Mưa và dù

Mùa này trời hay mưa. Mưa bên này thì ít khi lớn, cứ lâm râm lâm râm, đủ ướt tóc nếu đi ngoài mưa lâu quá. Nên thiên hạ toàn che dù. Đi ngoài đường, nhìn dù đủ màu đủ kiểu khá vui. Nhớ hồi xưa chú Saad trong lab có cái dù đỏ rực, mỗi lần mưa mà nhìn chú che dù thấy giống phim Ý.

Có bữa mình che dù đứng chờ xe bus, có cô bé chạy ù vô núp vào mái hiên ngay cạnh mình. Cô bé cũng chờ xe bus, miệng đeo khẩu trang, chắc đang bị cảm. Mình suy nghĩ mất một tí, nói chung vì dân Hàn rất ngại người lạ, nên cũng sợ nếu mình kêu cô bé che dù chung cổ lại tưởng mình bị les. Nhưng rồi cũng kêu thử, thấy cổ mừng rỡ cảm ơn, mình cũng mừng.

Bữa nay tới lượt mình quên mang dù. Cái xe bus thì chờ mãi không tới. Nói chung cũng chẳng hy vọng gì có người tử tế cho ké dù, vì thật ra không phải dân Hàn không tốt bụng, nhưng cái truyền thống việc ta ta lo hình như cũng đã thâm căn cố đế. Lên subway hay xe bus cũng ít khi thấy thanh niên đứng dậy nhường chỗ cho người già.

Đứng một hồi, dòm lên thấy hình như trên đầu mình cũng được che một góc dù. Dù của cô bé đằng sau. Tới lượt mình suy nghĩ coi có nên cảm ơn cổ không, vì thiệt tình không biết là cổ cố ý che cho mình, hay là do hai đứa đứng sát nhau, mà cái dù của cổ thì to.

Quay tới quay lui, liếc liếc, thấy cổ cũng không dòm mình, nghĩ giờ mà tự nhiên mình nói cảm ơn có khi cổ tưởng mình khùng, nên cuối cùng cũng không cảm ơn gì ráo. Nhưng thấy ấm áp hẳn ra.

Tu

Phật đản là ngày quốc lễ của Hàn. Cũng hơi khó hiểu, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy khá công bằng, vì ngày Noel được nghỉ thì Phật đản cũng nên cho nghỉ luôn, không lại thành ra phân biệt đối xử giữa Mr. Chúa với Mr. Phật.

Tưởng bên này đạo Chúa chiếm phần lớn, nhưng hóa ra Phật đản họ cũng ăn mừng om sòm. Đèn lồng treo tung tăng khắp nơi. Ở gần nhà mình có cái building to, thấy họ treo đèn nhiều quá, nhìn lại mới hay tầng trên cùng có cái chùa.

Gọi là cái chùa, vì nó có cái bảng đề tên chùa, với nguyên chữ vạn to đùng trên nó, chứ còn lại thì chẳng có sơn son thiếp vàng, chẳng thấy chuông mõ lầu gác chi hết. Nó chỉ là một tầng của cái building, còn các tầng dưới thì có tiệm tạp hóa, tiệm ăn, massage, video, v.v... Nói chung là đủ món ăn chơi.

Nhìn nó lại nhớ tới một câu gì mình đọc hồi xưa, dịch nghĩa theo online game style thì có nghĩa là "Tu ở núi là tu chân sơ cấp, tu giữa chợ mới là tu chân cao cấp".

Mưa

Che cái dù vải loại dùng che nắng, nên mưa vẫn lọt qua.

Thấy mình giống mấy cái cây được tưới, mát rượi và phấn chấn.

Tiếp xúc thân mật

Lúc nhỏ mình ít được mẹ ôm, lại càng không nhớ nổi có lúc nào được mẹ hun không. Mình lớn lên xa lạ với mấy vụ ôm, hun, nắm tay... mặc dù vẫn biết rất rõ là mẹ thương mình lắm. Nhớ có lần đi chợ với mẹ bị lạc, nếu vừa đi vừa nắm tay hay nắm áo mẹ, chắc là không lạc, nhưng nói chung hồi đó mình không có nhiều khái niệm về mấy vụ tiếp xúc như vậy.

