Đọc "Tuyển Vĩnh Đao"

Đầu truyện, lại kể một câu chuyện khác :

"… Ngày xưa có một người mời khách, mời được bốn vị bằng hữu. Đến ngày hôm đó, có một người bận việc không đến được. Chủ nhà thuộc mẫu hay nhớ nhung, trong bữa tiệc cứ than mãi: “Ôi, người cần đến thì chẳng đến.” Một hai lần còn coi được, nhưng y cứ nói mãi không thôi. Trong số khách mời có người nóng tính, cuối cùng nhịn không nổi, hừ lạnh nói: “Hẳn mỗ là kẻ không nên đến rồi!” Đoạn đứng dậy, bỏ đi. Chủ nhà không giữ kịp, đành quay lại rồi than vãn mãi trong bữa tiệc: “Ôi, người không nên đi lại đi mất rồi.” Nói tới mức khiến cho người thiếu sự khoan dung hơn trong hai người còn lại chịu không thấu: “Vậy là mỗ nên đi hử?” Đoạn cất bước đi thẳng khỏi cửa. Chủ nhà đuổi theo sau, vẫn không giữ lại được, chỉ đành nhìn bóng lưng mà kêu lớn: “Người ta nói không phải là huynh…”

… Người khách duy nhất còn lại có thêm hàm dưỡng nữa cũng không ngồi lại nổi.

Cuối cùng, chủ nhà chỉ còn biết một mình ăn hết cả bữa tiệc, uống trọn bầu rượu sầu."

Thương Ngưng (nhân vật chính của truyện), nghe cha kể chuyện từ bé, ba mươi tuổi mới hiểu ra được điều gì phía sau câu chuyện đó.

"Hắn đột nhiên hiểu được thâm ý nằm trong câu chuyện ấy: Cuộc đời là một bữa tiệc lớn, tối thiểu thì ai nấy đều kỳ vọng cái nhân gian của mình là một bữa tiệc lớn. Bọn họ chuyên tâm chuẩn bị, mỗi món thịt món rau, từng cái bát cái đĩa, chọn được ngày tốt rồi, làm ra đường vàng đường bạc, mời đủ hết bạn bè thân thuộc, rồi chờ đợi ngóng trông, đợi tới ngày ấy để trang hoàng sắp đặt.

… Nhưng không phải tất cả mọi người đều có may mắn ấy, khi tiệc rượu bắt đầu, đa số sẽ phát hiện ra, không ngờ thiếu mất một cái gì, như câu chuyện đó nói: “Cần đến thì không đến”. Cuộc đời chỉ mong thu xếp cho được một lần viên mãn, nếu như chẳng viên mãn, sẽ khiến cho người thích tính toán phải nghĩ ngợi: Việc mình khổ tâm lo liệu dường như đã bị bạc đãi. Do đó chủ nhân sẽ liên tục nhắc tới, nhưng cái sự nhắc ấy bản thân nó đã là bi kịch rồi… nhắc tới mức cuối cùng chỉ còn lại mình mình đối mặt với tiệc rượu ôm sênh ca hát lảm nhảm."

Bi kịch của người mở tiệc trong truyện, là một chuỗi những sai lầm. Nhưng lại bắt đầu từ cái sai lầm đầu tiên "Người cần đến thì chẳng đến".

Thế nào là "người cần đến"?

Thật ra, chẳng có ai trong 4 người khách đó là người quan trọng nhất cả. Chỉ là, người ta luôn tập trung vào cái thiếu hụt, vậy thôi. Cái thiếu, cái không có, cái mất đi,... lúc nào cũng làm cho người ta cảm thấy nó quan trọng hơn cái đang có được.

Bi kịch hơn, là chuyện "nhắc đi nhắc lại".

Cuộc đời là một bữa tiệc lớn.

Một bữa tiệc mà chính tay mình làm ra, mà cũng có khi chính tay mình phá hỏng.

Rất dễ dàng để hưởng thụ một bữa tiệc vui. Ca hát ăn nhậu với bạn bè.

Nhưng có nhiều người không như thế. Suốt cả bữa tiệc, họ chỉ nghĩ "người cần đến thì không đến".

Để rồi cuối cùng chẳng vui vẻ gì cả. Cái không có, dĩ nhiên không có. Cái đang có thì chán nản mà ra đi.

Mình chẳng muốn làm nhân vật nào trong câu chuyện đó.

Dĩ nhiên, không muốn làm ông chủ nhà ngốc nghếch không biết cách vui với bữa tiệc của chính mình.

Cũng không muốn làm người khách mời đã đến. Rất dễ dàng để được ai đó mời đến bữa tiệc của họ, rồi suốt thời gian bị họ coi nhẹ, tới nỗi đành bỏ đi.

Và mình cũng không muốn làm người khách không tới được rồi bị trở thành nguyên nhân để người ta than vãn sầu khổ.

Nếu tui không tới được, nghĩa là tui không tới được. Nếu tui phải bỏ đi, nghĩa là có nguyên nhân để tui bỏ đi. Xin đừng vì vậy mà oán trách tui làm hỏng một bữa tiệc vui.

Cái người làm hỏng bữa tiệc của cuộc đời mỗi người, chỉ là chính người đó mà thôi.