Music heals your soul

Nói chung là music heal soul được thiệt. Bằng chứng là con dzịt càng xì chét càng khoái gào thét (và dĩ nhiên là lỗ tai gấu lãnh đủ). Càng già càng nhảm nhí hơn. Nhớ hồi xưa ông Trúc mới qua Hàn đã nổi danh Kyung hee vì cái trò hát nhạc xuyên tạc. Bây giờ dzịt cũng gần giống giống vậy, tức là nó ít khi nào hát một bài mà không xuyên tạc vài câu.

Thế nên con gấu cả ngày nghe dzịt gào rống "Ngày mai em đi, ngày mốt em quay trở dìa. Dzì seo em hỏng đi luôn..." cho tới "Đêm chong đèn ngồi đếm tiền, tiền hết gùi mà đô thì lên. Kệ cha nó cứ lên, ta dziệc chi phải sợ. Hong tiền ta vay nợ, nợ thì nợ mà ta thì ta ..."

Dzì sao viết cái entry này há? Là tại dzì tự nhiên thấy tiếng Anh hay.

Lãng xẹt, tiếng anh với cái vụ hát nhạc nhảm có liên quan gì?

He he, hay ở chỗ, nhiều khi chỉ cần thay đổi một chữ trong câu, là nghĩa nó đổi hoàn toàn. Cho nên nhạc Anh rất dễ xuyên tạc hé hé. Tiêu biểu là "Nothing gonna change my love for you" bị dzịt đổi thành "Something gonna change my love for you". (Gấu : >.< ---> Dzịt: =)) )

Cho nên ta mang một trong mấy bài fêi-vơ-rịt của bạn ta ra mà biên tập thế này:

Say it's really so
Tell me you are leaving
Say you won't change your mind
That I'm not only dreaming
That this is goodbye
This' not starting over
If you wanna know
I do wanna let go
So say it's really so

...

Đời đẹp, càng cà tưng càng đẹp. Mắc gì phải hát nhạc bùn nhỉ.

Stress

Sid lùn than, em bị stress quá, còn có 65kg. Gấu mèo cười hehe nói vậy gấu cũng muốn stress.

Tội sid lùn! Ở trường cũ cũng stress, sang trường mới tưởng khá hơn, ai dè. Giáo sư Hàn ở đâu coi bộ cũng hắc ám như nhau.

Thôi thì hẹn cuối tuần này Sid lên, mấy anh chị em làm gỏi cuốn ăn vậy. Không giúp nó làm thí nghiệm được thì giúp nó tăng trọng lại (mặc dù nó vẫn bụng bự, hé hé).

-----------------

Mình thì có lẽ là do lười biếng, nên trước giờ ít khi bị công việc làm cho stress. Hôm nay không xong thì mai ta làm. Làm không xong thì ... thôi (:">)

Stress hay không, chắc là do cái chuyện gây ra stress đó đối với bản thân mình có quan trọng hay không. Đối với mình, quan trọng nhất, không phải là công việc.

Người lạ cũng không làm cho mình căng thẳng được. Người dưng hả, ta mặc kệ!

Một trong những chuyện mắc cười là người càng thân càng dễ làm mình stress. Dĩ nhiên, trong trường hợp người thân đó đối xử tệ với mình. Chứ như mẹ mình, em mình, gấu ... thì chỉ có ấm áp.

Một trong những chuyện mắc cười khác là người ta hay đối xử tệ chỉ với người thân. Có rất nhiều người, trong nhà thì gây gổ, gặp người ngoài thì nói cười vui vẻ bình thường, có khi còn giúp đỡ nhiệt tình.

Hồi xưa, có lần Maria than với mình chuyện Saad. Maria nói Saad mặc dù rất vui vẻ tử tế với mọi người, nhưng lúc có gì đó không vui cũng hay bực bội với Maria. Saad giải thích là khi bực bội, trước mặt người khác vẫn phải tỏ ra vui vẻ, nhưng trước mặt Maria là bạn thân thì cũng không muốn giả bộ vui vẻ.

Nghe cũng có lý. Nhưng Maria mặc dù thông cảm với Saad, vẫn không hoàn toàn vui.

Mình hồi đó thông cảm với Maria lắm lắm. Ba mình cũng vậy, dĩ nhiên ở cấp độ cao hơn Saad nhiều, hé hé. Mà nghĩ tới nghĩ lui, cả mình nhiều khi cũng thế, có gì bực bội hay giấu người ngoài mà lại hay tỏ ra trước mặt người thân.

Đó là hồi nhỏ, chưa suy nghĩ cho đàng hoàng. Lúc sau này đi làm, có khi lúc bực bội người khác mà lại gắt gỏng với gấu, bị gấu la cho, mới bắt đầu suy nghĩ lại và sửa đổi. Sau đó mới bắt đầu tập khi về nhà thì bỏ mấy chuyện bực mình lại ngoài đường.

Cũng có mấy lần khá thành công. Càng về sau này, mình càng thích đóng mặt vui vẻ với người thân. Cũng chẳng cần phải đóng kịch hay giả tạo gì. Một nụ cười với một người mình thương dễ làm mình quên đi nhiều chuyện không vui.

---------------------------------------------

Viết cái bài này, ban đầu là định than thở ta cũng đang stress đây. Stress dài hạn. Stress nhiều tập. Stress không lối thoát. Mới đầu tuần mà bị làm cho stress tiếp mới chán mớ đời.

Chả hiểu sao viết lăng nhăng một hồi, lại muốn kết luận khác đi. Rằng là từ giờ trở đi, ta ráng control bản thân kha khá tí, phát huy cái vụ cười toe toét với người nào mà ta thương, bao gồm gấu, người nhà ta, bạn bè iu wí (hay iu wỉ) của ta, và những người đối xử tử tế với ta.

Mấy chuyện bực mình, thì cứ đập lại lên đầu kẻ nào gây ra, mới là phải đạo.

C'est la vie

"Mai đây về nơi núi cao, nhớ nơi sông hồ biết lòng người nông sâu..."

Nông thì sao mà sâu thì sao
Có gì quan trọng khi lòng người dễ đoán hay khó đoán?
Hiểu thì sao không hiểu thì sao
Càng hiểu càng chán ngán

Người ném vào ta những muộn phiền bất mãn
Ừ thì duyên thì nợ thì đời
Dưa hấu còn đỏ lòng xanh vỏ
Mà thân tình cứ bạc như vôi

Nếu là nông chắc đã dễ dàng rồi
Lòng người sâu mà sao chẳng rộng
Biết thì sao không biết thì sao?
Nhắm mắt vẫn nghe đời biển động.

Một mai có về nơi gió lộng
Cũng cảm ơn ngày ấy sông hồ
Cảm ơn những dấu đời hằn học
Cho ta thấy nhẹ nhàng khi bước đến hư vô.

Eragon III - Brisingr

C1. Cánh cửa tử thần

Eragon nhìn chằm chằm vào ngọn tháp đá tối tăm nơi mà những kẻ đã giết chú của nó, Garrow, đang ẩn nấp.

Nó đang nằm sấp sau mép một ngọn đồi cát lấm tấm những ngọn cỏ lơ thơ, những bụi gai, và những cụm xương rồng nhỏ trông như nụ hoa hồng. Những cọng khô giòn của đám lá năm ngoái đâm vào bàn tay nó trong lúc nó nhích dần lên để nhìn rõ hơn toàn cảnh Helgrind, lúc này hiện ra lờ mờ trên vùng đất chung quanh trông như một con dao găm đen đâm toạc ra từ trong lòng đất.

Mặt trời chiều vạch lên ngọn đồi thấp những cái bóng dài và hẹp, và - xa xa về phía tây – chiếu sáng Leona Lake khiến chân trời trở thành một dải vàng óng lấp lánh.

Bên trái nó, Eragon nghe tiếng thở đều đặn của ông anh họ, Roran, đang nằm dài bên cạnh nó.

Dòng chảy vốn dĩ không thể nghe thấy của không khí lại có vẻ phi thường ồn ào đối với Eragon nhờ vào khả năng nghe đã được nâng cao, một trong nhiều thay đổi gây ra do một sự kiện mà nó đã trải qua trong lễ Agaetí Blödhren, buổi lễ tuyên thệ của người elf.

Nó không để ý lắm đến dòng âm thanh đó vì đang bận quan sát một đoàn người đang tiến về căn cứ Helgrind, rõ ràng là đã bước ra từ thành phố Dras-Leona, cách đó vài dặm. Một nhóm hai mươi bốn người nam và nữ, mặc áo choàng da dày, chiếm lĩnh vị trí đầu của đoàn người. Nhóm này di chuyển với những dáng đi kỳ lạ và biến đổi – họ đi khập khiễng và kéo lê chân, và gù lưng, và quằn quại; họ vung vẩy những cây gậy chống hoặc dùng tay để đẩy thân mình lên trước trên những cái chân ngắn ngủn kỳ lạ - những sự vặn vẹo này là cần thiết bởi vì, như Eragon nhận thấy, mỗi một người trong số 24 người đó thiếu một tay hoặc một chân hoặc cả hai.

Chỉ huy của họ ngồi thẳng trên một cái kiệu khiêng bởi sáu nô lệ, một tư thế mà Eragon nghĩ làm được nó cũng thiệt khá, trong trường hợp người đàn ông hoặc đàn bà đó – nó không thể phân biệt – chỉ có đúng một cái thân trên và cái đầu, trên trán đội thăng bằng một cái mũ bằng da cao 3 foot.

“Những thầy tư tế của Helgrind”, nó thì thầm với Roran.

“Họ có xài được phép thuật không?”

“Có thể. Em không dám dùng tư tưởng để dò xét Helgrind cho đến khi nào họ rời đi, vì nếu có ai đó trong bọn họ là thuật sĩ, họ sẽ cảm thấy sự thăm dò của em, dù là rất nhẹ, và sự có mặt của chúng ta sẽ bị phát hiện.”

Phía sau những thầy tư tế, một hàng đôi những thanh niên trong quần áo vàng lê bước mệt mỏi. Mỗi người trong số họ mang một cái khung kim loại chia làm mười hai thanh ngang treo lủng lẳng những cái chuông to cỡ những củ cải mùa đông. Phân nửa những thanh niên lắc thật mạnh mấy cái khung khi họ bước tới bằng chân phải, tạo ra những tạp âm lộn xộn mang âm hưởng đau thương buồn bã, trong khi phân nửa còn lại lắc cái khung khi họ bước tới trên chân trái, làm cho tiếng sắt chạm nhau và phát ra một âm vang tang tóc thê lương vọng lại trên những ngọn đồi.

Những thầy dòng này hỗ trợ thêm cho tiếng kêu của những cái chuông bằng tiếng khóc than và la hét của họ trong một trạng thái say mê xuất thần.

Ở phía sau của cái đám rước lố bịch này kéo lê một cái đuôi bao gồm những người sống ở Dras-Leona: quý tộc, thương gia, người buôn bán, nhiều sĩ quan quân đội cao cấp, và một tập hợp tạp nhạp của những kẻ nghèo hơn, như người lao động chân tay, kẻ ăn xin, và lính bộ binh tầm thường.

Eragon tự hỏi không biết thống đốc Dras-Leona, Marcus Tábor, có ở đâu đó giữa bọn họ không.

Dừng lại trước rìa của vách núi thẳng đứng đầy đá vụn bao quanh Helgrind, những thầy tư tế tập hợp quanh hai bên một tảng đá màu gỉ đồng có mặt trên bóng loáng. Khi cả hàng người đã đứng bất động trước cái bệ thờ thô thiển, sinh vật trên cáng xoay tròn và bắt đầu tụng kinh bằng một giọng cũng chói tai không kém tiếng rền rĩ của mấy cái chuông.

Bài ngâm nga của thầy tư tế không ngừng bị đứt quãng bởi những cơn gió mạnh, nhưng Eragon nắm bắt được đó là ngôn ngữ cổ, bị vặn vẹo và phát âm sai một cách kỳ cục – xen vào những từ ngữ của người Dwarf và Urgal, tất cả được họp lại bằng giọng phát âm cổ xưa kiểu giống Eragon. Những gì nó hiểu được làm nó rùng mình ghê tởm, vì bài thuyết giáo nói về những thứ ít được biết đến nhất, của một sự thù hằn hiểm ác đã mưng mủ qua nhiều thế kỷ sâu tận trong ngóc ngách trái tim con người trước khi bùng nổ thành sự biến mất của những Kỵ sĩ Rồng, của máu và sự điên cuồng, và của những nghi lễ kinh tởm được thực hiện dưới ánh trăng đen.

Vào cuối bài diễn thuyết suy đồi đó, hai thầy tư tế thấp hơn bước lên trước và nâng ông chủ - hay bà chủ cũng có thể - của họ lên khỏi cái kiệu và đặt lên mặt bệ thờ. Sau đó Thầy Tư Tế Tối Cao ra lệnh ngắn ngọn. Hai lưỡi thép chớp lên như ánh sao khi chúng đưa lên và rơi xuống. Một dòng suối máu tuôn ra từ mỗi vai của Thầy Tư Tế Tối Cao, tưới xuống cái thân hình đóng thùng trong lớp áo da, và chảy thành vũng lên tảng đá cho đến khi nó tràn xuống lớp sỏi bên dưới.

