Food festival

1. Sáng thứ tư. Năm anh em bao gồm Đại ca Bự, Trúc, Hưng, bé Hạnh và vịt đi chợ Namun. Quái cái ông Trúc, hôm qua thì bỏ anh em đi home+ hai mình, hôm nay có bé Hạnh sao tự nhiên siêng thế.

Đến hàng thịt, giá thịt thì rẻ, giá xương thì trên trời. Tính toán mãi rồi quyết định mua mấy kg thịt bò loại rẻ nhất. Đang định mua thêm xương giá bò (5000/kg) thì nghe đại ca gọi "Xương ống 3000 một cái". Trời ạ, sao rẻ thế, kiểu này chắc phải mua vài cái về nấu cho sướng.

Đến khi tính tiền, hóa ra là 30 000 chứ không phải 3000. Bà con nhìn nhau mặt mày méo xẹo xót xa. Xin trả lại không được, kỳ kèo mếu máo mãi thì ông chủ bớt cho 5000. Thôi cũng được, mang về nấu cho nó ngọt nước (Nhưng cũng nhờ ống xương bất đắc dĩ này mà nồi phở đã thành công trên cả tốt đẹp ).

3. Rời chợ Namum, Đại ca Bự và vịt đáp xe đi cửa hàng bán đồ VN để mua gia vị phở. Đến nơi, tiệm đóng cửa, dán một miếng giấy to "Phượng đi vắng, gọi điện số ....". Tội nghiệp đại ca tốn mấy ngàn mua card, gọi điện chỉ nghe giọng Hàn léo nhéo báo máy ngoài vùng phủ sóng, trong vùng phủ chăn... Hai anh em ngồi méo mặt chờ. Hoá ra chị Phượng nhà ta đi tắm hơi, mãi đến 6 rưỡi mới thấy một em khác chạy về bán thay, ăn nói ngọt như đường nhưng bán thứ gì cũng đắt. Bịch bánh phở 4000, trong khi home+ có gần hai nghìn. Thôi về home+ mua bánh phở vậy.

Về home+, cái quầy chỗ để phở giờ trống lốc. Hết hàng. Huhu, làm sao bây giờ???? Hai anh em lếch thếch lội về qua cổng Kyung Hee thì vịt nảy ra ý kiến chạy vào quán Pho Hoa mua bánh phở. Đại ca Bự băn khoăn, biết họ có bán không. Ai dè họ bán thật. Giá 3000 một gói cũng chả đến nỗi. Quái họ làm gì có mấy gói phở mà lâu thế đại ca nhỉ. Hóa ra họ đang hì hụi xé cái địa chỉ bán phở ra, he he ...

Về đến bếp, bà con la om sòm, hai anh em đi đâu mà lâu ... Đại ca cười hehe, có đi đâu đâu, tại cái cô Phượng rắc rối tự dưng đi tắm hơi, không chịu chờ đại ca lên tắm hộ ...

Bà con đang cuốn chả giò, đã xong phân nửa nhân. Chiên đợt 1 xong thì giành nhau nếm. Huhu, nhạt quá đại ca Bình ạ. Lại không thơm. Không thơm thì cho thêm hành. Nhạt thì thêm muối. Nhiều thịt quá ăn chán thì thêm nấm mèo, cà rốt, giá. Vịt với bé Hạnh thêm một hồi, hai thau nhân đầy lại như cũ. He he, cứ thế này thì lợi thật, hay ta lại thêm nữa ^^

Lực lượng cuốn chả giò năm nay khá hùng hậu. Chủ nào chả nấy. Trọng Anh cuốn cái nào cái đó ốm tong teo. Trúc cuốn mập ù. Trung cuốn nhìn bèo nhèo. Cuốn chả của Hòa thì bụng phình lên còn hai đầu teo tóp.

Xong bà con về hết, còn hai chị em ở lại nấu phở. Nấu đến 3g thì bé Hạnh chịu hết nổi chạy về, còn vịt chiến đấu tiếp đến 5g sáng. Sáng hôm sau, bé Hạnh khai báo, hôm qua mãi đến khi chị về em mới ngủ được. Trời ạ, em có thao thức nhớ chú nào thì cũng ráng ngủ một tẹo, thức thế có phí không hả nhóc.

