Manga

Mê phim hoạt hình thì không nói làm gì. Mê truyện tranh thì cũng không nói làm gì nốt, vì có nhiều truyện tranh cả người lớn cũng thích, như Lucky Luke chẳng hạn. Nhưng mình còn khoái đọc manga nữa. Mà món này thì rất là hổ lốn, tốt có, xấu có, hay có, dở có.

Mới đọc xong một manga Nhật mà mình khá thích. Có nhiều idea đáng nhớ.

- Cái tự mình cố gắng để có được sẽ mang lại nhiều niềm vui hơn là được người khác mang cho (vụ này mình vô cùng thấm thía nhá, đã có nhiều lần chán bỏ ngang xương một việc mình thích chỉ vì có người khác nhảy vô làm giúp).

- Lâu lâu người ta sẽ gặp chuyện bực mình, giống như đi trên đường bằng phẳng tự nhiên lọt hố. Nhưng thường người ta bực mình vì cái hố, và quên mất là cả con đường trước đó họ đã rất thoải mái.
Nói cách khác, những thứ làm mình dễ chịu thì đầy chung quanh và dễ bị quên mất, còn thứ làm mình khó chịu thì nổi bật và hay được chú ý. Trong khi tỉ lệ giữa chúng nó là N >> M.

- Những hạnh phúc hiện tại có thể sẽ mất đi trong tương lai. Thay vì lo lắng, cố gắng tận hưởng ngày hôm nay càng nhiều càng tốt.

- Không nên nói "Hồi đó thật vui". Nên nói "Hồi đó cũng thật vui"

- Khi tham gia chạy marathon, có 2 cách chạy. Hoặc là chạy thật nhanh để về đích đầu tiên. Hoặc là chạy thật chậm, ngắm hoa ngắm cỏ, chào người này người khác, enjoy tất cả những thứ trên đường. Chọn cách nào cũng được, miễn là khi về tới đích mình thấy vui vẻ.

Còn nhiều cái khác nữa làm mình thích bộ manga này. Những nhân vật trong đó biết tận hưởng cuộc sống.

Những chuyện bực mình

Mấy bữa nay có vài chuyện bực mình.

Bực thằng em mình. Bực tới nỗi đầu muốn nổ tung ra, tới nỗi muốn sút cho nó một cái muốn văng tới đâu thì văng. Mình than thở ầm ĩ với gấu, xong thấy thằng em online, thế là gọi nó.

Sau đó thì xảy ra một màn rất là bi hài kịch. Nghĩa là một bên mình ngọt ngào như từ mẫu an ủi thằng em, một bên quay qua khóc lóc với gấu trời ơi em đang phải an ủi nó nữa nè trời.

Nhưng mà sau khi an ủi nó xong, thì mình gần hết bực.

Mình kết luận với gấu, mai mốt mà nổi điên lên với con cái, chắc là nên đi vô nhà tắm xả nước cho nguội bớt, xong đi ra nhe răng cười nói ngọt với nó.

------------

Chuyện thứ hai thì cũng hổng biết là bực, hay tự ái, hay buồn. Đại khái là do mình ngồi nhận xét, sao người Hàn qua nước mình thì khu phố của họ vẫn sạch đẹp y như bên Hàn, còn khu phố của người Việt bên Úc thì nhìn vẫn lem nhem (theo nguyên văn lời gấu thì nhìn giống mấy khu da đen nghèo trong phim), trong khi thật ra đó là một khu mắc mỏ, và mấy người Việt buôn bán ở khu phố đó so với mấy người Hàn ở VN có khi còn giàu hơn gấp mấy lần.

Em A ngồi cạnh chọt vô, kiu chị nói vậy rồi mai mốt qua đó nhớ đừng sống giống vậy hen, không người ta lại nói cho.

Mình nghe xong không trả lời gì. Vì đó vốn là một câu nói không phải để người ta trả lời.

Xong nghĩ nghĩ một hồi, lúc đi ra thang máy mình nói với em A "hồi nãy em làm chị hơi tự ái tí".

Thiệt ra nếu là người lạ chắc mình bỏ ngoài tai và không cảm thấy gì, rồi quên luôn. Nhưng em A thì mình rất quý, nên mình cảm thấy hơi bực, hoặc là hơi tự ái, hoặc là hơi tổn thương, hoặc là hơi buồn. Nói chung là không vui. Mình không muốn những cảm giác không tốt còn lại hoài. Nên quyết định nói cho em biết là em nói vậy mình không vui. Mình cũng không rõ mình muốn em phản ứng thế nào. Chỉ muốn mình sẽ có gì đó để mất đi cảm giác không vui đó.