Hai thầy tư tế nữa nhảy đến trước để hứng lấy dòng máu vào trong những cái ly, sau khi đầy đến miệng, được phân phát giữa những thành viên của giáo đoàn, họ háo hức uống vào.

“Kinh!”, Roran nói nhỏ - “Chú đã không nói rõ cái bọn buôn thịt tươi, uống máu, đầu óc ngu độn và thờ cúng ngu xuẩn này là một bọn ăn thịt người.”

“Cũng không hẳn. Họ đâu có ăn cả thịt”

Khi tất cả những người tham gia đều đã uống, những thầy dòng mang Thầy Tư Tế Tối Cao trở lại cáng và quấn quanh vai của sinh vật đó với những dải băng trắng. Vải trắng nhanh chóng bị loang lổ máu.

Vết thương có vẻ chẳng có tác dụng gì lên Thầy Tư Tế Tối Cao, vì cái hình thù què quặt đó quay lại phía những người sùng đạo miệng còn dính máu và phát âm “Bây giờ các ngươi đã thật sự là Huynh đệ của ta, sau khi đã nếm dòng máu từ huyết quản của ta dưới bóng Helgrind toàn năng. Máu kêu gọi máu, và nếu Gia đình của ngươi cần giúp đỡ, hãy làm những gì ngươi có thể cho Nhà thờ và cho những người hiểu được quyền năng của Chúa tể Dread của chúng ta… Để xác nhận và xác nhận lần nữa lòng trung thành của chúng ta đối với chế độ Chuyên Chính Tam Hùng, lập lại theo ta Chín lời Thề … Trên danh nghĩa Gorm, Ilda, và Fell Angvara, chúng tôi thề sẽ tỏ lòng kính trọng ít nhất ba lần một tháng, vào lúc trước khi trời tối, và sau đó sẽ hiến thân mình để làm dịu cơn đói vĩnh cửu của Chúa Tể Vĩ đại và Khủng khiếp…

Chúng tôi thề sẽ nghe theo những lời dạy bảo được viết trong cuốn sách của Tosk… Chúng tôi thề sẽ luôn mang Bregnir trên người và mãi mãi kiêng khem 12 điều răn và sự tiếp xúc của những sợi thừng thắt nút, hãy để lụi tàn đi… ” (ND: khúc này hiểu được nó nói gì chít liền)

Một cơn gió đột ngột nổi lên cắt quãng đoạn còn lại của danh sách đang nêu ra bởi Thầy Tư Tế Tối Cao. Sau đó Eragon thấy những người lắng nghe lấy ra một con dao nhỏ cong, và từng người một, cắt trên chỗ khuỷu tay uốn cong của chính họ và nhỏ dòng máu của họ lên trên bệ thờ.

Ít phút sau, cơn gió giận dữ dịu đi và Eragon lại nghe tiếng tên thầy tư tế: “… và những thứ mà ngươi ham muốn và thèm khát sẽ được cấp cho ngươi như là phần thưởng cho sự tuân thủ… Nghi lễ của chúng ta kết thúc. Tuy nhiên, nếu kẻ nào trong số các ngươi đủ dũng cảm để bày tỏ lòng trung thành sâu sắc thật sự, hãy để họ bày tỏ!.”

Thính giả cứng người lại và chồm về phía trước, khuôn mặt của họ chăm chú mê mẩn, điều này, rõ rành rành, là cái mà họ đã chờ đợi.

Trong một khoảng khác dài, yên lặng, tưởng chừng họ sẽ bị thất vọng, nhưng sau đó một trong những thầy dòng bước ra khỏi hàng và la lên “Tôi sẽ làm!”. Với một tiếng gầm phấn khích, anh em của hắn bắt đầu khua chuông nhanh và dữ dội, kéo đoàn người vào một cơn điên cuồng, họ nhảy và la hét y như mất hết lý trí. Tiếng nhạc chói tai gợi lên một tia hào hứng trong trái tim Eragon, bất chấp sự chán ghét của nó đối với nghi lễ, đánh thức cái phần bản năng và tàn bạo của nó.

Lột chiếc áo choàng ra và chẳng mặc gì ngoài một cái khố da, gã thanh niên tóc đen lao mình lên đỉnh bệ thờ.

Những giọt máu đỏ như hồng ngọc phún ra từ hai bên bàn chân hắn. Hắn đối mặt với Helgrind và bắt đầu run rẩy quằn quại như thể bị đánh đến tê liệt, giữ nhịp với tiếng chuông sắt kêu chói tai. Đầu hắn quay chầm chậm trên cổ, bọt sùi ra bên mép, hai tay quẫy đập như những con rắn.

Mồ hôi túa ra trên những thớ thịt của hắn cho đến khi hắn bóng lên như một bức tượng đồng trong ánh sáng đang tắt dần.

Âm thanh của những cái chuông đã đạt tới một nhịp độ điên cuồng khi mà từng âm va lẫn vào nhau, lúc đó gã thanh niên đưa một tay ra phía sau. Một thầy tư tế đặt lên đó cán của một dụng cụ kỳ dị: một thứ vũ khí một mặt mài sắc, dài hai foot rưỡi, có chuôi, những rãnh nhỏ, một cái thanh chắn ngang đầu chuôi, một cái lưỡi rộng, phẳng mở rộng ra và hơi lõm xuống ở gần cuối, một hình thù mô phỏng cánh con rồng. Nó là dụng cụ được thiết kế chỉ cho một mục đích: để đâm xuyên qua áo giáp và xương hay gân dễ dàng như xuyên qua một túi da đựng nước căng phồng.

Gã thanh niên nâng cây vũ khí hướng về đỉnh cao nhất của Helgrind. Sau đó hắn quỳ xuống một chân, và với một tiếng la đứt quãng, chặt lưỡi dao xuống cổ tay phải của hắn.

Máu tưới lên tảng đá sau bệ thờ.

Eragon co rúm lại và đưa mắt đi chỗ khác, mặc dù nó không thể thoát được tiếng thét khủng khiếp của gã thanh niên. Nó chẳng là gì so với những thứ Eragon đã thấy trong những trận chiến, nhưng chuyện cắt xẻo chính mình một cách cố tình có vẻ sai lầm khi mà nó quá dễ dàng biến dạng trong cuộc sống hàng ngày.

Những ngọn cỏ cứa lạo xạo lên nhau khi Roran chuyển mình. Anh ta lầm bầm một câu nguyền rủa nghe không rõ trong bộ râu rậm, rồi lại im lặng.

Trong lúc một tăng lữ chữa trị cho vết thương của gã thanh niên – cầm máu bằng một câu bùa chú – một thầy dòng thả hai nô lệ khiêng kiệu của Thầy Tư Tế Tối Cao ra, chỉ để trói cổ chân họ vào một cái vòng sắt dính liền vào bệ thờ. Sau đó tên thầy dòng lột nhiều gói đồ từ dưới áo choàng của họ ra, chất lên mặt đất, ngoài tầm với của những nô lệ.

Buổi lễ đã kết thúc, những thầy tư tế và đoàn tùy tùng của họ rời Helgrind về lại Dras-Leona, rền rĩ và rung chuông suốt dọc đường đi. Tên cuồng tín lúc này còn có một tay đi tấp tểnh ngay trước Thầy Tư Tế Tối cao. Một nụ cười sung sướng nở rạng trên mặt hắn.

“Quái lạ”, Eragon nói, và giải phóng hơi thở bị kìm nén khi đoàn người đã biến mất sau một ngọn đồi phía xa.

“Cái gì quái lạ?”

“Em đã đi lại giữa cả người dwarf với người elf, và không có gì họ từng làm mà kỳ cục như điều mà mấy kẻ đó, những con người đó, đã làm.

“Chúng là quái vật giống bọn Ra’zac”, Roran hất cằm về phía Helgrind. “Bây giờ chú có thể tìm coi Katrina có ở đó không được chưa?”

“Em sẽ thử. Nhưng anh chuẩn bị chạy nhé”.

Nhắm mắt, Eragon chầm chậm mở rộng tư tưởng, dịch chuyển từ suy nghĩ của một sinh vật này đến một sinh vật khác, như những tia nước ngấm vào cát. Nó cảm giác được những thành phố lúc nhúc côn trùng đang lon ton băm bổ làm việc của chúng, những con thằn lằn và rắn giấu mình giữa những tảng đá ấm, nhiều loại chim chóc, và nhiều loài thú nhỏ. Côn trùng và thú nhỏ đều hối hả với những hoạt động chuẩn bị cho đêm sắp đến, bằng cách hoặc rút lui về tổ, hoặc trong trường hợp những loài ăn đêm, bằng cách ngáp dài và duỗi người, chuẩn bị sẵn sàng để săn và cướp phá.

Cũng như những giác quan khác của nó, khả năng chạm đến suy nghĩ kẻ khác của Eragon giảm dần theo khoảng cách.

Khi sự thăm dò tinh thần của nó đến được căn cứ Helgrind, nó chỉ còn có thể cảm thấy được những loài vật to nhất, ngay cả với chúng cũng rất mờ nhạt.

Nó tiếp tục một cách cẩn thận, sẵn sàng để rút lui ngay lập tức nếu nó gặp phải tinh thần của những kẻ họ đang săn đuổi: bọn Ra’zac và cha mẹ chúng, những con Lethrblaka khổng lồ.

Eragon dùng cách này chỉ vì không có tên Ra’zac con nào có thể dùng pháp thuật, và nó cũng không tin bọn chúng là những tinh thần sư – những kẻ không phải pháp sư được huấn luyện để chiến đấu bằng tư tưởng.

Bọn Ra’zac và Lethrblaka cũng không cần dùng những cách đó vì hơi thở của chúng không thôi đã làm tê liệt cả người to lớn nhất.

Và mặc dù Eragon phải mạo hiểm khám phá, nó, Roran, và Saphira phải biết rõ liệu bọn Ra’zac có cầm tù Katrina – vợ chưa cưới của Roran – trong Helgrind hay không, để xác định nhiệm vụ của họ là cứu thoát Katrina hay bắt giữ và thẩm vấn bọn Ra’zac.

Eragon tìm kiếm lâu và khó khăn. Khi nó thu hồi tư tưởng, Roran đang nhìn nó với vẻ mặt của một con sói đói. Đôi mắt xám của cậu ta bùng cháy ngọn lửa pha trộn giận dữ, hy vọng, và tuyệt vọng, có vẻ như cảm xúc của cậu ta có thể nổ bùng ra phía trước và thiêu đốt mọi thứ trong tầm mắt với một ngọn lửa có cường độ quá sức tưởng tượng, nung chảy cả những tảng đá cứng nhất.

Điều này thì Eragon thấu hiểu.

Cha của Katrina, tên hàng thịt Sloan, đã phản bội tố cáo Roran với bọn Roran. Khi bọn chúng thất bại trong chuyện bắt Roran, chúng tóm lấy Katrina từ trong phòng ngủ của Roran và mang nàng đi khỏi Thung lũng Palancar, bỏ lại những người dân Carvahall cho quân lính của Vua Galbatorix chém giết.

Không thể đuổi theo Katrina, Roran – chỉ vừa kịp lúc – thuyết phục dân làng bỏ nhà và theo cậu ta băng qua Spine, hướng về phía nam dọc theo bờ biển Alagaësia, nơi họ gia nhập với quân nổi loạn Varden. Những khó khăn mà họ phải chịu đựng nhiều vô kể và khủng khiếp.

Nhưng trái đất tròn, chuyến đi đó đã khiến Roran gặp lại Eragon, người biết vị trí hang ổ bọn Ra’zac và đã hứa với cậu ta sẽ giúp cứu Katrina.

Roran đã thành công chỉ bởi, như sau này cậu giải thích, vì sức mạnh của ý chí đã thúc đẩy cậu đến tột bực khiến kẻ khác sợ hãi tránh xa, và khiến kẻ thù bối rối.

Một sự nóng bỏng tương tự lúc này đang đè lên Eragon.

Nó có thể lao vào nguy hiểm mà không một chút lo lắng cho an toàn bản thân nếu ai đó nó quan tâm đến đang gặp nguy hiểm. Nó thương Roran như anh ruột, và vì Roran sẽ cưới Katrina, Eragon đã mở rộng định nghĩa về gia đình của nó bao gồm cả cô nữa. Khái niệm này có vẻ càng quan trọng hơn vì Eragon và Roran là dòng dõi cuối cùng của dòng tộc. Eragon đã từ bỏ mọi liên hệ với anh ruột, Murtagh, nên họ hàng duy nhất nó và Roran còn lại chính là hai đứa, và bây giờ thêm Katrina.

Tình anh em cao quý không phải là sức mạnh duy nhất thúc đẩy hai người. Có một mục đích khác nữa chiếm hữu họ: trả thù. Ngay cả khi họ tính kế cứu Katrina khỏi bàn tay của bọn Ra’zac, hai chiến binh – người thường và Kỵ sĩ Rồng – tìm cách tiêu diệt bọn tay sai của Vua Galbatorix, vì chúng đã tra tấn và giết Garrow, cha của Roran và cũng giống như cha của Eragon.