Tới cái tuổi có người iu. Tự nhiên cảm thấy một cái nắm tay có ý nghĩa thế nào. Lúc đi chợ mình bắt đầu nghĩ tới chuyện nắm tay mẹ. Lúc nằm ngủ bắt đầu nghĩ tới chuyện ôm mẹ. Nghĩ tới thôi, chứ làm thì thấy thiệt khó khăn, có bữa mình nằm bên cạnh mẹ cả buổi tối nghĩ có nên thò tay qua ôm mẹ không, rồi cuối cùng kết luận "thôi ngủ, trời nóng quá sợ mẹ không thích".

Qua Hàn. Đầu tiên rất shock trước cảnh mấy cô cậu đi bộ ngoài đường hoặc đứng ở bến xe mà ôm nhau chặt cứng, rồi kiss (lên má thôi) ngay trước mắt bàn dân thiên hạ. Vậy mà riết cũng quen. Mẹ qua Hàn chơi, đi subway, lúc xuống ga mẹ kể "hồi nãy có hai đứa nhỏ đóng phim trên subway ghê lắm!". Mình hỏi "Ghê là sao mẹ, tụi nó kiss nhau hả?". Mẹ nói "không, nhưng tụi nó ôm nhau". Mình với gấu cười he he thì thầm, mẹ mà thấy hai đứa mình "đóng phim" trên subway như mọi lần thì không biết sẽ nói sao.

Sống cũng đã nửa đời, lần đầu tiên mình thấy không ngượng ngùng (thiệt ra cũng có, nhưng vẫn có thể vượt qua được) khi nắm tay mẹ, ôm mẹ, hun mẹ. Thấy thiệt hạnh phúc.

=================================

Hôm bữa đi subway, tự nhiên nghĩ ra cái trò nhắm mắt lại coi nếu không nhìn thấy đường thì sẽ cảm thấy sao khi đi subway.

Nhắm một hồi, hiểu ra tại sao khi đến ga người ta thông báo bằng loa "Đã tới ga xxx, cửa ra bên tay phải, có khoảng cách nhỏ giữa sân ga với sàn tàu, xin cẩn thận lúc lên xuống". Khi mà không thấy gì hết, nghĩ tới chuyện bước chân từ tàu lên một cái sân ga mà mình không thấy được, không biết nó cách bao xa, tự nhiên cũng thấy sợ hãi.

Rồi lại nhớ tới bà nội. Bà nội hồi xưa khắc nghiệt với mẹ, không thương mấy đứa cháu gái. Mình và nhỏ em đều sợ bà nội. Bà bị lòa mắt vì bệnh tiểu đường, làm gì cũng sờ soạng hoặc nhờ ông nội giúp. Sau bà già và yếu đi, tính tình cũng hiền hơn trước, lúc tụi mình tới thăm bà, bà hay rờ đầu rờ mặt để coi giờ mình ra sao rồi. Bà cũng hay nhắc chuyện hồi xưa nhỏ em mình nắm tay dẫn bà đi khám bệnh, kỷ niệm đẹp đẽ giữa bà cháu cũng chỉ có một lần duy nhất đó thôi.

Nhắm mắt đứng trong subway, tự nhiên thấy thương bà nội. Khi người ta không thấy gì hết, thì tất cả những ấm áp còn lại đều đến từ tiếp xúc như nắm tay, chạm vào, ôm, ... Mà tụi mình hồi xưa sợ bà, toàn thấy bà là né.

Tự nhủ mai mốt mình có con, sẽ ôm nó nhiều nhiều, và sẽ dạy nó ôm bà nội với bà ngoại, hun bà, nói với bà "con thương bà lắm".

Hoặc không cần nói cũng được.