Em cười he he, thì em nói vậy thôi ai thích nghĩ gì thì nghĩ.

Đại khái mình thấy, mình cố gắng vô ích.

----------

Lỡ đặt cái title là "Những chuyện bực mình", nên mình đang ráng nhớ coi còn chuyện bực mình nào để kể không.

Nghĩ một hồi không còn gì.

Hóa ra mình khá hạnh phúc :D

Vú sữa




Cứ gần tới tết là thèm vú sữa gần chit.

Mình chọn cái hình vú sữa này làm minh họa, không phải vì thích vú sữa tím hơn vú sữa hột gà, mà do hồi nhỏ mình hay ăn kiểu này. Tách làm đôi, bên trong mọng sữa và cơm, xong lấy muỗng khoét từng chút một. Phải ăn từ từ vì không có nhiều, ăn mau sẽ hết mất. Mặc dù người ta bảo không nên cạo sát vỏ quá, mấy trái vú sữa vẫn hay bị mình cạo sạch bách.

Bé Tuyền kể, hồi đó dẫn Bảo về quê, nhà có cây vú sữa. Ở quê thì ăn vú sữa chỉ lột ra cạp một hai cái, xong quăng xuống ao cho cá ăn. Bảo ta ăn sạch bách, ba bé Tuyền gọi con gái nói nhỏ nhỏ "Con kiu nó ăn in ít thôi, chừa cá ăn với".

Bà con cười he he. Mình hơi quê quê, tại gặp mình chắc cũng y chang vậy. :D

Lười làm chuyện tốt

Tự nhiên nhớ chùm cau. Cau đám cưới chị, xanh bóng, tròn lủm, đẹp hơn nhiều so với cau hồi xưa mình vẫn mua ngoài chợ về cho bà nhai trầu. Xong đám cưới, mình dòm mớ cau, hỏi giờ làm gì với nó đây hở mẹ. Mẹ mèo nói để mẹ coi có ai ăn trầu mẹ cho.

Thời này mà kiếm một bà già ăn trầu giữa cái thành phố hơn 7 triệu người này cũng hiếm như là đi tìm cây trong sa mạc. Vậy mà mẹ cũng kiếm ra được má của một cô nào đó, cho hơn phân nửa mớ cau. Còn một đám những trái cau rời, mẹ nói để coi còn ai không mẹ cho tiếp. Mình nói hay để con ra chợ cho bà bán trầu cau.

Lúc nói câu đó, mình nhớ những lần ra chợ mua trầu cau cho ngoại hồi xa lơ lắc. Bà cụ bán hàng già móm mém, ngồi tỉa cau giữa đám lá trầu, cau nguyên quả, hột cau khô, xác giấy, ... và những thứ linh tinh khác giờ không còn nhớ rõ. Nhìn bà như một chuyện cổ tích xưa. Nhờ hay đi mua trầu cho ngoại, mình hiểu sự khác nhau giữa lá trầu hôi với lá trầu vàng trong ca dao, hiểu thế nào là cau sáu bổ ba bổ mười, trầu têm cánh phượng. Từ hồi về nhà mới, không ở gần cái chợ đó nữa, ngoại răng yếu cũng không còn nhau trầu, tất cả cứ từ từ trôi vào dĩ vãng, thành khói thành mây bay đi.

Mẹ mèo ừ ừ, rồi bỏ mớ cau vô cái bịch nylon để đó cho mình. Nhưng lần nào ra khỏi nhà để đi đâu mình cũng quên, quên túi cau, quên cả việc mình nghĩ sẽ mang lại một niềm vui nho nhỏ gì đó cho bà cụ bán trầu chưa chắc còn hay mất. Đến ngày mình đi cũng không nhớ. Có thể túi cau cuối cùng bị mang đi quăng rác.

Mình luôn như vậy, nghĩ ra những chuyện có vẻ hay ho, nhưng lại lười làm. Như cái lần nghe nói có một xóm ghe nghèo khổ ngay chân cầu Bình Triệu, mình cũng muốn làm gì đó giúp họ. Nhỏ bạn trong lớp nói hay kiu họ làm hàng gia công, dán giấy vàng bạc cho nhà tui. Mình kêu ý hay đó. Rồi ngày tháng trôi, mình cứ chần chừ rồi quên mất lời hứa với cả xóm ghe nghèo và nhỏ bạn nhiệt tình. Còn lại một nỗi day dứt thỉnh thoảng lại cắn cho một nhát.