3. Ngày 19. Đến trưa mà vẫn chưa thấy lều chõng đâu cả. Ghé ngang sân bóng thấy bà con đang chuẩn bị vào trận cuối. Đại ca Thưa bảo thắng trận này vào chung kết, làm con vịt với cô em kết nghĩa của anh Cường ngồi cổ vũ om sòm. Bà con ta chơi hay thế, đá xong rồi, thắng vẫn còn hào hứng đòi rủ đội kia đá tiếp. Hoá ra là bị loại, huhu ...

4. Suốt buổi chiều hàng họ vắng teo vì khách đi hướng này đến thì gặp mấy chú Pakistan, khách đi từ hướng kia thì ghé vào hàng Trung Quốc và Bangladesh. Hòa với TA rao om sòm, phở ế đâyyyyyyy .....

Các giáo sư là khách hàng tiềm năng được chờ đợi và lôi kéo Mỗi khi ông giáo sư nào vào một hàng thì mấy hàng kia đứng nhìn xụng xịu vì tiếc. Mà kéo được giáo sư vào là một chuyện, tính tiền sao cho nghệ thuật lại là chuyện khác. Giáo sư Hong ăn xong hỏi how much, Đại ca Bự trả lời hết sức dịu dàng "It's up to you, professor". Bà con cười lăn lóc, ôi ôi, chuyên nghiệp đến thế là cùng.

Đến tối các chú Pakistan về, giá phở cũng được hạ xuống 3000/tô, thế là khách kéo vào nườm nượp. Bà con chạy vắt chân lên cổ (nhưng mỗi người cũng tranh thủ ăn được một lượng đáng kể ). Tội anh Cường đứng chiên chả giò rã chân, thỉnh thoảng lại năn nỉ vịt "Em gọi cho cô TQ giùm anh với...". Tội cả cô TQ cũng chờ mỏi cổ ở nhà "I want to kill him...". Hehe, so come here and kill him already

5. Cuối cùng cũng bán xong xuôi và nhậu xong xuôi. Phê và phờ. Bà con kéo nhau về. Nhớ đến đống bài tập lúc nhúc từ đầu tuần mà oải. Con vịt chống oải bằng cách kêu réo, bà con ơi, cuối tuần này ta lại đổ bánh xèo ... :D

Thiền học ký - phần hai

5g sáng. Giật mình thức dậy vì có cô nào đó để chuông điện thoại báo thức. Như mọi khi thì đã nướng tiếp cháy vàng lên mới thôi. Hôm nay nằm suy tư hai phút rồi quyết định bò dậy, không thì lát nữa bị dựng dậy cũng thế.

Tưởng dậy sớm làm gì, hóa ra là để tập trung chắp tay đi lòng vòng sân. Xong tất cả tập trung xem nhà sư gõ trống, khánh, cá chép và đổ chuông (Viết đến đây thì nhớ ra trong cuốn giáo khoa có in hình cái chuông, lật ra xem xem lịch sử cái chuông có chi đặc biệt không. Hoá ra nó không viết về bản thân cái chuông mà là quảng cáo cơ sở làm chuông. Chả biết ở Hàn có thứ chi nó không quảng cáo :43: )

Cả cái chuyến đi học này cũng là để phục vụ quảng cáo. Mấy cô cậu phóng viên Hàn túc trực quay từng chi tiết một, xong lại phỏng vấn lung tung. Các sư cụ còn cho phép vài tên sinh viên lên gõ trống khua chuông, xem ra rất chi là "mời quý khách dùng thử sản phẩm".

Sau buổi thiền sáng (lúc này thì bà con ta tranh nhau thở than vì cái lưng và cái chân bị hành hạ hôm qua bây giờ đã bắt đâu biểu tình dữ dội), mọi người tập trung lên tham quan Baekdamsa trên núi Seoraksan. Đường lên núi cực đẹp, quanh co khúc khuỷu, một bên là suối cuồn cuộn chảy, một bên là rừng xanh ngút mắt. Thỉnh thoảng xe làm một cú ngoặt 30 độ như trong phim hành động Hollywood.