Tương lai

Đôi khi tương lai là một quả bóng bay
nhiều màu sắc
bay lên cao mãi
mang theo ước mơ
tay không còn với được

Đôi khi tương lai là bốn mùa
ta nhìn bốn mùa đi qua
biết sau nắng là mưa
biết sau cỏ hoa là héo tàn
và sau héo tàn lại là mùa hoa cỏ mới
biết tương lai luôn thay đổi
và cũng biết không có điều gì vĩnh hằng

Đôi khi tương lai là một chiếc thuyền
khi ta bước lên
không biết bên kia bờ là thảo nguyên hay hoang mạc

Đôi khi tương lai là bãi cát
ta viết lên những điều mình ước ao
để rồi sóng vùi lấp mất
những dấu chân để lại đằng sau rồi gió bôi xóa hết
nhưng ta vẫn đi

Vẫn chẳng biết được tương lai là gì
ta bước lên thuyền
ta đi trên cát
ta đuổi theo quả bóng tay
ta mỉm cười với bốn mùa trôi qua trước mắt
vẫn nắm chặt tay người ...

Chuyện Trương Chi

Mình với gấu hay tán nhảm, kiểu như vầy nè:

Dzịt: (hát hay hét không biết) "... đàn đêm thâu, trách ai khinh nghèo quên nhau..."

Gấu: toàn đổ oan không hè. Mị Nương đâu có chê Trương Chi nghèo đâu!

Dzịt: ờ người ta chê xấu chứ bộ. Nghèo còn có thể tha thứ, xấu thì never!!

Gấu: đồ háo sắc :P

Dzịt: ờ ai chả háo sắc. Ông Trương Chi còn háo sắc hơn, dzô gặp Mị Nương có chút đã tương tư tùm lum. Tự mình ăn dưa bở còn trách ai.

Gấu: ai bảo Mị Nương bán dưa bở :P

Dzịt: Mị Nương kiu tới gặp chứ đâu có nói gả cho Trương Chi đâu mà bán dưa bở. Con gái mừ, đứng xa xa nghe nhạc thì khoái, tới lúc gặp mặt vỡ mộng là chiện bình thường :-"

Gấu: dzậy là Trương Chi tự ăn dưa bở hả? @_@

Dzịt: chớ còn gì nữa :> Người ta mới kiu tới thôi đã tưởng này tưởng nọ chi rồi thất dzọng hông biết.

Gấu: Ờ có khi ảnh cố ý thổi sáo kua Mị Nương, mà cuối cùng failed nên mới thất dzọng đây >:P

Hai đứa: =))

Heaven, Earth and Hell

Heaven: holidays at home, with a PC and Internet

Earth: holidays at home, without a PC

Hell: holidays at home, with a PC and NO Internet

Vô cảm?

Hồi xưa, có lần mình tranh cãi với một người bạn miền Bắc.

Họ nói SG đông đúc và nóng nực, khó chịu. Mình nói SG dễ thương và hiền lành. SG của mình không có lá vàng mùa thu, nhưng có lá khô, lá bàng đỏ và hoa dầu xoay suốt những con đường gió. SG của mình có những người lao động nghèo nhưng hay cười, có ông sửa xe lạ hoắc bị thọt chân, câm điếc nhưng sẵn sàng chạy ra giữa đường giúp mình vác cái xe máy trở chứng vào lề sửa giùm hông lấy tiền, có gia đình hàng xóm bán bắp luộc với khoai mì, nghèo rớt nhưng vẫn hay chia cho con nít hàng xóm mỗi đứa một trái bắp ế đã nướng sẵn.

Xa SG, rồi quay lại, nỗi nhớ thì vẫn như xưa, nhưng thấy SG có nhiều cái lạ lẫm. Kẹt xe khắp nơi, cứ đi đường thấy một biển người chen chúc là oải. Không còn dám la cà ăn vặt như xưa, món nào hồi xưa mình thích giờ cũng đều đã chui vô blacklist của mấy bài báo tố cáo mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Bờ kênh Nhiêu Lộc hồi xưa mình thích chạy ngang, cho có chút mát mẻ giữa lòng TP, giờ bị cây cỏ dại và người tàn phá.