Tin tức tình báo mà Eragon thu thập được rất quan trọng cho cả nó lẫn Roran.

“Em nghĩ em cảm thấy chị ấy”, nó nói. “Cũng khó chắc, vì chúng ta ở xa Helgrind quá và em thì chưa bao giờ thử xâm nhập tư tưởng của chị ấy trước đây, nhưng em nghĩ chị ấy đang ở trong khu đền thờ đó, bị giấu ở nơi nào đó gần chỗ cao nhất.”

“Cô ấy có bệnh không? Có bị thương không? Nói đi, Eragon, đừng giấu anh: bọn chúng có làm tổn thương cô ấy không?”

“Hiện giờ thì chị ấy không bị đau. Hơn thế nữa thì em không thể nói được, vì tất cả sức mạnh của em bị dùng hết chỉ để thấy được một tia tinh thần của chị ấy; em đã không thể nói chuyện với chị”. Tuy nhiên, Eragon tránh không đề cập tới, rằng nó đã phát hiện một người thứ hai, mà nó nghi ngờ là một kẻ, nếu đúng là hắn, làm nó thấy phiền phức khủng khiếp.

“Cái mà em không tìm ra là bọn Ra’zac hay bọn Lethrblaka. Ngay cả nếu em bỏ qua bọn Ra’zac, cha mẹ của bọn chúng vẫn khá lớn, nên sinh lực của bọn chúng lẽ ra phải tỏa sáng như một ngàn cái đèn lồng, như kiểu Saphira ấy. Bên cạnh Katrina và vài đốm sáng lờ mờ nữa, Helgrind tối đen, đen thui.”

Roran quắc mắt giận dữ, nắm chặt tay trái, và liếc nhìn dãy núi đá đang mờ dần vào bóng tối khi những cái bóng màu tím bao bọc lấy nó. Với một giọng nhỏ, vô cảm, như thể đang nói với chính mình, cậu ta nói: “Cũng không quan trọng chuyện em đúng hay sai”.

“Vì sao?”

“Chúng ta không dám tấn công tối nay; ban đêm là thời điểm bọn Ra’zac mạnh nhất, và nếu bọn chúng đang ở gần, sẽ rất ngu xuẩn để đánh nhau với chúng khi chúng ta đang bị bất lợi. Đồng ý chứ?”

“Vâng”

“Vậy, chúng ta đợi trời sáng”. Roran phác một cử chỉ về phía những nô lệ bị trói vào bệ thờ đẫm máu. “Nếu những người bất hạnh kia biến mất lúc đó, chúng ta biết là Ra’zac đang ở đây, và tiến hành như kế hoạch. Nếu không, chúng ta nguyền rủa sự xui xẻo đã để chúng chạy thoát, thả những nô lệ, cứu Katrina, và bay về Varden cùng với cô ấy trước khi Murtagh săn đuổi chúng ta. Cả hai trường hợp, anh sợ là bọn Ra’zac sẽ không để Katrina ngoài sự chú ý của chúng quá lâu, dĩ nhiên nếu Galbatorix muốn cô ấy còn sống để hắn có thể dùng cô ấy làm công cụ chống lại anh.

Eragon gật đầu. Nó muốn thả những người nô lệ bây giờ, nhưng làm vậy sẽ cảnh báo cho những kẻ nó đang săn đuổi. Thêm nữa, nếu bọn Ra’zac đến dùng bữa, nó và Saphira cũng không can thiệp được trước khi những nô lệ bị mang đi. Một cuộc chiến công khai giữa rồng và những sinh vật như Lethrblaka sẽ thu hút sự chú ý của mọi người đàn ông, phụ nữ và trẻ em chung quanh. Và Eragon không nghĩ nó, Saphira, hay Roran có thể sống sót nếu Galbatorix biết họ đang cô độc trong vương quốc của hắn.

Nó không nhìn về phía những người đang bị xích nữa. Vì lợi ích của họ, ta mong bọn Ra’zac đang ở phía bên kia của Alagaësia hay ít nhất chúng không đói bụng tối nay.

Với sự thỏa thuận ngầm, Eragon và Roran bò trở xuống từ mỏm đồi thấp mà họ đã trốn sau đó. Cuối chân đồi, họ nhỏm lên nửa người, và quay mình, vẫn gập người, chạy giữa hai ngọn đồi. Chỗ lõm thấp dần dần bị xói mòn thành một rãnh hẹp với những phiến đá vụn.

Né tránh những cây juniper xương xẩu rải rác trên rãnh, Eragon nhìn lên và, qua những cụm lá kim, nhìn thấy chòm sao đầu tiên tô điểm bầu trời tối sẫm như nhung. Chúng có vẻ lạnh và sắc, như những mảnh băng vỡ. Rồi nó tập trung vào những bước chân trong khi nó và Roran chạy về phía nam chỗ họ cắm trại.

Những ngày mưa

Đôi khi gặp
Nhìn bạn mỉm cười và tỏ ra hạnh phúc
Ta vẫn thường tự hỏi có hay không một nỗi buồn lẩn khuất
Sau những vô tư thỏa mãn bây giờ

Ừ thì cũng chỉ là cái gì đó xa xưa
Có thể bạn đã bước qua rồi và thanh thản
Như lá trút hết một mùa thu và những thì thầm xao xác
Để đón mùa xuân xanh mới trong đời

Ta ngồi nghe mưa rơi và nhìn bạn mỉm cười
Thấy mình khắc khoải mong nụ cười đó mãi mãi là sự thật
Mong bạn sẽ không bao giờ còn nao nao thấy mình đánh mất
Những điều có khi chưa tồn tại bao giờ

Tương lai luôn là một chuỗi những bất ngờ
Ta nhìn bạn bên một người và tự hỏi sẽ ra sao nếu bên bạn bây giờ là người khác
Có lẽ mãi mãi ta sẽ không bao giờ biết
Bạn có bao giờ tự hỏi sẽ ra sao nếu không có tất cả những bão giông ngày ấy trong đời

Dù sao thì bây giờ bạn đã mỉm cười
Và khi ngồi nhìn bạn và nghe mưa đổ trùng khơi
ta không còn lo là bạn sẽ quăng bỏ tất cả rồi bật khóc
Bạn đã có những ngày khó nhọc
Đủ để thấy hạnh phúc bao gồm cả hai chữ bình yên

Đủ để ta cám ơn một người con gái trước đây ta không quen
Đã cố nắm chặt tay và dắt bạn ra khỏi mùa giông bão
Đủ để ta cầu chúc với tất cả trái tim
cho tất cả những gì không phải là hư ảo
Sẽ không bao giờ lại nghiêng ngả chênh vênh

Đời sẽ vẫn còn dài với những được và mất và lãng quên
Qua những bước thăng trầm đôi khi ta sẽ lại quay về và gặp
Chỉ mong mãi mãi thấy bên bạn là nắng ấm
Để thấy an lòng rằng đâu đó trong sâu thẳm
cuối cùng bạn đã xóa nhòa ký ức những ngày mưa.

Lạnh

Sáng bước ra đường, trời đã lạnh. Co ro cúm rúm.

Chưa thấy lá vàng. Hai hàng cây ngân hạnh mới chớm chớm đổi màu. Vậy mà trời đã lạnh, như đầu mùa đông.

Bây giờ là cuối tháng mười. Giấc này, hồi mình ở trường Kyunghee là trời đã đổ tuyết. Tuyết cuối tháng mười bay mông lung, vừa chạm đất là tan, như một bức màn trắng dịu mỏng tanh trời phủ xuống báo mùa đông sang.

Chưa thấy lá vàng, chỉ thấy lá khô rụng xuống. Mùa thu năm nay đi đâu rồi? Coi chừng mùa đông tới, mà vẫn chưa thấy dấu thu.

Bên đường đi làm, có một hàng ngân hạnh bị người ta đào gốc lên mang đi. Mấy cây ngân hạnh lá vẫn còn xanh. Tội nghiệp tụi nó không kịp vàng cho mùa năm nay.

Bạn gái

Giờ nhớ lại, lúc nhỏ mình rất ít bạn. Hồi ba bốn tuổi hầu như không có bạn bè trong xóm, vì cả ngày trốn trong nhà chơi với bé Lùn. Bạn thân nhất của mình hồi đó là bé Lùn. Không phải vì mình không thích ra đường, hoặc không thích có bạn. Cũng chả hiểu sao, những trò chơi của tụi nhóc trong xóm làm mình rất khoái, vd như cái trò lấy xác dừa rang khô trộn với phẩm màu, rồi bán hàng cho nhau lấy giây thun. Rồi trò đổ bánh thọt đồ chơi. Trò làm bánh phục linh... Con nít xóm mình chơi trò gì cũng theo phong trào. Mình không quen biết mấy đứa nhỏ trong xóm, mà cũng không biết bắt chuyện với tụi nó thế nào. Hồi nhỏ, kỹ năng communication của mình là zero.

Năm tuổi, đi học, có những đứa bạn đầu tiên. Bây giờ còn nhớ, chắc là trong đám con nít lớp mẫu giáo hồi đó, mình là một đứa khá kỳ quặc. VD như trong khi tụi con nít phần lớn chỉ nhớ được truyện ba chú heo con hoặc bạch tuyết, thì mình đọc truyện Sherlock Homes, truyện kiếm hiệp, truyện Tom Sawyer, và biết rất rõ trên vũ trụ có các hành tinh, trái đất thì hình tròn và quay quanh mặt trời... Đống sách của cậu mua hồi đó biến mình thành một bà cụ non từ hồi 4 tuổi.

Chắc là do có ít bạn, đặc biệt là ít bạn thân, nên mình nhớ rõ từng đứa một, từng chuyện một. Từ AT, nhỏ bạn hồi mẫu giáo hay đi chung với mình xuống lớp bé Lùn (bé Lùn cũng học mẫu giáo trường đó, lớp mầm, mình cứ giờ ra chơi là chạy xuống ngó vô lớp nó). HĐ, nhỏ bạn hồi cấp 1 hay rủ mình đi nghe đàn piano trong giờ ra chơi. Lớp 3 và lớp 4, mình đi học về chung với 2 nhỏ bạn cùng tên T...

Mình là một đứa không biết giao tiếp, đến giờ vẫn thế. Mình khó nhớ mặt người, tên người. Mình khó bắt chuyện. Mình khó nhe răng cười nếu không phải thật lòng. Mình khó tin tưởng người khác. Khó cả ăn nói bình thường. Hồi nhỏ, mình cứ mở miệng ra là hay cà lăm, và rất ít khi nói chuyện. Mình hay đểnh đoảng và gây toàn những sai lầm mắc dịch.

Những người bạn, mỗi người làm thay đổi mình đi một chút. Năm cấp 3, mình học được sự thân thiết và tin tưởng lẫn nhau từ V. Học được từ N rằng khi một đứa bạn ăn nói bỗ bã với mình, và nói bậy như điên, thì nó vẫn có thể là người bạn rất tốt. Học được từ H cảm giác vui thích khi chia sẻ cái mình có cho người khác. Cũng là từ H, học được cách nói ra cảm xúc và suy nghĩ của mình. 3 năm cấp 3, mình bỏ dần cái vỏ cứng ngắc khô queo, từ từ biết cách sống sao cho tình cảm và cởi mở hơn, ít nhất là đối với những người bạn thân.

Đại học. Lần đầu tiên có những người bạn nói cho mình biết những suy nghĩ của mình là điên rồ, ngây thơ và ngốc nghếch. Có những người làm cho mình biết mỗi người đều có những mặt xấu và tốt. Có gắn bó, có giận hờn, có vui vẻ, có buồn bã. TA dạy cho mình phải làm sao để đừng gây nhàm chán cho người khác (và nó là ví dụ tiêu biểu: lúc nào cũng làm mình thấy thú vị). H làm cho mình nể phục bởi sự hiền lành chịu khó, và lúc nào cũng cố gắng vượt lên trên khả năng, cả sự can đảm và mạnh mẽ mình không có được. Y thì làm mình nể phục bởi tài năng và tính cách, cả vì sự thẳng thắn và cách sống rất thật.

Cũng là một thiếu sót to đùng nếu không nói đến ông xã. Quen nhau từ năm lớp 8. Đi học chung suốt mấy năm. Ông xã luôn là đứa mạnh hơn : trong khi mình hay nằm mơ thấy mình bị dí chạy khắp nơi, và tỉnh dậy toát hết mồ hôi vì sợ, thì ông xã cũng nằm mơ thấy bị dí, nhưng tới lúc cùng đường thì quay lại bem cho cái đứa dí theo tơi tả. Đi chung với nhau, lúc nào cũng là ông xã ra lệnh, và mình ngoan ngoãn nghe lời, vì mình thấy đúng.