Để rồi có khi tự nhiên nhớ lại thế này, thấy xấu hổ ghê gớm, vì cái lười của mình đã để cho bao nhiêu chuyện tốt đẹp có thể làm được trôi qua. Lại nhớ cái lần buổi trưa ở nhà với mẹ mèo. Bữa đó đám cưới xong còn khá nhiều trái cây. Mình gọt bưởi, mẹ mèo thấy ông mài dao kéo đi ngang thì gọi vô xách đám dao ra mài. Trong lúc ông ta làm việc, mẹ mèo ngồi trông chừng, tiện thể hỏi chuyện bâng quơ. Mình vừa gọt bưởi vừa nghe ông mài dao kể chuyện gia đình bằng cái giọng chân chất của người lao động đầu tắt mặt tối, tự nhiên mềm lòng. Ngần ngừ một lát, rồi sắp một nửa trái bưởi lột sẵn ra dĩa mang xuống mời, nghĩ chắc không sao đâu, có nửa trái bưởi, chắc mẹ mèo không tiếc. Mẹ mèo thấy mình mang bưởi ra thì cười toe toe, mời nhiệt tình "anh ăn đi cho mát", xong rồi lại đi lòng vòng gom thêm mấy thứ trái cây nữa, tới lúc ông mài dao xong việc đưa ổng xách về cho con. Làm mình thấy xấu hổ vì đã ngại ngần, mà lại thương mẹ mèo thêm một chút.

Thức ăn và gia vị

Hôm qua đọc lại truyện Bá tước Monte Cristo trên vnthuquan.

Truyện đó hồi nhỏ mình đọc đi đọc lại nhiều lần, rất thích. Giờ đọc lại, mới phát hiện có nhiều tình tiết tưởng là luôn nhớ, nhưng đã quên.

Đọc một hồi, muốn kêu lên "Ơ chỗ này thiếu chi tiết!". Một hồi nữa thì nhận ra bản mình đang đọc chỉ là một bản rút gọn của truyện. Người rút gọn làm việc rất tốt, nội dung văn phong đều còn đầy đủ.

Nhưng mà những chi tiết mà mình nhớ rất rõ thì không còn đó nữa. Câu chuyện về thảm kịch tan nhà nát cửa của Haydeé, chuyện tình lãng mạn của tên cướp Luigi Vampa và Teresa, cuộc nói chuyện ngắn ngủi về bánh mì và muối, ... tất cả những chi tiết có vẻ không cần thiết đều bị cắt bỏ.

Mà bao nhiêu năm rồi, cả những tình tiết chính của truyện có cái mình cũng không còn nhớ, nhưng những chi tiết người ta cho là dư thừa đó, mình lại nhớ rất rõ.

Tự nhiên nghĩ, trong một tác phẩm văn học, hóa ra cái làm cho tác phẩm đó được người đọc nhớ rất lâu không phải là tình tiết hay là ý nghĩa nhân văn gì ráo, mà là những chi tiết nhỏ mà tác giả đã chú công chăm chút.

Giống như khi ăn món ăn, nguyên liệu dĩ nhiên quan trọng, nhưng gia vị nêm nếm vẫn là cái quan trọng nhất.

Tuyết mùa đông

Mùa đông này mình sợ tuyết, vì sợ té. Nhưng hôm nay, khi nhìn xuống cái sân phủ đầy tuyết trắng và chợt nghĩ có thể đó là lần cuối mình thấy tuyết ở Hàn, tự nhiên thấy lòng mềm đi vì một xúc động mơ hồ.

Thật ra tuyết chẳng có tội tình gì. Nó trắng và đẹp. Sau khi rơi xuống, tuyết trở nên lầy lội và đen thui thì cũng không phải do lỗi của nó. Ngày tuyết rơi đầu tiên của mùa đông bao giờ cũng làm mọi người háo hức. Mùa đông năm nay cũng vậy. Lúc tuyết bay đầy trời hôm đó, mấy đứa nhỏ trong cty nhảy ùa ra ban công chụp hình. Mình gặp cô Hàn chung cty, cổ hỏi you thích tuyết không? Mình nhìn tuyết bay như một cơn mưa trắng muốt chao đảo bềnh bồng ngoài lớp kính, nói cũng bình thường, nhưng mà nhìn thấy tuyết đầu mùa thì thích lắm. Cổ nói ừa, người Hàn cũng vậy, ai cũng nôn nao trong ngày tuyết rơi đầu tiên, dù đó có là mùa đông thứ mấy trong đời người đi nữa.