Chùa đây rồi. Bà con hớn hở vào tham quan chùa và ... lạy 108 cái tập hai. Con vịt ham chơi quá nên mới vào chùa đã xách máy ảnh chạy rông, thành ra tự nhiên may mắn không phải lạy. Đang chụp hình lòng vòng thì thấy bà con ta đang xì xụp trong điện, thấy cũng hơi áy náy, nên đứng ngoài chụp mấy pô ảnh. Điện thì cao, vịt thì lùn, lại đứng đằng sau mọi người. Có tấm bấm xong giật mình thấy toàn mo là mo, phải vội vàng xoá đi không nhỡ người khác nhìn vào ảnh chắc choáng.

Chùa chiền Hàn thì chán ùm, cái chùa nào cũng giống cái chùa nào. Màu xanh và đỏ pha với nhau, họa tiết ngoằn nghoèo nhưng không có gì đặc sắc. Mà nói chi chùa, ngay cả mấy cái cung điện cũng bé xíu tồi tàn, nhìn thấy mà thương cho vua chúa Hàn xưa.

Được cái núi rừng ngút ngàn đẹp tuyệt, dòng suối cạnh chùa cũng đẹp tuyệt vời, với một chiếc cầu đá dài hoành tráng. Những chiếc đèn lồng đủ màu khiến cho cảnh quan nhìn khá vui mắt. Bên dòng suối, người ta đắp rất nhiều "đá may mắn", những cột đá chồng lên nhau, mỗi một chồng đá là bao nhiêu ước mơ...

Trong chùa có một gian hàng bán ngói lưu niệm. Khách có thể mua một viên ngói đen truyền thống của Hàn, viết chữ lên đó. Những viên ngói sau đó sẽ được mang lợp mái chùa.Nghe cũng hay hay, xem ra họ rất rành tâm lý thích để lại vài dòng lưu niệm của du khách. (Muốn biết du khách thích viết chữ lưu niệm thế nào, cứ đến mấy điểm du lịch của Việt Nam, dòm lên tường, lên cây ... là sẽ rõ).


Vịt cũng khoái, hỏi thăm chú bán hàng thì nghe là chỉ tốn có một ngàn won. Thế thì rẻ chán, nhưng khổ cái không mang theo xu nào. Chạy tìm cậu bạn Hàn, cậu cũng chẳng mang tiền theo. Rõ chán. Chạy lăng quăng một lát thì gặp anh Cường. Thế là xin xỏ một ngàn rồi vắt chân lên cổ chạy vào mua ngói. Chú bán ngơ ngác khi thấy con vịt mặt mày hí hửng hộc tốc chạy lại chìa tờ một ngàn won. Thế là đến phiên vịt ngơ ngác... Cuối cùng thì cũng hiểu ra, giá một viên là 1 man chứ không phải một ngàn won. Rõ khổ cái tiếng Hàn chuối của vịt. Ngượng chín cả mặt, vịt xin lỗi xong rồi định tìm đường dzọt thì chú gọi lại, "Sơ vít sừ ... Sơ vít sừ...". Chú thương tình con vịt ngố nên giảm giá còn một ngàn won. ôi sao có những người Hàn dễ thương thế không biết.

Cuối cùng thì chữ đã viết xong, hình cũng đã chụp xong. Viên ngói của vịt sẽ nằm trên nóc chùa nào không biết, nhưng chắc chắn nó là viên ngói đặc biệt nhất, không những vì giá chỉ bằng 1/10 những viên khác mà còn vì nó mang trên mình một câu chuyện đẹp.

Thiền học ký

Cũng chả biết tại sao Vịt có hứng thú với chuyến đi học Thiền này thế. Cái máu ham chơi thì đã hẳn rồi. Nhưng một phần nghe cái chữ Thiền nó cũng hay hay. Dạo này ham chơi ham ăn quá, đi vô chùa học cách tịnh tâm một bữa xem có khá hơn được tí nào không.