Đi ngang hàng nước dừa, nhớ món dừa tắc hồi xưa mình đi làm về hay ghé uống, nhớ cả chị bán dừa hồi xưa có nụ cười hiền queo, thế là đập đập gấu "Gấu ơi dừa tắc". Gấu quay xe lại, vừa chạy được đến hàng dừa thì chị bán dừa đã nhanh nhẹn phạt đầu hai trái dừa xiêm. Hai đứa chưng hửng "tụi tui chưa gọi mà!". Chị bán hàng rất chi là ngây thơ vô số tội "thì thấy hai người nên tui nghĩ là gọi hai trái dừa". 6000 một trái, vừa uống vừa tức mình, ký ức tươi đẹp hồi xưa thì bị đập bể te be một cách tàn nhẫn.

Đi một chuyến trăng (dập) mật về, hai đứa kết luận, càng ra phía Bắc càng bị chặt chém nhiều hơn, dịch vụ cũng tệ hơn. Cũng may còn cái quán nhỏ ở Cẩm Nam, có dì bán hàng hiền ơi là hiền, với dĩa hến xúc vừa ngon vừa đầy, làm mình vẫn còn tin có những người dễ thương còn tồn tại.

Mới vừa rồi ngồi tám với đám em, mình than về VN thấy buồn. Buồn vì bị chặt chém, bị gạt gẫm, bị chèn ép, bị mất lòng tin vào những người nói cùng thứ tiếng với mình. Em cười hé hé, chuyện bình thường chị ơi, ở VN ai cũng vậy mà, tại đời sống khó khăn.

Tại em vô cảm, hay tại mình đi xa lâu quá rồi nên thành vô cảm? Hồi xưa sống, thấy cũng bình thường mà?

Dễ chịu mỗi ngày

Dễ chịu lúc bước ra sân chuẩn bị đi làm, đi ngang qua đám cây cỏ của ajuma đang đâm lên xanh tốt. Ajuma trồng cây chả chuyên nghiệp gì cả, chậu thì ớt loe ngoe mọc chung với cỏ ba lá, chậu thì là một loại hoa tím gì đó mình không biết tên, cả đám đất bên hông nhà cũng lung tung đủ thứ hoa và cỏ dại. Nhưng mình thích kiểu trồng hoa của ajuma.

Dễ chịu lúc đi trên đường, may là sau đợt "tân trang" vừa rồi, họ vẫn còn chừa lại hàng cây ngân hạnh gần nhà. Lá ngân hạnh đang mọc xanh nõn, gió nhẹ mát rượi cả mắt lẫn người.

Dễ chịu lúc xuống subway. Buổi sáng người đi làm đông kinh khủng. Ra khỏi subway cái là ai nấy tự động nhập vào một hàng để lên cầu thang cuốn. Lên xong cầu thang, đến bến xe bus là hàng thứ hai. Xe cứ thế chạy hết chiếc này đến chiếc khác, người cứ tự động xếp hàng chẳng ai chen lấn ai. Xe hết chỗ, thì đứng lại chờ chiếc sau, ai vội thì lên xe đứng chút cũng được.

Dễ chịu lúc đi ăn trưa. Phải nói cái canteen này nấu cũng khá, mà lại hay tổ chức cái này cái nọ. Cuối tuần thứ sáu, tuần thì có buffet, tuần thì tổ chức bốc thăm làm sinh nhật cho những người sinh trong tháng, tuần thì trưng cầu dân ý xem thứ sáu nên làm món đặc biệt gì. Lâu lâu đang ngồi ăn, được mang thêm một dĩa service. Dân tình đi ăn cũng vui, mà chủ cũng thu bộn, ai nấy đều hạnh phúc.

Dễ chịu lúc đi làm về, đứng chờ ở ngã tư đường, hay được phát hạt dẻ. Ông chủ xe hạt dẻ khoảng bốn chục tuổi, mập mập, cứ lúc nào rảnh rỗi là múc một gáo hạt dẻ nướng đi phát cho đám người đang chờ qua đường mỗi người một hạt. Đêm lạnh lạnh, hạt dẻ nóng nóng bùi bùi, ăn vào khá sung sướng. Có người ăn xong thấy ngon mua một bịch, có người ăn free hoài áy náy cũng mua một bịch. Người bán người mua người qua đường đều vui.