Ông xã có nhiều bạn. Dĩ nhiên mình vẫn là đứa thân nhất, nhưng không phải lúc nào cũng đi chung với nhau. Thỉnh thoảng, thấy ông xã hay đi chung với một nhỏ bạn khác. Bao giờ cũng giới thiệu mình. Có nhỏ dễ thương, có nhỏ hiền lành, cũng có nhỏ điệu đà quá đáng. Có người làm mình cảm thấy như họ hơi lợi dụng ông xã vì tính ông xã khá rộng rãi trong chi tiêu. Có người đến rồi đi, có người ở lại khá lâu. Mình vẫn là đứa bạn gái lâu nhất.

Rồi đi làm parttime. Rồi đi làm fulltime. Mỗi người bạn mới lại góp phần làm thay đổi một góc của mình. Như những câu mà VA đã khuyên và mình cứ gặp problem là hay lấy ra để suy ngẫm. Như PP làm mình thích hoa và nhạc rock. KC lúc nào cũng làm mình cảm động.

Những người bạn. Không biết họ có nhận thấy những phần mà họ đã để lại trong mình. Như M, khi gặp lại có bao giờ nhìn tai mình và nhớ ra chính M đã làm cho mình đeo bông tai. Hay như bé H có nhớ chính nó đã làm mình biết ăn dưa leo và uống sữa tươi không đường... Cả về bản thân, tính tình, suy nghĩ, sở thích, thói quen, ... Nhiều khi mình tự hỏi, nếu không có tất cả những người bạn đó, thì bây giờ mình sẽ ra làm sao.

Có lẽ, một góc nào đó vẫn không thay đổi. Mình vẫn là con nhóc không biết communicate hồi xưa, và vẫn không biết mở miệng ra thế nào để nói một câu tử tế. Cũng không biết cách giữ liên lạc cho tốt. Cho nên, sẽ có rất nhiều người bạn không bao giờ nhận được lời cảm ơn của mình về những gì họ đã để lại cho mình. Nhưng chắc một điều, mình sẽ không bao giờ quên ai hết. Vì cứ thỉnh thoảng mình lại bắt gặp, trong một góc nào đó của mình, có dấu vết của một người bạn.

Điều quan trọng

Về nhà.

Đi thăm cậu.

Cậu già đi nhiều, gầy đi nhiều.

Hai mươi mấy năm trước, hai đứa thường ngồi trên giường cậu những đêm bị cúp điện, vòi cậu làm bóng bàn tay trên tường thành hình con bướm, con chó, con thỏ... Hoặc cậu kê cái ghế bố ra sân, cậu nằm nhìn trời, kể cho hai đứa nghe sự tích mấy chòm sao. Hoặc lân la chơi với mấy món linh kiện điện tử bé xíu của cậu, mang đám dây đồng vàng chóe với mấy cái đèn led ra làm nhẫn đeo tay. Hoặc cậu sẽ đưa tiền cho chạy đi mua mấy cái bánh tráng sữa mỏng lét về nướng, có khi là bánh cốm, có khi là bánh bía. Hồi đó, cậu gọi con dzịt là con ngỗng (hehe, cũng cùng họ). Con ngỗng thích ăn vỏ bánh bía, nên thường nó lột gần sạch cái vỏ bánh, cậu ăn nhân.

Cả một thời trẻ con gắn với cậu, cho đến khi cậu dẫn mợ về nhà, rồi lập gia đình và ra riêng.

Lấy vợ có con rồi, cậu vẫn thương hai đứa. Cái thời nghèo khó, tiền ăn kem cũng không có, nhưng có cả một cặp sách đầy truyện tranh xịn cậu mua cho. Có cái điện thoại đồ chơi, có dây điện nối đàng hoàng, đầu này nói đầu kia nghe được. Cái đồng hồ cậu mua cho, nó đeo gần 10 năm trời đến khi hư không sửa được nữa thì mang cất vào hộp, giờ vẫn còn giữ. Có một lần, tự nhiên đọc trên báo thấy người ta chỉ làm máy chiếu phim bằng thấu kính lúp, bèn hỏi xin cậu một cái, cậu mang cho cái kính lúp xịn tới nỗi không dám mang ra làm máy chiếu. Lần khác, hỏi cậu cách làm đèn kéo quân (cậu hồi nhỏ nổi tiếng trong xóm về đèn kéo quân), cậu lúc đó đã hơn bốn mươi ngồi cặm cụi làm cho nó một cái đèn.

Rồi đi xa. Rồi nghe cậu bệnh. Nghe giọng nói tuyệt vọng của cậu qua điện thoại. Buồn và thắc thỏm lo sợ.

Về nhà, nghe mẹ nói tình hình cũng khả quan. Đi thăm cậu, cậu nhìn hốc hác và trầm ngâm hơn xưa.

Vẫn không biết nói gì để động viên hay tỏ ra quan tâm an ủi cậu. Chỉ mang mấy chuyện riêng ra kể, để cậu khuyên.

Dzịt đang loay hoay với câu hỏi, có nên về VN không. Về thì được ở gần gia đình, nhưng tiền kiếm được sẽ ít đi nhiều. Còn có nhiều bạn bè đang tìm cơ hội đi định cư ở Úc, ở Canada. Ở những nước đó, tương lai chắc yên ổn hơn, hoành tráng hơn (đi chăn kanguroo mà được trợ cấp xã hội lúc về già thì cũng đỡ).

Cậu hỏi, vậy cái gì là quan trọng nhất? Tiền bạc, hay gia đình?

"Nhưng gia đình con cần tiền..."

"Cần thì bao nhiêu cho đủ. Có ít thì sẽ xài ít, có nhiều thì sẽ xài nhiều. Bây giờ nếu mày về VN, làm lương ít đi, thì cũng sẽ xoay sở được thôi."

"Nhưng mà ..."

"Ừ thì tùy mày thôi. Chỉ cần xác định coi cái gì là quan trọng. Sống đến một lúc nào đó, sẽ thấy tiền bạc cũng không phải là thứ cốt yếu nhất."

Chính mình cũng thấy cậu nói đúng. Nhưng không hiểu sao, vẫn không dứt ra được khỏi cái vòng tiền bạc.

Tiền, có phải mình bị ám ảnh bởi nó nhiều quá không?

Cái thời bé tí, niềm vui lớn nhất là đi học nhận được phần thưởng. Không phải vì danh dự, mà là vì giá trị của phần thưởng. Được thưởng càng nhiều, mẹ càng đỡ lo cho năm học mới.

Cái thời mà mình hầu như tách biệt hẳn với những đứa bạn khác, vì không đi học thêm, không đóng tiền ăn trưa để ăn chung với mọi người, luôn tìm mọi cách để được miễn giảm học phí.

Cái thời cặm cụi làm thêm, bất cứ việc gì để kiếm từng đồng cắc.

Cái thời chọn trường dựa theo học bổng.

Cái thời đi làm, chọn công ty dựa theo lương.

Cho tới bây giờ, mục đích của mình vẫn là tiền. Và nó vẫn đang giúp mình giải quyết khá nhiều thứ trong cuộc sống.

Hồi xưa, có một lần, từng ao ước giá như mình trúng số. Con dzịt không mua vé số bao giờ, nó không may mắn. Nhưng lần đó, cứ nghĩ phải chi mình có 10000$ trong tay, thì sẽ giải quyết được một chuyện quan trọng.

Nhưng dĩ nhiên, dzịt không trúng số. Nó chưa bao giờ tin vào phép màu, để có thể đi mua một tờ vé số. Và cậu không bao giờ có thể nhìn rõ như hồi xưa.

Cái thời chỉ cần có 500 đồng ăn kem là đủ để nó vui sướng đó, nó đã từng buồn khổ vì không có 10000$.

Và bây giờ, mọi thứ vẫn còn đang lơ lửng. Nhiều khi nó muốn về nhà, và nghĩ là mình chẳng cần gì nhiều, chỉ cần ở gần gia đình là vui. Nhiều khi lại điên đầu với một vụ lộn xộn gì đó, lại mong mình có thật nhiều tiền để giải quyết được mọi thứ. Nhiều khi quen với sự sung sướng nhàn tản, và sợ hãi mọi cái bấp bênh xáo trộn. Nhiều khi lại thấy mình hèn nhát và mất phương hướng. Nhiều khi thấy mình không đủ sức để làm gì hết.

Điều gì là quan trọng nhất trong đời? Ba mẹ? anh em? Bản thân? Người iu? Vợ chồng? Con cái? Sự nghiệp? Sự bình yên? Sự an toàn? Thành công? Thử thách? Tự do tự tại? Phấn đấu? ...

Không biết đến bao giờ, mình có thể đi thăm cậu và nói với cậu, con đã biết được đối với con, thứ gì là quan trọng.

Ngày mai trời lại sáng

(viết riêng cho LA, chắc là LA đọc được hỉ)

Chắc phải sorry LA vì đã xóa cái post trước có kèm cả comment của LA. Nhưng mà comment của LA cũng đã có tác dụng hết sức tốt phải không, nhờ nó mà KA có đủ vui vẻ để xóa cái post than thở nhảm nhí đó.

Thật sự, từ lâu KA không muốn than thở trong blog nữa. Vì càng ngày càng có nhiều cái không biết phải gọi tên nó thế nào. Với lại, như LA nói, có nhiều điều nói ra sẽ làm mất vui.

Bây giờ, trong một lúc cảm thấy tinh thần xuống thấp nhất, thì lại nhận được sự an ủi. Thiệt ngộ là an ủi rất chính xác với hoàn cảnh, mà lại từ một người bạn mà KA chưa từng kể lể tâm sự gì. Không biết nói gì hơn là thấy ấm áp.

Thích câu này của LA "Ngày mai trời lại sáng". Có lẽ, dạo này KA đã mất hy vọng, không còn nghĩ là trời sẽ lại sáng nữa. Nhưng trên sự thật, thì ngày mai sẽ là một ngày mới.

Uh, có thể, trong cuộc sống bao giờ cũng có thể có một vài chuyện làm mình khó chịu. Nhưng cuộc sống nói chung vẫn rất tốt mà đúng hông :D

Lại nhớ cái vẻ lúc nào cũng iu đời của LA hồi xưa. Hồi đó, KA đã ước mình cũng được như thế.

Hoa ngày xưa

(viết cho bạn tui)

Có một cây đàn cũ ngân nga đâu đó trong đời
Khúc nhạc về người con gái mỏng manh như đóa hoa loa kèn màu tím
Thời gian trôi thành từng dòng biền biệt
Những nốt thăng trầm cứ nối tiếp đi qua

Người con gái ngày xưa mang đến một bài ca
Đánh thức cuộc sống nơi khu vườn rất lặng
Có gió và mây, có mưa và nắng
Một mùa thay đổi tất cả mùa

Đóa hoa loa kèn vẫn tím như xưa
Có lẽ chỉ có đời đã khác
Hoặc có lẽ hương hoa đã chừng phai nhạt
Kiêu hãnh giấu tàn phai sau sắc tím tội tình

Những bướm những ong ngày trước rập rình
Và những tiếng vĩ cầm của mùa trăng cũ
Con dế mang đàn đi biệt nơi đâu
Còn lại trăng xanh và góc vườn rêu phủ

Còn những dư âm tím màu quá khứ
Níu kéo dịu dàng thi vị của ngày xưa
Còn một bài ca cho đóa hoa trong nỗi nhớ
Có hay không hạnh phúc đợi chờ?

Thơ về hạnh phúc

Có nhiều khi dễ dàng làm được những bài thơ về khổ đau
Nhưng lại rất khó để làm thơ về hạnh phúc
Đôi lúc em tự hỏi hạnh phúc với khổ đau, điều nào có thật
Điều nào là khái niệm mơ hồ

Cái con bé dại khờ của một thời xưa
Cứ tưởng nỗi buồn cũng đặc đen như những đêm trằn trọc
Trải qua bao nhiêu mùa biến động
Mới biết những khi mất ngủ cũng có thể thấy êm đềm

Chẳng biết tự bao giờ anh giúp em tìm ra em
Tìm ra cả những nụ cười rất thật
Cả một thời hồn nhiên ngày xưa em để mất
Giờ sống lại quanh em rạng rỡ từng ngày

Khi mình đi trên đường và nắm chặt tay
Em tự hỏi bây giờ mình còn cần gì hơn nữa
Con đường mùa thu ngập tràn lá gió
Như ngày xưa ắt hẳn sẽ buồn

Bây giờ ngay cả một ngọn lá bình thường
Dường như cũng khe khẽ cười lấp lánh
Chiếc ô ngày mưa và chiếc ô ngày nắng
Tất thảy đều che chở như nhau

Thật kỳ lạ khi những điều mang đến hạnh phúc cũng có thể mang đến khổ đau
Chỉ đơn giản là một số người dễ cười còn một số thì dễ khóc
Những ký ức bao giờ cũng có hai mặt đen và trắng
Mỗi người chọn một góc nhìn

Có lẽ em cũng đã rất thường tình
Dễ rơi vào những hố sâu của buồn nản và thất vọng
Cho đến một ngày có người cố gắng làm em bực dọc
Chợt nhận ra hạnh phúc biết bao khi có anh gìn giữ những nụ cười

Hạnh phúc có khi là một mặt trời
Cố nhìn thẳng và em không thấy gì nữa hết
Nhưng chỉ cần nhắm mắt lại là em sẽ biết
Ấm áp này tự ở đâu ra

Cá con, bánh bao và bánh khọt

Sid lùn mua một con cá. Hehe, làm mình nhớ mấy con cá của bé Hạnh hồi xưa.