Bà con ở nhà học thi hết, lên xe vịt không có đồng bọn, một mình ngồi một ghế. Lần lượt ban tổ chức (3 cô cậu người Hàn) ngồi vào làm quen. Nhí nhố một lát thì ai về chỗ nấy, vịt tranh thủ ghế trống lăn ra ngủ. Sướng. (Tự an ủi mình thế, chứ nhìn bà con GSP cười giỡn om sòm thấy cũng hơi thèm. Ai bảo mình kém giao tiếp chi)

Nghe nói chùa nằm trên núi, cứ tưởng tượng sắp lên đến một cái như Thiếu Lâm Tự, bốn mặt là rừng, thâm nghiêm trầm mặc, chuông gõ binh boong. Khi xe đến nơi bà con cứ ngơ ngác hỏi nhau có đến nơi thật chưa hay chỉ dừng lại nghỉ ăn trưa, vì điểm đến thật sự không giống cái chùa tí nào. Kiểu kiến trúc nửa tân nửa cổ, toàn hình khối bằng đá nhìn lành lạnh nhưng được trang trí bằng khá nhiều chữ Tàu nên cũng có vẻ xưa xưa. Một dòng suối giả phía trước và một dòng suối thật ào ạt phía sau. Bốn phía là đồi, nhưng thỉnh thoảng xe cộ vẫn chạy veo veo. Một dàn chào đông đúc đang tập trung truớc của, mặc áo xam xám cũng hơi giông giống người nhà chùa. Chào gập lưng. Mỗi sinh viên được phát cho một cái thẻ tên và một cái áo jacket xám. Lên phòng cất ba lô xong, hí hửng mặc áo thấy rộng rinh, nhưng vẫn khoái vì cảm giác mình đang bắt đầu sự nghiệp đi tu (24h).
Ăn trưa. Rau rau và rau. Càng tốt, rau bên này mắc mỏ. Nhưng ăn xong thì thấy tôm, con nào con ấy to đùng, và cá, và mực... Quái chùa kiểu gì thế nhỉ??? Muốn ăn tiếp quá, nhưng tự bảo mình đã đi tu thì bớt tham sân si đi một tí, nên thôi theo bà con đi cất khay. Một lát sau nghe Tâm bảo lúc nãy ăn thêm tôm căng cả bụng, mới thấy hơi tiếc tiếc :D
Xong cơm trưa thì đến tiết mục đầu tiên : Thể dục thiền. Xếp ba hàng ngang, xoay tới xoay lui xem có đụng tay nhau không (chủ yếu là để dãn cái lưng một tẹo và tranh thủ ngó coi ai đứng xung quanh mình). Động tác đầu tiên, một tay lên trời một tay xuống đất, người vẹo lên như cái cung. Tâm kêu oái em no quá không uốn được. Động tác thứ hai rồi thứ ba. Lần lượt tất cả mọi người đều la oai oái, vì cái cô làm mẫu dẻo quá, làm theo muốn quẹo luôn mấy khúc xương. Tư thế cuối cùng, anh em Việt Nam khoái chi reo hò, Hàm mô công các chú ạ, một hai ba ta cùng chưởng... Máu võ lâm nổi lên mà có mấy cú chưởng thái cực eo eo nặng ẹo thì không đã tí nào, Tâm túm anh Cường biểu diễn thêm vài cú Taekwondo. Anh HA chụp hình xong rồi kêu om, Tâm ơi em đá vào cái gì thế...
Tiết mục thứ hai là giới thiệu chung về thiền và văn hóa Hàn. Bà con ngủ dặt dẹo trong phòng họp. Phải thừa nhận công nghệ quảng cáo của Hàn cực tốt, họ quảng cáo cái chi cũng hấp dẫn cực kỳ. Mấy cái cung điện cũ rích lè tè mà quay phim lên đẹp không chịu được. Khả năng trùng tu của họ cũng cực cao. Chả bù cho VN mình, di tích cảnh quan cung đình đền đài, cái chi cũng có mà cứ để cho nó mốc meo đi.
Đến mục học thiền. Giờ mới biết là mình sẽ chẳng đi đến chùa chiền gì sất, hay đúng hơn ở đây cũng có một cái hall giông giống cái chùa. Mỗi người ngồi lên một cái nệm. Được nghe giới thiệu về cách thức ra hiệu lệnh (bằng một cái gọi là joopy, như hai cái thước gỗ chập lại đánh vào lòng bàn tay nghe chách chách), về vái đứng và vái quỳ. Xong thực hành. Đầu gối xuống trước, tay phải, tay trái, gập xuống nào. Có tiếng cười rích rích, cái tư thế trán xuống đất mà mông lên trời này chắc bọn Tây chưa hề thử bao giờ. Mấy cô Hàn nhẹ nhàng nhắc, em ơi, thâm thấp cái bottom tí...
Thiền tập một. Thở ra thật dài và đừng thèm nghĩ đến chuyện hít vào (vì mình sẽ tự hít vào, không thì mặt mũi tím tái lăn đùng ra ngất ngay). Tất cả những tạp niệm thổi phù phù cho nó ra ngoài hết. Thấy cũng nhẹ nhàng hơn tí đỉnh. Thảo nào người ta buồn hay thở dài.
Nhắm mắt và chụm ngón tay. Ráng cảm nhận mạch đập ở đầu ngón tay nào. Thầy ơi sao em chả feeling gì ráo.
Xong mười lăm phút ráng làm rỗng đầu óc (thật ra là suy nghĩ lung tung), bà con tranh thủ vừa duỗi chân tay vừa than thở. Ôi ôi cái chân... Mới tập một thôi các anh chị ạ, ráng mà quen đi nhé.
Giờ ăn tối. Mỗi người được phát cho một bộ đồ ăn truyền thống nhà chùa, gồm có bốn cái tô lớn nhỏ lồng vào nhau, một cái khăn lót, một bộ đũa muỗng, tất cả cột bằng một cái khăn xám. Trên phủ một chiếc khăn trắng, ban đầu cứ tưởng là khăn ăn, sau mới té ngửa (vì sao thì bạn xem hồi sau sẽ rõ)