Hồi nhỏ mình đọc truyện, xem ảnh, một trong những thứ hay làm mình mơ mộng là đắp người tuyết. Mình hay nghĩ nếu là mình đắp một người tuyết, thì sẽ lấy cái gì để làm mũi, cái gì làm tay, cái gì làm mắt. Mình luôn nghĩ người tuyết mà mình đắp sẽ rất đẹp, có đủ cúc áo, nón và khăn choàng, có cả một cái chổi. Sang bên này, cũng có một hai lần cùng bạn bè đắp người tuyết, nhưng rất sơ sài, chỉ đặt hai cục tuyết lên nhau rồi thêm mắt mũi. Giờ nghĩ lại, mình hiểu ra đó không phải sự khác nhau giữa tưởng tượng và thực tế, mà là sự khác nhau giữa cái của mình và không phải của mình. Người ta chỉ chăm chút người tuyết đắp trong vườn nhà. Không ai chăm chút một người tuyết đắp giữa bãi tuyết công cộng trong một chuyến đi chơi, biết rằng ngay sau phút ngẫu hứng đó mình sẽ về và không còn liên hệ gì đến nó nữa.

Mỗi lần nhìn tuyết rơi là một lần nhớ mẹ mèo. Nghe nói ở Melb không có tuyết, chỉ có ở những vùng núi cao của Úc. Nhưng mình vẫn chắc là đây không phải là lần cuối cùng mình nhìn thấy tuyết. Chắc chắn rồi mình sẽ đi đến vùng có tuyết một lần nữa, không phải vì nhớ thương tuyết gì đâu, mà là để mẹ mèo nhìn thấy tuyết, chạm tay vào tuyết một lần. Để mẹ mèo không phải tiếc nuối gì trong đời. Để mình cũng không phải tiếc nuối gì trong đời.

Nhật ký mèo con - 11 tuần

3 tuần rồi không đi khám, chẳng biết mèo con giờ hình dáng thế nào rồi.

25/1 sẽ đi khỏi Hàn. Chấm dứt đúng 6 năm 11 tháng sống ở cái đất nước nửa quen nửa lạ này. Nói quen là do ở lâu quá nên quen luôn cái không khí lúc nào cũng có vẻ tất bật, quen mấy cái siêu thị mở cửa 24/7, quen bước ra đường là đầy ắp quán xá ăn nhậu đến 4g sáng, quen bốn mùa xuân hạ thu đông, quen luôn những khuôn mặt vui vẻ thân thiện. Còn nói lạ, là vẫn không sao ăn quen đồ ăn Hàn. Mèo con thì khỏi nói, mèo con ghét đồ ăn Hàn ra mặt, cứ mẹ ăn vào là phản đối. Từ hồi có mèo con, mình thấy hai bữa ăn canteen không khác gì nhai rơm.

Vậy là hai mẹ con trải qua gần một mùa đông của Hàn. Lạnh và sợ. Lần đầu tiên mình có cảm giác sợ mùa đông. Hồi trước cùng lắm mấy ngày lạnh chỉ hơi ngán ngán tí. Giờ thì sợ đủ thứ. Sợ bị cảm lạnh, vì nếu cảm lạnh sẽ không dám uống thuốc, mà lại lo virus tấn công mèo con. Sợ bị trượt té, mà mùa đông này tự nhiên tuyết quá trời tuyết. Sợ nhất là một bữa tối về nhà, thấy khói mịt mù, hóa ra là để quên nồi canh trên bếp điện, nó đun từ sáng tới tối thì thành than luôn, may không cháy nhà. Mình đứng hít khói trong nhà được một lát thì nhớ báo nói mấy thứ đồ ăn mà bị cháy thành than thì có nhiều chất gây ung thư, sợ mèo con bị ảnh hưởng, thế là hoảng lên, chạy ra hành lang. Ra hành lang thì lạnh. 11g tối, chả biết đi đâu. Đang rối trí, mém nữa thì gọi điện lung tung xin ngủ nhờ thì nhớ ra cái phòng bên cạnh mình còn trống, họ lại không khóa cửa. Thế là rón rén vào quét dọn, mang gối mền qua ngủ. Còn cái phòng của mình sau khi suy nghĩ mình quyết định mở cửa chính cửa sổ toang hoác suốt đêm cho bớt khói. May các chú Hàn ăn ở rất thành thật, nên hôm sau mò về vẫn không bị mất gì. Chỉ có cái mùi khói vẫn còn lưu luyến tới bây giờ vẫn chưa tan hết.