Nó mua cá mà hông chịu mang về nuôi, lại để ở nhà mình. Chắc thấy thương tình 3 anh chị không có lấy một tí gì trong nhà gọi là phong thủy. Tội nghiệp con cá, mình đi làm cả ngày, sáng trước khi đi cho nó mấy hột thức ăn (có dám cho ăn nhiều đâu, lỡ nó phình bụng die luôn thì khổ), tối về nhiều khi lo chơi bời nấu nướng quên mất con cá. Kiểu này, cuối tuần Sid xuống, có khi thấy cá đổi màu.

Mai mốt mình mà có nhà, cũng sẽ làm cái hồ nhỏ nuôi cá. Hồ phải là hồ xi măng, cá thì là cá chép hoặc tai tượng, hé hé. Lỡ quên cho nó ăn mà nó có die thì mang chiên luôn, thế là đẹp.

***

Hôm CN làm bánh bao. Giao cho gấu mèo nhồi bột, gấu hỏi tính làm mấy cái bánh. Ba đứa, 6 cái chắc là vừa. Gấu bảo thế này thì ít bột quá, thêm một ít đi. Nhồi xong để đó cho nó lên men, hai đứa lon ton chạy đi mua vỉ hấp bánh. Quay về nhà thì ...ặc ặc, cục bột phồng lên to gấp mấy lần. Hehe, tại em chưa có kinh nghiệm.

Kết quả thay vì 6 cái bánh bao 2 trứng cút thì thezoo có khoảng 12 cái bánh bao 1 trứng cút. Ăn thử thấy nó cũng ngon ngon, trừ chuyện cái lạp xưởng Trung Quốc nó chả giống lạp xưởng tí nào (vịt vừa ăn vừa lầm bầm chửi ba cái đồ TQ, hé hé). Lẽ ra mỗi thằng chỉ ăn 4 cái, nhưng bạn Phi không ăn bánh bao (chắc tại thấy nó có khả năng bị bỏ độc). Thế là gấu với vịt xử lý lai rai đến tận sáng nay mới hết. Mà cũng ngộ, càng để lâu, hấp lại càng nhiều lần càng thấy nó ngon. Tự hỏi hông biết cái bánh bao mình ăn ở VN họ để bao lâu mà ngon thế.

Nhớ hồi xưa mẹ làm bánh bao, còn mình thì hăm hở nhồi bột. Hai mươi mấy năm ở nhà, chả bao giờ làm được món gì ra hồn, vì món gì mẹ cũng làm cả. Nhưng đi xa, muốn làm món gì cũng làm được tàm tạm, vì ở nhà cũng hay góp một tay phụ bếp. Bây giờ, lúc nấu ăn có gấu ngồi phụ nhồi bột, đi mua đồ có gấu đi chung, tự nhiên thấy hạnh phúc là hồi xưa đã không bỏ mẹ làm một mình.
***

Bánh khọt thì là một buổi chiều mưa. Gấu với anh Thành ngồi ăn bánh và uống bia. Vịt đổ bánh và góp phần phá mồi. Mưa lay phay, cái nhà nhỏ mát rượi và dễ chịu kỳ lạ.

Một lúc nào đó, khi thời gian đã qua rồi, khi mình đã chuyển đi nơi khác, mỗi lần nhớ lại cái nhà nhỏ mình đang ở bây giờ, có thể gọi nó là hạnh phúc. Đó là nơi mình khám phá ra, hạnh phúc chả là cái gì to lớn hết. Chỉ đơn giản là nấu ăn cho ai đó, nói chuyện linh tinh nhảm nhí, và nhìn thấy những khuôn mặt mỉm cười.

Một lúc nào đó, chắc phải cảm ơn những người đã làm cho mình hiểu là chỉ cần nhìn thấy những khuôn mặt mỉm cười (mà phải cười thiệt lòng kìa), là đủ sung sướng rồi.

Nơi ấy bình yên

Hic, coi bộ tui ngày càng chuộng ngoại. Bằng chứng là về VN thì ngoài chuyện nhét cho đầy bụng (cũng không đầy lắm, vì chạy miết ngoài đường) và nằm dài ra hưởng thụ không khí gia đình, thì phải thú thiệt là tui ngán. Giá cả đắt đỏ, thời tiết nóng nực và kinh dị nhất là vụ đường sá.

Hai tuần lễ chạy đi chạy lại, cứ thò mặt ra đường là thấy kẹt xe. Mấy ổng quây lô cốt bự chình ình giữa đường giữa sá, chừa lối đi bé tí cho bà con, thành ra dân tình cứ vậy mà chen chúc với leo lề. Khói bụi ngập ngụa, còi xe inh ỏi, đường một chiều mà cũng kẹt cứng ngắc mới là chán mớ đời. Thêm cái đoạn đường rầy xe lửa gần nhà, cứ có xe lửa qua là nó kẹt. Đơn giản là trước khi xe lửa qua cỡ một phút thì họ chắn đường, thế là các bác các chú bị dồn lại một cục, bèn giải quyết sự nôn nóng bằng cách lấn sang phần đường bên kia. Xe lửa qua rồi, rào chắn nhấc lên thì ôi thôi, con đường giống như bãi chiến trường mà 2 bên đường rầy là hai đạo quân đối mặt nhau, bít kín hết tất cả lối thoát. Kết quả là xe lửa qua có vài chục giây, mà khúc đường đó thì phải hơn nửa tiếng sau mới thông lại được.

Chán đủ thứ. Đi taxi, đồng hồ thì 4 chục ngàn mà mấy ổng cứ thoải mái chém tui 7 chục. Cũng nói rất chi là nhỏ nhẹ "Chị cho em xin 7 chục", tay thì giữ rịt cái vali của tui, dạng như là "mày không đưa tiền thì đố mày thoát". Làm lúc tui qua trở lại bên này, đi taxi về nhà, ông taxi thối lại từng cắc, tui xúc động mém nữa thì rơi nước mắt.

Chán mấy trò gian dối, làm người ta cứ phải nghi ngờ nhau. Xe xịt bánh giữa đường, đẩy vào hàng vá xe. Gặp như bên này thì ta quăng xe đó rồi đi lang thang shopping hoặc giải khát, lát sau quay lại đã thấy xe được sửa ngon lành bóng loáng. Ở nhà mà quăng cái xe xong chắc quay lại thì bỏ luôn cái ruột xe, hoặc có khi chỉ xe còn cái xác, hoặc cũng có khi hổng còn thấy cái xe đâu.

Chán cả mấy trò chụp giựt của thiên hạ. Dừng xe lại tính uống ly dừa tắc (bảng giá đề dừa tắc 2000), hai đứa chưa kịp bước xuống xe thì chị bán hàng đã dí hai quả dừa đã gọt đầu vào mũi. Ặc ặc, cũng phải thừa nhận công phu chị cao, từ lúc gấu quẹo xe lên lề đường tới lúc gấu dừng xe chưa tới mười giây mà chị đã kịp lật nắp hai trái dừa, cắm ống hút vô đàng hoàng. Chả lẽ lại đôi co, đành nhận hai trái dừa với giá chém đẹp. (hic, nhớ mấy người bán hàng dễ thương bên này gì đâu!).

Vậy nên quay lại đây, tui thấy cả một trời bình yên. Bình yên từ cái lúc bước xuống máy bay thấy những khuôn mặt hải quan tươi cười thay cho mặt mũi quạu đeo của mấy chú hải quan VN. Bình yên từ lúc leo lên limousine trả tiền theo giá vé quy định, ngủ một giấc về tới nhà. Bình yên khi bước ra chợ mua một ngàn đồng rau được ông bán rau nhét thêm một mớ, còn cười toe toét cám ơn. Bình yên khi nằm ình trong nhà ngủ trưa không phải lo có ai đó rinh mất cái xe đạp. Bình yên khi buổi sáng bước ra đường, thay cho cảnh kẹt xe khói bụi tùm lum là hai hàng cây xanh mượt, gió và nắng vàng. Bình yên khi buổi tối đi long nhong ra công viên tập thể dục, thấy tụi con nít chơi bập bênh với nhảy dây, chứ không phải là mấy cặp ếch xếp hàng đầy nhóc công viên Gia định.

Ai nói tui chuộng ngoại tui đành chịu. Tui cũng chả hiểu sao mà rút cục cái "nơi ấy bình yên" của tui lại là cái xứ người này, chứ hỏng phải là quê hương.

Dấu chấm

Chỉ là một giọt mực
tròn xoe
ngốc nghếch
rơi xuống giữa đời
cuộc hành trình từ đó chia đôi

không phải là một dấu chấm than
nên những cảm giác không còn cơ hội
không phải là dấu hỏi
thắc mắc triền miên đành cất lại trong lòng

có rất nhiều điều muốn nói phải không
nhưng hỏi ai bây giờ
ai biết?
mình đã đi chung một đoạn đường nhiều luyến tiếc
nhiều sai lầm nhiều khúc mắc quanh co

đã có rất nhiều dấu ba chấm lửng lơ
đi tiếp hay không?
ta chần chờ tự hỏi
và bầu trời ngày càng thêm u tối
cuộc hành trình đi vào những lối mịt mù

mệt mỏi quá nhiều cho hờn giận vu vơ
đặt trước mặt nhau những rào cản mãi
thì thôi ta dừng chân đứng lại
bạn cứ đi
xin lỗi
chẳng cùng đường

một giọt mực nhỏ nhoi và rất bình thường
nặng trĩu bút
và tay người hạ xuống

Mưa...

Thêm một lần delete một cái entry vừa viết.

Lần này là nhờ mưa.

Ngồi trong phòng tự dưng nghe rì rào như có mưa ngoài trời. Nghe tiếng thôi, mà thấy gió và những hạt mưa li ti mát lạnh ngập không gian.

Cái đầu cũng dịu lại.

Đời còn dài lắm. Mình chỉ muốn nhẹ nhàng, thanh thản mà đi tiếp con đường dài.

Đi

Tự nhiên không muốn làm việc mà muốn viết lẩn thẩn cái gì đó, kiểu này sếp bem chít cho coi.

Sắp về nhà rồi. Bắt đầu nôn rồi đây. Về có hai tuần, lại có rất nhiều chuyện phải làm, nên sẽ có rất nhiều bạn bè không kịp gặp. Mình chỉ thèm về lâu thiệt lâu, đủ để gặp tất cả bạn bè mỗi đứa ít nhất một lần. Không hiểu sao, thích cái cảm giác ngồi với mấy người bạn cũ. Chắc già rồi nên hoài cổ.

Cũng không kịp đi chơi. Hình như dạo này mình không có số đi chơi. Lẽ ra hồi thứ sáu tuần trước đi biển rồi, xong gấu có việc nên lại cancel. Bạn Phi đi về kể đủ trò chơi bời và ăn uống, nghe mà thèm. Tự an ủi mình là khi về VN sẽ đi chơi với gia đình, nhưng mẹ vừa nói thôi không đi, ở nhà đang bão. Ừ thì không đi.

Chắc dạo này mình relax nhiều quá nên ông trời ổng hổng muốn cho mình relax thêm.

Mà thiệt ra cũng hổng cần đi chơi. Cái nhà hiện tại, chỉ cần ngồi trong bếp nghe gió lùa vô, mát lồng lộng, dễ chịu như có một lần ngồi trong một cái bếp lợp lá, trong một buổi trưa trời mưa lay phay, có người đứng cười cái kiểu chụm bếp khói mù mà không bén lửa của mình.

Chắc già rồi! Hồi xưa, chỉ cần đủ tiền đủ thời gian (có khi không đủ thời gian cũng được, chỉ cần đủ tiền là sẽ xoay được thời gian), là mình nghĩ mình có thể vác ba lô lên đi từ Nam ra Bắc, lang bang cơm bụi dọc đường cũng được, cơm nắm cũng xong, bánh mì cũng gặm. Ngủ thì ngủ trọ cũng tốt mà ngủ lề đường chắc cũng hỏng sao. Miễn là được đi. Giờ thì cả năm chẳng đi chơi đâu, mà có đi đâu rồi cũng thấy thích nhất là khi trở về với cái nhà tiện nghi ấm áp.

Nhưng mà, đâu đó, vẫn còn muốn đi. Đi tới những chỗ mình chưa tới (hồi xưa muốn tới Amazon coi rừng thiêng nước độc cỡ nào, còn muốn đi thăm Taj Mahal, coi tình iu của ông vua hồi xưa bự cỡ nào, đi coi thành phố Venice bồng bềnh trên mặt nước, vân vân và vân vân). Hoặc đi tới những chỗ hồi xưa mình đã tới, ví dụ như đi lên một cái thôn xa tít mù trên rừng Cát Tiên, mang một mớ kẹo bánh lên chia cho tụi con nít đen thui mắt tròn vo trên đó, rồi ngồi trên đỉnh đồi dòm hoàng hôn nhuộm đỏ rừng cây, hoặc ngồi trong nhà sàn dòm bầy đom đóm chập chờn trong đêm rừng. Cũng muốn đi quận 2, coi cái vườn hồng hồi xưa mình hay mua bông giờ còn không. Chắc tại mình thích mấy cái cảm giác cũ. Như cái cảm giác lúc đi giữa những luống hoa hồng còn ướt đẫm nước tưới, những góc đất phủ đầy rêu, lạnh lạnh ẩm ẩm, những loại mùi hoa hồng khác nhau quẩn quyện dịu ngọt.