-----------------------------------------------
Tập 2: Công dụng mới của Kim chi

Trước bữa ăn, dĩ nhiên phải học cách ăn. Nhưng trước khi học cách ăn thì mọi người phải xếp sao cho tất cả các bộ đồ ăn theo hàng dọc thật thẳng không lệch centimetre nào (các chú Hàn nghĩ ra cách so theo vạch trên giấy trải sàn mới hoàn tất được khâu này). Mọi người chăm chú xem ông sư trong băng video gỡ dải băng, gập lại cẩn thận, xếp bốn cái tô ra khăn ăn theo thứ tự góc lượng giác 3, 1, 2, 4. Một người sẽ rót ít nước vào tô to nhất, dùng nước này tráng tô, xong đổ sang tô sau, lại tráng tô, lại đổ... đến cái tô bé nhất thì để luôn đó, khi ăn xong sẽ dùng nó mà rửa tô.
Cơm canh và các món ăn được phục vụ tuần tự. Muốn lấy bao nhiêu thì lấy nhưng phải ăn bằng hết, vì ăn xong phải tự rửa tô. Cách thức rửa tô như sau: trước khi ăn lấy một miếng kim chi nhúng vào canh ngoáy cho sạch ớt và gia vị, xong dán lên thành tô cơm. Khi ăn xong sẽ được phát một ít nước cơm (hay nước gì đục đục trăng trắng chả biết), dùng miếng kim chi đó mà tráng rửa thành tô, xong đổ cả kim chi và nước sang tô khác, lại rửa, lại tráng ... và sau cùng thì uống luôn nước đó và nhai cả kim chi (đến khâu này bà con la lên cùng một lượt, đầy vẻ hãi hùng). Xong lấy nước tráng tô đầu tiên để rửa lại các tô một lượt (rửa bằng tay). Nước tráng tô thì đổ vào một cái thùng (bà con thở phào, may quá cứ tưởng phải uống luôn nước này thì cả bọn đi súc ruột). Xong lấy khăn lau sạch tô, gói ghém như cũ và phủ khăn lên, mang cất (có ai giặt cái khăn đó không hả trời? Hay lần sau lại mang ra xài lại? :-&)
Màn phát cơm và thức ăn kéo dài hơn hai mươi phút. Bà con đói xanh mặt ngó nhau. Ăn xong thì quên sạch không biết nước nào tráng tô rồi uống, nước nào không, khá nhiều bà con lấy nước ban đầu ra tráng tô xong rồi nhắm mắt nhắm mũi ực luôn, xong mới thấy người ta lù lù mang nước gạo đến ... Tội nghiệp chú người Đức bên cạnh bị đau bụng từ trưa...
Buổi tối học thiền lần hai. Trước khi thiền là màn đọc kinh bằng tiếng Hàn (bà con nước ngoài cứ thế ngó nhau, riêng anh Cường thì nhắm mắt nhắm mũi cầu nguyện rất chi là thành khẩn). Tiếp đến là 108 cái lạy. Cái chú bị đau bụng kiên quyết không lạy, ngồi thương cảm ngó bà con xì xụp.

