một con chuột chính hiệu có đôi mắt đen láy láu lỉnh. Lúc đó tôi chưa đeo kính và còn rất mơ hồ về cặp mắt cận của mình. Có những buổi sáng khi tôi mở mắt nhìn lên trần nhà đầy những lỗ tràn nắng, tôi không tự hỏi tại sao tất cả những đốm nắng cứ tròn xoe tua ra một cách kỳ lạ, mà cứ nằm nhìn – giống kiểu người ta hay căng mắt nhìn vô mấy cái hình nổi ba chiều, hoặc nói theo cách hơi khoa học là ráng chỉnh cái tiêu cự của mắt mình ra xa xa một tí, cho những đốm mặt trời đó càng lúc càng xoe tua ra thêm. Chơi ngốc vậy nên khi tôi bắt đầu đeo kính (và bắt đầu sớm nhất lớp), thì cặp kính của tôi đã dày cộm một cách thê thảm.
Hai chị em cách nhau hai tuổi. Bất cứ người nào mới gặp hai đứa, đều có thể chỉ ra chính xác đứa nào chị đứa nào em, vì dĩ nhiên hai cái chiều cao chênh lệch tự nó khai báo rầm rĩ lên sự thật đó. Nhưng nếu người đó nhìn tụi tôi chơi với nhau một lúc nữa thì sẽ bắt đầu hoài nghi. Còn nếu dòm lâu lâu, rồi càng suy nghĩ tới lui, thì chín phần mười sẽ quay sang một cái kết luận trái ngược 180 độ: Chuột Nhắt là chị tôi mới đúng. Cũng chả có gì lạ, tôi thì ngờ nghệch từ cặp mắt đến từng cử chỉ, Chuột Nhắt thì lanh lợi, chạy tới chạy lui nhanh phong phóc, giọng nói cũng rõ ra là đầy quyền uy. Hai đứa gần bằng tuổi nhau, lại chơi với nhau từ bé nên chả thèm xưng chị em gì sất, cứ thế mày tao. Mẹ tôi hăm dọa la lối mãi cộng với sức mạnh vĩ đại của cây roi mới chuyển được kiểu xưng hô mày tao của chị em tôi thành “ta” với “nhà ngươi”, nghe như phim kiếm hiệp Hồng Kông, mà cũng chả có tôn ti hơn được tí nào.
Từ bé tôi đã khù khờ. Khi chơi trò mẹ con, dĩ nhiên tôi làm con còn Chuột Nhắt làm mẹ. Các trò khác cũng tương tự. Tôi còn nhát gan và sợ đau một cách khủng khiếp. Mỗi lần tôi bị ngã và trầy da, mẹ tôi phải một tay bông gòn chấm sẵn thuốc đỏ, một tay cố gắng tóm lấy tôi lúc đó đang cố gắng chui vào tận góc giường để trốn (tôi không bỏ chạy được vì đau) và hét toáng lên như một cái còi. Còn chuyện mang vết thương của tôi ra rửa nước thì đừng hòng, chưa từng có ai làm được. Có lần lúc Chuột Nhắt khoảng 4 tuổi (và tôi lên 6, dĩ nhiên), tôi tròn xoe mắt thán phục nhìn Chuột Nhắt đi đâu về với cái đầu gối trầy xước đầy cát, nó lạnh lùng dí đầu gối vào vòi nước rửa sạch, không thèm nhăn mặt lấy một cái. Ngay lúc đó, tôi bắt đầu nể phục nhỏ em bé choắt của mình, và cái sự nể phục đó chỉ càng tăng lên theo thời gian.
(còn tiếp)
M
kể lể chi những đau lòng
ký ức như một trò đánh đố
quên được không ? không quên được không?
cười là thua khóc cũng là thua
quên là mất nhớ là cũng mất
thương là mơ mà đau là thực
mưa mùa này hay mưa mùa sau
rồi người còn có nhớ gì nhau ?
Alone
always ....
Tự nhiên
Rồi tự nhiên thấy khóc khó hơn cười
Tự nhiên thấy hôm qua trời nổi bão
Cũng êm đềm như nắng bữa kia thôi
Tự nhiên thấy mình đi vui vẻ lắm
ngang qua em qua gió với qua đời
còn huýt sáo và còn nghêu ngao hát
hình như là toàn những khúc nhạc vui
Tự nhiên thấy mình ngó vài cô bé
xinh như em, mà không, xinh hơn em
Tự nhiên thấy mình cũng đâu có tệ
em mà theo lẵng nhẵng cũng không thèm
tự nhiên thấy mình mải mê mà bước
mải mê quên cái góc cũ trong hồn
cái góc có một người quanh quẩn mãi
cứ một ngày trống rỗng một nhiều hơn ...
Perhaps love
Full of conflict, full of pain
Like a fire when it's cold outside
Thunder when it rains
If I should live forever
And all my dreams come true
My memories of love will be of you...
(from lyric of Perhaps love)