Lúc mình ở một mình, thì mình đi rất nhiều. Bây giờ ít đi hơn hồi xưa, nhưng lại thấy thật ra chẳng cần phải đi đâu, chỉ cần ngồi một chỗ và thấy hạnh phúc. Có lẽ rồi sẽ đi, vì gấu cũng thích đi lang thang chẳng kém gì mình. Có lẽ rồi chẳng đi đâu được cả, vì cả hai đứa đều hay có những ràng buộc. Nhưng cho tới lúc gấu vẫn còn muốn đi chung với mình, thì mình sẽ đợi gấu đi chung.

"Love is..."

Tại vì muốn kiếm hình minh họa cho cái bài trước, nên mình lên web và search "Love is". Cuối cùng kết quả nó ra như vầy nè:

Wiki: Love is... is a comic strip.

Kiểu kiểu như vầy nè, hehe:



Coi bộ người ta cũng khoái định nghĩa love. Search "love is", nó ra 92,000,000 entries.

trong số đó:

love is blind: 1,690,000
love is blue: 621,000
love is the devil: 114,000
love is just a dream: 69,200

love is all around: 1,560,000
love is amazing: 91,800


keke, coi bộ con số bi quan nhiều hơn.

Tình yêu

tình yêu là gì
hở cô bé tóc xanh mười tám
ngồi trên ô cửa sổ tròn như một vầng trăng
cô bé cười bằng đuôi mắt bâng khuâng
tình yêu là hôm qua có một người chở mình đi bằng xe đạp
mình nép mặt vào cái lưng lấm tấm mồ hôi và nghe ấm áp
mông mênh gió trời hát dọc đường đi

mẹ của con ơi, tình yêu là gì?
là có người sẻ chia với con những đắng cay nhọc nhằn trong cuộc sống
có người đưa cho con một bờ vai khi con khóc
hoặc cũng bờ vai ấy con nghỉ ngơi sau những lúc mệt nhoài

tình yêu là gì, cô bé bảy tuổi mắt nai?
là cái bánh ngọt bẻ nửa to nửa nhỏ
là chiếc xích đu bay lên cùng với gió
là tiếng cười trong veo như sương sớm trên đồng

tôi đi khắp bầu trời và hỏi những cơn giông
chúng chỉ cho tôi tình yêu ủ trong chiếc áo choàng ngày bão
tôi lại đi hỏi thăm chiếc áo
nó thì thầm kể chuyện đôi tay cài từng chiếc nút dịu dàng

cụ già cười dõi ngược dấu thời gian
kể về người nhổ sợi tóc đầu tiên chớm bạc
và mái tóc giờ trĩu đầy tuổi hạc
kể về bàn tay lụm cụm chải đầu

tình yêu là gì?
tình yêu ở đâu?
nhiều người bảo tình yêu là ký ức
nhiều người bảo không, là tương lai ngọt mật
có người mỉm cười nắm tay người ngồi bên

tôi trở về ngồi giữa chông chênh
nghe cuộc sống trôi qua
nghe thời gian chảy mãi
mưa nắng
khóc cười
thành công
thất bại
khi tất cả qua rồi
thì bên mình còn lại tình yêu

Ngày Samgyetang



11g25, chú vịt mẹ chạy tới dặn 5 phút nữa xuống tầng hầm ăn cơm. Hé hé, trưa nay có cơm miễn phí sao mình hỏng biết ta.

11g30, xuống tới tầng hầm, thấy cả công ty đứng lố nhố trước cửa tiệm samgyetang (đọc theo tiếng việt là sam-kyê-thang, tức là canh gà nấu với nhân sâm). Hóa ra hôm nay là ngày ăn samgyetang của Hàn.

Mình vẫn hay thắc mắc, trời nóng sao còn đi ăn canh gà nóng. Vẫn chưa quên cái lần cách đây 4 năm, ông giáo sư dẫn cả lab đi ăn samgyetang vào cái ngày nóng nhất của mùa hè. Cả bọn phải tự bắt xe bus đi đến nơi, rồi cuốc bộ một khúc dưới trời nắng gắt. Ăn xong, lại cuốc bộ một khúc đường nắng đón xe bus về. Về đến nơi thì chỉ còn thấy nóng, gà với sâm bốc hơi hết cả.

Mô tả một tí, cái món mình đang nói tới nó giống như cái hình con con trên kia, nghĩa là có nửa con gà nhí nằm trong cái tô, nấu với ít nếp, một mẩu rễ sâm, một tép tỏi, một quả táo tàu, chắc là có đậu xanh, vì nghe mùi đậu, một mớ hành lá. Nói chung hơi giống cháo gà nấu chưa nát gạo.

Một năm có 3 ngày người ta kéo nhau đi ăn samgyetang, ngày đầu mùa hè (tiếng Hàn là chobok, năm nay là 19-7), ngày giữa mùa hè (chungbok, năm nay là 29-7) và cuối mùa hè (malbok, tức là hôm nay 8-8). Nói chung, đối với dân Hàn, cái món cháo nhiều năng lượng này là món cho mùa hè. Họ cho rằng mùa hè nóng và làm mất nước, mất năng lượng, mất khẩu vị, nên món này rất chi là thích hợp.

Kể tiếp vụ đi ăn cháo gà kiểu Hàn hôm nay. Sau khoảng 5 phút đứng đợi trước cửa tiệm cháo (tiệm đang đông nghẹt và không còn chỗ, mặc dù nửa tiếng nữa mới tới giờ ăn trưa), thì bà con đành kéo nhau đi sang tiệm bên cạnh. Tiệm bên cạnh bình thường bán cơm, thịt nướng và các món linh tinh, hôm nay cũng có cháo gà. Tiệm vẫn còn vắng hoe, nên cả cty sung sướng vào giành chỗ (bạn Phi đã te te chạy vào giành được một chỗ rất đẹp, còn đẹp thế nào thì ...hỏi bạn Phi, hé hé).

Gà thì như đã miêu tả. Vụ ăn thì chắc không cần miêu tả. Bà con khá hưng phấn, ăn rất nhanh và gọi cơm thêm rất to. Gà tiệm này cũng khá ngon, không mặn không lạt, bé tí nhưng mập ú, thịt không bở.

Ăn xong tính ngồi cà cưa tí cho đúng với tinh thần dân tộc Việt, nhưng thấy bà con dzọt lẹ quá nên cũng đứng dậy đi ra. Ặc ặc, dân Hàn đã ngồi kín quán không biết từ hồi nào, trước mặt ai cũng là một tô samgyetang. 100% samgyetang. Vẫn còn cả đống người vẫn còn đang đứng trước cửa quán kiên nhẫn chờ.

Lết lên cty, lấy nước uống, đi về chỗ mới thấy đồng hồ chỉ 12g. Giờ này mới là giờ cơm thường lệ.

Những cái ly

Tự nhiên ngồi nhìn cái ly trên bàn của mình, lại muốn viết cái gì đó linh tinh về những cái ly.

Cái ly mà mình ấn tượng nhất, lại là một cái ly mình không bao giờ dùng. Hồi đó, Pepe vừa có bạn gái mới, thế là một bữa rủ cả bạn gái cả dzịt cả puppy cùng đi siêu thị.

Cũng tội nghiệp cô bạn gái, bình thường đã nghe pepe kể khá nhiều về mình, chắc cũng ăn khá nhiều giấm rồi. Bữa đó lại được chứng kiến pepe và con dzịt trời đánh tung tăng khắp nơi trong siêu thị, tám về mấy món hàng rất chi là ăn ý. Cô nàng thì lủi thủi đẩy xe đằng sau. Trời ạ, bây giờ mới thú nhận tội lỗi nè, thiệt ra bữa đó dzịt cũng hơi hơi xấu bụng. Là con gái, dĩ nhiên biết cái cảm giác người iu mình dung dăng dung dẻ với một nhỏ bạn gái khác, bỏ mình đẩy xe một mình là như thế nào, nhưng mà hông hiểu sao tự nhiên lại thấy khoái chứng tỏ - chứng tỏ với mình, với pepe, hay với ai chả biết - là mình quan trọng với pepe. Giống như mấy bà mẹ thấy con trai mình dắt về một cô, thế là tìm cách giành sự quan tâm của con trai vậy. Hic, giờ nghĩ lại thấy lúc đó mình ích kỷ và con nít dễ sợ. Chứ lúc đó thì khoái lắm, chỉ chỏ cái này, bình phẩm cái kia, tự thấy mình mới là tri kỷ của pepe, ặc ặc.

Mọi chuyện lên tới cao trào khi cả bọn đi ngang một quầy ly tách chén dĩa. Pepe rủ mua ly, nói "bà lựa một cái đi, tui mua tặng bà". Thiệt ra đây là ý pepe muốn làm lành, do mấy bữa trước hai đứa mới cãi nhau một trận mém nữa thì "sugar u u go, sugar me me go". Dzịt dĩ nhiên gật lia lịa (có đồ chùa tội chi hổng gật) rồi cắm đầu vô lựa ly. Pepe cũng muốn mua một cái ly, để uống nước trong cty. Và pepe quất một câu dã man rợ (đối với cô bạn gái kia): "Tui với bà lựa hai cái ly cặp đi".

Éc éc, è è. Dzịt lúc đó còn cười te te mới xấu bụng kinh dị chứ.

Bữa đó, lựa mãi hông được cặp ly nào (siêu thị làm gì có bán ly cặp). Cả bọn đi về. Dzịt cũng chẳng lấy gì làm tiếc, cái ly là chuyện nhỏ, chuyện bự là pepe định mua ly cho mình, chuyện bự hơn nữa là hai đứa giờ dzui dzẻ nhí nhố trở lại như cái hồi còn đạp xe chở nhau đi dzòng dzòng dưới Củ Chi.

Bữa sau, nghe pepe kể, pepe dặn bạn gái mua giùm hai cái ly, còn dặn phải lựa 2 cái ly cùng một cặp. Mình cũng hơi hết hồn, kiểu này cô kia hông giận thì mới lạ.

Quả nhiên, mấy bữa sau pepe mặt wạu đeo, đưa cho mình một cái hộp rất đẹp, gói rất sang trọng (mình còn nhớ là cô đó đi học gói quà, nên gói pro dze kiu lun). Trong hộp có 2 cái ly đúng là một cặp, với ...một bức tâm thư, nội dung vô cùng lâm li bi đát. Đại loại là em thấy anh hợp với chị ấy hơn em, em chúc hai người hạnh phúc. Ặc ặc!

Tới lúc này thì con dzịt mới tái xanh tái xám. Cái tội đùa dai hóa thiệt!

Cũng hổng nhớ dzịt đã giải thích với cô kia kiểu nào, lâu quá rồi. Hình như pepe nói để pepe giải thích, với lại hình như mình có mượn thêm chú nào đó để làm bình phong, hehe. Cuối cùng thì mọi chuyện cũng êm xuôi, hai cái ly thì pepe xài cả. Dzịt hông có gì hết (đáng đời!), chỉ được một bài học đáng giá.

Bài học gì hả? "Không nên chọc cho phụ nữ ghen, vì họ ghen rất đáng sợ". Hé hé.

=============================================

Cũng hông biết tại sao mà từ sau cái vụ scandal "ly cặp" với bạn gái pepe, dzịt đâm ra khoái ly. Đi siêu thị hay dòm ly. Đi mua đồ lưu niệm cũng hay để ý mấy cái ly. Í tưởng là muốn kiếm một cái vừa đẹp vừa độc đáo, tại vì nó sẽ nằm suốt trên mặt bàn trong cty mà.

Kết quả là một cái ly chẳng sang trọng tí nào, làm bằng nhựa và khá rẻ tiền, chỉ có điều nó hình con gấu.

Cặp đôi với nó, hình như là một cái ly hình con dzịt.

Cái ly con gấu đó theo mình từ Pyco tới Hàn quốc. Nó phục vụ giải khát cho mình suốt hai năm học ở Kyung Hee, rồi lại theo mình lên Seoul. Bây giờ vẫn còn đang phục vụ rất tận tình.

==============================================

Cái ly thứ ba, là một đám ly thủy tinh cũ, kiểu dáng bát nháo, nhìn là biết loại rẻ tiền mua một lần cả lố ở chợ. Tụi nó hay nằm trong một cái rổ nhựa, chen chúc với một bà ấm trà mập úc núc. Cả đám đứa nào cũng hay có cặn trà ở đáy, vì cái nhà đó dân tình khoái uống trà.

Nhớ đến tụi nó, là nhớ đến hồi xưa cứ sáng sáng ông dậy sớm, cỡ bốn giờ bốn rưỡi, cặm cụi nấu một ấm nước. Nước sôi, ông châm đầy ấm trà, xong đổ đầy nước nóng vô phích cho bà. Bà tắm lúc nào cũng phải có nước nóng.