Tại sao lại phải lạy 108 cái? Sư thầy giải thích là do người ta có 108 khổ nạn hay nghiệp chướng gì đó, lạy một cái thì được giải bớt một phần. Vậy sau khi con lạy rồi có qua được midterm môn xác suất không thầy ơi?
Lạy xong ngồi xoải chân thở. Thiền xong một tập thì bắt đầu nằm vạ vật. Thiền xong tập nữa thì bà con xếp hàng ngồi đấm bóp cho nhau, thêm tập nữa, tập nữa ... ôi cái lưng .... ôi cái chân ... Mấy cô cậu nằm gác lên nhau rên rẩm. Cái chùa nhìn giống cái nhà ... gì đó (mô phật tha tội cho con)
Xong xuôi, các sư cụ an ủi bọn trẻ bằng cách cho ăn một bữa ttok và cam chuối cà chua (chắc là trái cây còn sót lại sau bữa tối). Dòm trái chuối nhớ lúc chiều, khi học về cuộc sống trong chùa, xong đến phần đặt câu hỏi, một cậu hùng hồn chỉ vào đĩa chuối trên bàn thờ Phật "Why ...banana?"
11g tan cuộc đi ngủ. 5g sáng phải dậy. Đi tu hóa ra khổ thế ... Mỗi phòng khoảng 10 người. Chăn mền tự lôi trong tủ ra. Mấy cô gái than vãn om lên vì không có phòng tắm. Trong lúc bà con chạy đi chạy lại thì vịt xách máy đi lang thang, nhưng tối quá chả chụp được gì. Thích quá cái tiếng nước rì rào của dòng suối về đêm. Xong leo lên văn phòng trung tâm ngồi check mail và ghi nhật ký đến 1g sáng.

Xe đạp ơi ...

Nghỉ lễ, mấy anh em kéo nhau đi tìm một cái chợ
Chợ thì chả thấy đâu, nhưng lại gặp một tiệm sale xe đạp. Bé Hạnh đang muốn mua một cái, nên tóm luôn một chú xe màu xanh da trời.
Cả bọn khoái chí thay nhau đạp xe. Con đường buổi chiều lộng gió, màu mùa xuân xanh rợp mắt. Nhìn Trúc chở bé Hạnh tự nhiên thấy nhớ ngày xưa. Cái hồi đi mùa hè xanh ở Củ Chi, papa mượn được một chiếc mini, thỉnh thoảng chở con đi lòng vòng. Một mùa hè đầy nắng gió và tiếng cười. Những đứa học trò lem luốc chộn rộn. Đêm sao băng và những giấc mơ...
Một thời sinh viên đi qua rồi. Một thời ngông nghênh lang bang cũng qua rồi. Thỉnh thoảng con vẫn nhắc với bé Hạnh về những ngày xa xưa đó. Về một cái thôn nằm heo hút cheo leo trên một góc rừng. Về con dốc "bà cố" với bọn vắt. Về những chiếc lồng đèn cho một đêm rằm...