Mình hay mẹ mà bắt gặp cảnh ông lập cập xách cái ấm nước sôi nặng chịch, bốc hơi nước nghi ngút, đổ vào cái phích đặt dưới đất, là thế nào mình với mẹ cũng giành làm. Có điều để bắt gặp cảnh đó cũng hơi khó, chỉ là những lúc bà tắm muộn, nước trong phích nguội mất, ông nấu lại ấm khác thôi. Còn thì bốn giờ bốn rưỡi sáng dzịt toàn đang nằm ngáy khò khò, chỉ có mình ông cặm cụi với cái bếp dầu, với đám ấm và phích và trà, trong cái tĩnh yên lù mù lạt nhạt của ngày mới lên.

Hồi đó, bà hay càu nhàu mỗi lần rờ vô phích thấy nước nguội. Hồi đó, mình cũng hay càu nhàu sao ông đổ nước vô phích mà không kêu con đổ giùm cho. Mẹ thì hay càu nhàu sao ông nấu nước sớm làm gì, bà cũng đâu có dậy sớm, để đó sáng con qua nấu cho.

Càu nhàu thì càu nhàu, ông vẫn dậy lúc bốn giờ bốn rưỡi sáng. Trà ông châm thì ai cũng uống. Bà dì mình càu nhàu vụ đám ly bị cáu vàng vì cặn trà, ông lại lụi cụi rửa.

Xa nhà bao nhiêu năm, bây giờ thì không còn ai nấu nước mỗi sáng tinh mơ. Cũng không còn ai mỗi lần đi tắm lại gọi "Ti ơi bê hộ bà phích nước!". Mình ngồi đây viết linh tinh về mấy cái ly thủy tinh cũ, chả hiểu sao nước mắt cứ chảy ra không dừng được. Chả hiểu tụi nó có nhớ cái người nấu nước, cái người uống trà ngày xưa không?

Hai khuôn mặt

Cái phòng làm việc nhỏ và lọt thỏm trên một con đường đông. Mấy chiếc máy tính xếp trên mấy cái bàn vòng quanh phòng, chừa một khoảng không gian trống và rộng ở giữa.

Thời sinh viên, tôi thỉnh thoảng ghé nơi đó, nên bây giờ ký ức của tôi về căn phòng đó không còn nhiều cho lắm. Chỉ nhớ hai khuôn mặt hay ngồi trước máy tính, có lần gật đầu chào bọn tôi với vẻ thản nhiên lành lạnh. Không nhớ nổi đã từng có nụ cười nào không. Không nhớ nổi có hay gật đầu chào không.

Tôi khi ấy bé nhỏ - à, tôi vẫn hay thấy mình bé nhỏ, đó là về nghĩa bóng, chứ tôi bây giờ thì già mất rồi. Những người trước mặt tôi, thành tựu của họ, hoặc suy nghĩ của họ, hoặc cách sống của họ, hay làm tôi thấy mình nhỏ đi. Như hai khuôn mặt trong căn phòng nhỏ hồi xưa. Hai cô gái. Khi ấy, tôi võ vẽ có vài truyện ngắn đăng báo, nhưng họ thì có rất nhiều truyện ngắn, rất nhiều bài đăng báo, nhiều giải thưởng nữa. Tôi ngưỡng mộ cả hai cái tên.

Hai khuôn mặt, một thì dài, hơi góc cạnh, cặp kính to phủ lên đôi mắt hẹp, nhìn có vẻ hơi khô khan. Hình như đó cũng là gương mặt lạnh lùng hơn. Một thì tròn, bầu bĩnh, đôi mắt to đen láy như mắt búp bê, cả khuôn mặt cũng giống một con búp bê xinh xắn.

Tôi hay nhầm lẫn hai người. Vì không quen, cũng vì cái tên. Hai cái tên đều đẹp, nhưng một cái nghe thật ngây thơ và dễ thương, một cái nghe chín chắn và nghiêm chỉnh. Tôi hay nghĩ cái tên trẻ con và dễ thương thì thuộc về khuôn mặt búp bê. Nhưng cuối cùng thì không phải.

Mười năm rồi. Tôi vẫn hay đọc truyện của hai người đó, vẫn tự hỏi truyện nào là của khuôn mặt nào. Trong truyện của hai người, đều có những cô gái trẻ xinh đẹp, hoặc duyên dáng, hoặc có sức hút kỳ lạ với người khác giới. Những chuyện tình trong truyện của họ đều mang vẻ gì đó lãng mạn và bay bổng đến kỳ lạ. Dĩ nhiên, cũng có khác nhau. Một trong hai người, truyện của chị mang lại cảm giác trong veo như nước mùa xuân, những cô gái tinh tế mỏng manh và nhẹ nhõm, làm cho người ta thương yêu không dừng được. Khi đọc những truyện đó, tôi hay tưởng tượng đến khuôn mặt búp bê.

Hôm nay mới biết, hóa ra phán đoán của tôi sai lầm. Những người con gái tinh tế, mỏng manh và khiến người ta phải thương yêu, không phải là do khuôn mặt búp bê viết ra. Nhân vật của búp bê, là những cô gái xinh đẹp và biết rõ thế mạnh xinh đẹp của mình.

Tự nhiên thấy mình dỏm ghê. Đơn giản vậy, tại sao mình phân biệt không được nhỉ?

Không phải chính mình chưa bao giờ có thể cho ra đời được một nhân vật xinh đẹp và tự tin sao? Không phải chính mình luôn đặt mơ ước vào những cái gì đó, không thật là đẹp, không thật hoàn hảo, nhưng vẫn có thể được đón nhận và yêu thương trong đời này sao?

Nhân vật, có khi là hóa thân của những giấc mơ.

Hay ảo tưởng?

Duyên - trích blog của Nghi

(Blog của Nghi thì ở đây nè )

“Nếu một ngày mà bạn không còn tình bạn hay tình yêu hay tình cảm nào, đó là vì đã hết duyên rồi, đừng tiếc nuối. Sự ấm áp, sự chân thành hóa thành sự e dè và xa cách. Có gặp thì cũng vui là vui gượng…

Trước đây tui có một cặp kẹp tóc mà tui yêu quý lắm lắm, trong một tích tắc tui để quên và mất luôn vì không nhớ rõ nó nằm ở đâu. Mất kẹp tóc, tui lật tung tất cả những nơi chốn tui đi qua, thiếu mất nó tui lồng lộn lên, trách cứ, mắng nhiếc bản thân như là tui đã làm mất một con người. Nhưng sau đó, hiểu ra rằng tui đã hết duyên với món đồ đó rồi và cần bắt đầu một cơ duyên mới với một bộ kẹp tóc mới, bây giờ tui cũng thích nó lắm.”


Cảm ơn Nghi!

Đi và ở

Nghĩ tới nghĩ lui, vẫn chưa quyết định được sắp tới sẽ làm gì, đi hay ở, về VN hay ở Hàn, hay tìm đường đi nước khác.

Hôm nay đọc lại câu chuyện cũ mình viết dở.

Cả một truyện, chỉ thấy có một câu là được.

"ở đâu thì cũng là một chỗ trong đời"

Chỗ nào có anh, thì chỗ đó sẽ hạnh phúc thôi.

Những ngày dài

Cái tiếng loa gắt gỏng như tiếng mèo gào đêm trăng
Cái bộ mặt thờ ơ như góc tường phủ rêu xanh
Và cái miệng mình đóng băng
Không muốn nói!
Nhưng vẫn phải cười phải đùa phải hỏi
Nhưng chung quanh vẫn là thinh không
nặng chịch
tối sầm

Có phá vỡ được không?
những khúc mắc trong lòng
Có huyên thuyên để ngày trôi qua được không
Những ký ức xám xịt nhìn mình đe dọa
Những ám ảnh tối tăm vật vạ
Bóng ma ngày xưa
tan đi được không?

Gió băng qua mái hiên dịu dàng
xua ngột ngạt đi
Và những đóa bách hợp vẫn tỏa hương trong góc tối
thì thầm một câu chuyện diệu kỳ
May là còn một bàn tay ấm
xoa nhẹ cái đầu tấm tức
cho mình an ủi đôi khi

Hạt giống

Dọn nhà cũng có một cái lợi. Đó là khi đóng gói đồ đạc, ta tìm ra được biết bao nhiêu thứ tưởng chừng đã thất lạc từ lâu.

Gấu moi từ đâu ra một túi hạt giống, có hạt giống rau muống, rau húng quế và hành. Hic, gói hạt giống mẹ gửi cho cách đây 2 năm, vịt đã mua ít đất về định trồng nhưng nó mất tăm. Vịt hí hửng bảo, để sang nhà mới sẽ trồng.

Sang nhà mới. Bạn Phi coi kỹ gói hạt giống rồi ... quăng "quá date một năm rồi ông!". Sid lùn cũng bảo, hạt lâu năm quá nó bị chết, không nảy mầm được nữa. Vịt thì tiếc, nên đi Emart nó đòi gấu mua chậu và đất. Mắc kinh khủng, 5$ một bịch đất, cái câu tấc đất tấc vàng coi bộ không sai hehe.

Gieo hạt rồi hồi hộp. Sáng chiều nào tưới cây vịt với gấu cũng nghiêng ngó coi nó có dấu hiệu sự sống nào không.

Cuối cùng thì cách đây 2 hôm, đã thấy 2 cái lá mầm xanh xanh bé tí, tròn xoe của rau quế ló lên. Đến chiều thì mầm rau quế đã lên xanh li ti đầy đất. Rau muống cũng đã lóc ngóc nảy mầm, mặc dù tỉ lệ có vẻ ít hơn. Cũng đúng, hạt rau quế được bảo quản trong bịch chân không, trong khi hạt rau muống bị quăng trong túi xốp.

Có nhiều kế hoạch cũng đã bị quăng vào góc lâu quá. Chắc là vịt cũng nên kiên quyết đi mua chậu, và trồng lại mấy cái hạt giống đó thôi.

Nếu không trồng, sẽ chẳng bao giờ biết được thật ra nó sẽ nảy mầm hay là không.

Nhà mới

Những căn phòng nhỏ, nhưng nhiều gió và ánh sáng mặt trời. Cái ban công lót gạch đỏ, thành bằng đá xám, được chủ nhà xếp lên mấy chậu hoa. Có một sự dễ chịu kỳ lạ khi đặt chân lên sàn nhà nhẵn sạch, hơi man mát, khi ngồi trên thành ban công đá nhìn ngắm những bông hoa tím nhạt như khói nghiêng nghiêng dịu dàng, khi đứng trong bếp và ngọn gió bất chợt ùa vào khuấy tan cái nóng của ngày đầu hè.

Không còn những ngày đi làm về là lại thấy một cái gì đó bị tháo dỡ, lại thấy những đồ đạc của mình bị vứt lung tung vào xó, bị phủ đầy bụi - kết quả từ những cố gắng của chủ nhà để làm cho căn nhà cũ đẹp hơn lên, hòng kiếm một người thuê nhà mới. Không còn những buổi tối ngồi giữa đám đồ đạc ngổn ngang, nghe tiếp gõ đập ầm ầm ngoài bếp. Không còn những người khách đập cửa rầm rầm liên hồi để coi nhà ngay giữa bữa ăn. Không còn cảm giác bực bội và giận dữ, đến độ chính mình cũng muốn trở nên độc ác, hoặc chai lì ra.

Nhà mới vẫn chưa có nước nóng. Vẫn chưa có gas. Net xài chùa, ngắc ngoải lúc có lúc không. Nhưng vẫn là cảm giác sung sướng kỳ lạ khi ngồi bệt lên sàn nhà, khi quàng khăn tắm vào người sau một màn tắm nước lạnh, nghe da thịt tê tê vì cóng, khi nhìn ra cửa sổ và nghe mấy con sẻ líu tíu trên dây điện.

Ở đây, mình không phải là kẻ đang bị đuổi đi.

Hay rồi cũng sẽ bị đuổi đi? Không biết chừng, nhưng hy vọng sẽ không sớm quá.

Tại sao con dzịt hông viết blog?

Bạn bè hay hỏi, sao mày hông viết blog nữa. Cười he he, đưa ra một lý do nhảm nhí nào đó. Rồi chính mình tự hỏi, tại sao vậy ta?

Dạo này, ngoài cái chuyện lâu lâu làm một bài thơ, chả biết bỏ đâu bây giờ nên quăng lên blog, còn thì không muốn viết gì hết.

Mà viết về cái gì bây giờ?

Bản thân? Đề tài hấp dẫn đối với ... bản thân. Tranh thủ tự tô vẽ kết hợp khoe khoang than thở và self-PR. Hình tui, số đo 3 dzòng và cân nặng của tui vào 0g hôm nay, tui dzui tui bùn tui đi chơi tui đi ... Con dzịt hồi xưa cũng khoái viết về mình. Viết tới viết lui, con dzịt cũng vẫn cứ là con dzịt. Mà dzịt thì chỉ có 1 đầu 1 mỏ 2 cánh 2 cẳng 1 đuôi, viết mãi cũng chỉ nhiêu đó thôi. Nên thôi tạm ngừng viết những gì liên quan tới dzịt. (bài này sẽ là bài cuối cùng liên quan tới dzịt, hy dzọng dzậy, hehe. Nhu cầu self-PR cũng còn cao cao).

Viết về những gì dzịt nghĩ? Hic, rất tiếc là càng già dzịt càng lú lẫn, suy nghĩ cũng trở nên lung tung. Có nhiều chuyện, một phút trước mình nghĩ nó là A, một phút sau đã thấy nó hình như là B. Nếu buồn buồn ngồi nghĩ nữa thì nó sẽ ra C, rồi D, E, F... Cái mớ tùm lum đó làm sao viết ra đây, hehe.

Viết về tình củm? Càng già tình củm nó cũng càng ổn định, nghĩa là hết hôm nay thương ngày mai ghét, mà là hôm nay thương ngày mai thương ngày mốt thương nhiều hơn xí, hôm nay mà ghét đứa nào thì mai mốt kia kìa càng ghét thêm. Mà viết về tình củm ngày nào cũng như ngày nấy thì người đọc chán ốm. Nên thôi. Chưa kể mấy vụ không ghét không thương (ghét không nên mà thương không nổi), nên nó lờ nhờ lạt phọt lạt phèo như nước ốc, có ráng thêm muối mắm vô cũng chẳng ra gì.

Viết về những thứ không liên quan đến bản thân, không có tí suy nghĩ và tình củm nào? Ặc ặc, chính mình cũng hổng khoái đọc mấy thứ đó mà.

Vậy nên con dzịt bó tay toàn tập trong chuyện viết blog, hé hé.

Bằng lăng

Tự nhiên nhớ hoa bằng lăng
Nhớ cái màu tím gầy gò và hoang dại
Như con bé ngày xưa tóc còn chưa kẹp mái
Lơ ngơ nhìn hoa tím góc đường

Người ta ai cũng có một thời để học cách yêu thương
Như hoa bằng lăng có một thời diệu vợi
Mùa hoa cũ đi qua
Mùa hoa sau lại tới
Yêu thương đâu chỉ có một lần

Hoa chọn chi cái màu bâng khuâng
Rồi nép mãi cành cao mà nhớ
Những chiều thông thênh gió
Hoa có theo về phía cuối trời không?

Tím chi cái màu bao dung
Ai cũng có những sai lầm của ngày xưa cũ
Hãy cứ dịu dàng soi vào quá khứ
Trước tiên mình phải thương mình

Cái màu mực lem nhem của thời học sinh
Cái màu ngây ngô của thời dễ vỡ
Tự nhiên sáng nay ngồi nhớ
Mắt một thời trong trẻo sương mai
Con bé ngơ ngẩn nhìn hoa
tóc vẫn chưa dài

Chí Phèo & Thị Nở

Lạc loài em, lạc loài anh
May nhờ một bát cháo hành thương nhau
Hẹn thề chưa nói một câu
Có không trọn những ngày sau cũng đành
Duyên là duyên của trời xanh
Người không tránh nổi đành hanh miệng đời
Khen chê rồi cũng rụng rơi
Còn lưu lại chút ngậm ngùi thế nhân

Rượu say mấy nẻo chồn chân
Điên hay tỉnh biết hồng trần ai say
Tỉnh ra chưa hẳn là hay

Hoang mang là rượu đắng cay là đời
Say nên chua chát nụ cười
Điên nên lời mới thật lời phải không?
Người theo đuổi những viển vông
Ta theo đuổi chút cay nồng thì sao?
Nửa đời tỉnh, nửa đời đau
Tưởng đâu say hết nửa sau của đời
Gặp em bỗng muốn làm người
Trăm năm chết một nụ cười cũng cam.

Đã sinh làm kiếp hồng nhan
Xấu cay cực xấu tình hoang hoải tình
Sắc hương là để người nhìn
Không hương không sắc chỉ mình với ta
Ngọc trong từ giữa trong ra
Người đời hâm mộ những hoa với hồng
Có rao bán một tấm lòng
Chỉ thành lạc giữa chợ đông mà buồn
Người mà có một lời thương
Xin đem hết những mật đường cho nhau
Không trầu cũng chẳng cần cau
Cỏ mềm làm gối trăng sao làm đèn

Không duyên mới đúng là duyên
Không mãi mãi cũng chẳng phiền mong manh
Lạc loài em, lạc loài anh
May nhờ một bát cháo hành thương nhau...

Kẹo mạch nha

Tự nhiên thèm kẹo mạch nha. Không phải mạch nha VN, thứ kẹo bán trong hộp giống lon sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ, ăn ngọt ngắt và đầy mùi đường. Thèm kẹo mạch nha Hàn.

4 năm trời ở Hàn mình mới chỉ biết được một nơi bán kẹo mạch nha. Một nơi xa lắc xa lơ.

Bây giờ chả lẽ lại lên tận Soeraksan mua kẹo mạch nha? 1 tiếng rưỡi cho chuyến subway đến bến xe bus liên tỉnh Đông Seoul. 3 tiếng rưỡi đồng hồ ngồi trên xe bus đến Sokcho, cái tỉnh miền núi xa tít phía đông bắc nước Hàn. Bây giờ ở đó, chắc biển xám xịt lạnh cóng và tuyết vẫn còn trắng toát trên những đỉnh núi. Đến trạm cuối của Sokcho rồi, phải đón xe bus đi thêm chừng 20 phút mới đến chân núi Seoraksan.

Seoraksan dịch ra tiếng Hán là Tuyết Thạch Sơn. Bạn Hàn giải thích, người ta gọi vậy vì mùa đông những mỏm đá núi đều trắng xóa vì tuyết phủ. Nhưng dân Hàn không thích leo núi mùa đông. Seoraksan nổi tiếng vào mùa thu, với bạt ngàn những cây phong chuyển màu, cả một vùng đồi núi đỏ rực như lửa cháy. Nhắc tới Seoraksan, người ta nhắc tới lá phong thu.

The zoo đến Seoraksan cũng vào một ngày cuối thu. Mùa thu Seoul đến chậm hơn mùa thu phương Bắc, nên khi đặt chân đến núi chỉ thấy những cành cây đã bắt đầu trụi trơ trụi trốc, núi đã phủ màu xám, còn vương vất vài mảng đỏ vàng hắt hiu cuối mùa. The zoo buồn tiếc lơ ngơ đi qua cây cầu đá dẫn vào thác Biryung (thác Phi Long). Có một bà cụ ngồi giữa cầu, trong cái lạnh lay lắt cuối thu, bán mấy thanh kẹo vừng cứng còng. Thương tình bà cụ mời chào, dừng lại mua một thanh. Lần đó đến núi đã là 5g chiều, không còn kịp đi vào thác. Cũng ráng lắm nhưng khi trời sụp tối và rừng phủ mịt mờ không còn thấy lối leo tiếp, cái thác vẫn còn xa lắc. Đành mò mẫm đi về. Ngang qua cầu thì trăng đã lên, không còn thấy bà cụ ngồi đó nữa.

Vì tốn công ngồi xe hơn 500 cây số mà chưa thấy cái thác, nên mùa xuân sau đó the zoo lại cất công lên Seoraksan một lần nữa. Núi mùa xuân xanh (lại đi muộn nên hết sạch hoa đào : ). Bà cụ vẫn ngồi bán kẹo, lần này ở dưới chân cầu. Lại ghé định mua ủng hộ một thanh, thì bà cụ mời mua kẹo mạch nha.

Mua vì thấy ngộ ngộ (bên Hàn mà cũng có kẹo mạch nha ??). Mua vì nghĩ chắc nó khá hơn cây kẹo vừng cứng ngắc một tí. Bốn đứa ba cây kẹo (bạn Phi không ăn), đi long nhong, vừa liếm thử miếng đầu tiên đã giật mình nhìn nhau. Trời ơi ngon ghê!

Kẹo mạch nha đúng là mạch nha thật, vị ngọt rất thanh, rất dịu. Mùi thơm thơm của lúa non ngậm sữa.

Tự nhiên thấy ngậm ngùi. Nước mình có thiếu kẹo mạch nha đâu, mà tận đến khi đi đến một nước xa tít xa mù thế này mới được ăn kẹo mạch nha "thật". Chứ không phải thứ kẹo mạch nha đầy đường ở nhà.

Lúc ở thác ra, the zoo ghé mua cả một hộp kẹo. Mang về quết bánh phồng, chén có một bữa đã sạch trơn.

Bây giờ thèm kẹo, chẳng lẽ lại đi 500 cây số chỉ để mua một (hay mười, hehe) hộp kẹo?

Mà có khi trước khi về nước sẽ phải đi lần nữa thật. Nếu không sau này về VN rồi mà lại thèm ăn mạch nha đúng nghĩa, mạch nha làm từ lúa non chứ không phải từ đường cát, chẳng lẽ phải mua vé máy bay sang Hàn trở lại sao?

Cho tuổi 30 sắp đến

Cũ mèm rồi cả những niềm đau
Những trăn trở những bồi hồi xưa lắc
Cũ mèm cả những ngày bất trắc
Những ngày vui và những ngày buồn.

Em bây giờ nhàn nhạt với yêu thương
Chẳng thèm giữ và chẳng thèm nắm lấy
Cái gì của mình hình như vẫn vậy
Cái gì xa rồi đã hóa hư vô

Ba mươi năm như một trò đùa
Anh chải tóc tìm ra vài sợi bạc
Có những giấc mơ lâu lắm rồi đi lạc
Anh tìm về cho em được không?

Bây giờ hình như chẳng có bão giông
Dù đôi lúc cuộc đời vẫn khó
Em quen lắm rồi những hay những dở
Những nhọc nhằn những đổ vỡ từ xưa

Những lo toan của cuộc sống bây giờ
Kéo em mải miết đi theo chúng
Có phút nào bên trời gió lộng
Em lại là em của ngày xưa không?

Có bao giờ lại tóc rối má hồng
Ngồi vắt vẻo trên cành trăng mười sáu
Rồi tan biến vào ngày xưa hư ảo
Để chẳng còn em mòn mỏi của bây giờ.

Cũ mèm cả rồi những khát khao xưa
Em đã nhận không ra em rồi đấy!
Anh đánh thức đi để em tỉnh dậy
Kẻo cả đời mình chẳng nhận ra nhau...

3600

Trời không thương người tốt.

Con xin lỗi, vì đang sống phí sống hoài những ngày tháng mình đang có.

Con sẽ cố sống khác đi, có ích hơn.

Có được không?

Con chỉ làm được mỗi một điều đó thôi.

Mùa đông và tóc đóng băng

Mình có thói quen tắm vào sáng sớm rồi để tóc ướt đi lên cty.

Mùa đông, như sáng nay là -10 độ C. Đi được ít bước ra khỏi nhà thì thấy mái tóc mình bắt đầu nặng nặng. Y như rằng tóc đóng băng lại hết. Thành từng lọn nhỏ cứng queo, lúc đi nghe tụi nó va vào nhau lào xào.

Chả hiểu sao lại khoái cái cảm giác tóc bị đóng băng như vậy. Mặc dù chả tốt tí nào cho cả tóc và người. Tóc thì dễ hư. Người thì dễ bệnh.

Hồi xưa ở trường, mỗi lần Sid nhìn thấy tóc mình đóng băng là nó cười phá lên rồi ...bẻ thử. Nó khoái cái cảm giác bẻ túm tóc-băng gãy cái cụp.

Lúc đầu tiên mình đi chung với anh một ngày mùa đông lạnh thế này, anh cũng cười. Cũng tính bẻ thử tóc. Nhưng sau khi bẻ một nhánh tóc đầu tiên thì anh thôi, bảo làm vậy hư tóc hết. Và anh xuýt xoa lo mình lạnh, mình bệnh.

Mình vẫn thích cảm giác của mấy túm tóc cứng ngắc va vào nhau lao xao. Nhưng chắc hôm sau sẽ tắm buổi tối và đội nón ấm vào buổi sáng. Bắt đầu thích cái cảm giác ấm áp hơn là những trò nghịch ngợm trẻ con.

Chắc là mình già thật rồi ...

Bỏ qua

Đã viết một entry thiệt là dài, xong xóa nó đi hết và thay bằng entry này.

Chuyện gì qua cho nó qua.

Nhưng mà nè, đừng làm lại trò đó thêm bất cứ một lần nào nữa. Sức chịu đựng của một người có giới hạn thôi.

Hành phương Nam (thơ Nguyễn Bính)

...
Ta đi nhưng biết về đâu chứ
Ðã dấy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi !

...

Bài thơ dài, mà mình chỉ thích có bốn câu này. Đọc nó trong một truyện ngắn có thể gọi là hay.

Hôm nay đọc truyện ngắn, tìm được thêm một câu nữa mà mình thích:

“Hạnh phúc tối thượng của cuộc đời là niềm tin rằng chúng ta được yêu; được yêu vì chính chúng ta, đúng hơn là được yêu bất chấp bản thân chúng ta ra sao”
---V.HUGO ---

Vậy thì mình đang hạnh phúc lắm mà mình không biết ^^