Bây giờ chả đứa nào còn đi xe đạp. Bọn mình lớn hết rồi, bận rộn với những suy tính tương lai và gia đình, tình cảm... Thời gian thì không quay lại nữa. Mà con thì cũng chẳng muốn thời gian quay lại. Con đã đi một chặng đường quá dài để đến được ngày hôm nay. Nhưng chẳng hiểu sao trong cái buổi chiều thật nhiều gió và lá xanh này, con lại muốn ngồi sau xe đạp của papa một lần nữa, vui lại cái niềm vui trong veo ngày ấy một lần nữa...

Chuyện tình yêu

2g. Vịt đang đi về dorm thì gặp cô bạn TQ và cậu M ở cửa dorm. Bị túm lại nói chuyện.

Họ đang chuẩn bị chia tay nhau. Nhưng M vẫn còn nắm tay XH nói chuyện một lúc lâu. Và khi đã chia tay rồi, M đứng ở cửa nhìn theo cho đến khi hai đứa đi khuất.

Có lần vịt đọc một bài báo, nói rằng khi hai người chia tay nhau sau một buổi hẹn, nếu người con trai đứng lại nhìn theo người con gái, nghĩa là anh ta đang yêu.

Vậy nếu ngược lại, nếu người con trai vội vã bỏ đi, nghĩa là anh ta không yêu?

Người ta chê người Hàn khô khan. Nhưng cái kiểu biểu lộ tình yêu của họ xem ra không khô khan tí nào. Ít ra họ làm cho người kia biết được rằng mình đang được yêu nhiều lắm...

Và thật hạnh phúc quá chừng nếu biết được điều ấy

-----------------------------------
Thế gian có lẽ có hai loại hạnh phúc.

Cái loại hạnh phúc của người biết. Và loại hạnh phúc của người không biết.

Nếu có một cô gái chưa hề được người mình yêu nhìn theo thật lâu như vậy, mong cho cô ấy chưa đọc bài báo kia...

------------------------------------
Ai bảo giữa cái thời ngay cả bánh mì vẫn còn khó kiếm này, em lại cứ thích hoa hồng ...

You are my student

Meeting

Professor reminded each student about the "supervisor on paper" and "real supervisor".

He said to each student : remember, prof A.(B., C....) is your supervisor on paper, but i am your real supervisor. So don't worry.

My dear prof, you are our prof, that's why we are worried ...

Forgive & forget

Nhỏ bạn đang hết sức buồn bực : "bà coi, tui rủ tụi nó về nhà tui chơi. Ban đầu thống nhất rồi, xong tụi nó lại muốn đi Nha Trang. Khi không đi Nha Trang được nữa thì nói thôi về nhà tui, làm như nhà tui là cái trạm cuối cùng không đi đâu được nữa thì mới về..."

ừa, đôi khi người ta làm mình buồn chỉ vì sự vô tâm của họ. Mà những người bạn thân lại dễ làm mình buồn hơn. Với người lạ, người mình không yêu mến, mình không dễ bị thương tổn, và dễ bỏ qua mấy chuyện lặt vặt, tại sao vậy nhỉ?

Mình khuyên nhỏ, hay là bà bỏ qua cho tụi nó một lần. Coi như cho cả hai bên một cơ hội.

mấy hôm sau lễ gặp lại, nhỏ khoái chí kể : 'Về quê tui vui lắm. May mà nghe lời bà ..."

Tự mình cũng thấy khoái ... và nghĩ cũng may tối hôm bữa định giận nhỏ bạn cùng phòng, may mà sau lại thấy tội nó nên không giận nữa.
--------------------------------

Nhưng có những chuyện rất xa trong quá khứ, khi nghĩ lại vẫn còn buồn. Gặp lại người bạn đó vẫn cảm thấy không thân thiết được như xưa, mặc dù vẫn tay bắt mặt mừng

Mình vẫn chưa học được cách để tha thứ.

Hoặc là đã tha thứ rồi, nhưng chưa quên được.

Nhớ ra mình đọc ở đâu đó. Biết tha thứ thôi thì chưa đủ, phải biết quên.