Nhớ ông

Những chiếc lá không vàng cho một mùa thu. Chỉ khô đi, và rụng. Đâu rồi màu lá vàng của mùa thu trước, đâu rồi cái sắc đỏ hắt của lá phong, rực lên như lửa chiều. Mùa thu trước, nó về, ngồi cạnh ông, nắm bàn tay chỉ còn da và xương của ông, chẳng biết nói gì, chẳng biết làm gì. Chẳng lẽ lại kể cho ông nghe về cái màu điêu tàn rực rỡ của mùa thu? Ông yếu lắm rồi, chỉ biết thều thào hỏi cháu về đấy à, về là ông vui rồi, cháu ráng học hành cho mẹ được nhờ. Rồi lại ngồi ngả đầu vào ghế, mệt mỏi, nghe nó khoe chuyện sắp được đi hội thảo châu Âu, chuyện làm được cái này cái kia. Khoe cho ông vui. Có biết bao nhiêu chuyện ông đã mong được nhìn thấy nó làm xong, mà nó thì nào đã làm được gì. Ông nghe, không biết có kịp ghi lại những gì vào bộ óc đã mỏi mòn. Trời ơi, làm sao kể được cho ông về ngọn gió hú quanh năm ngòai cửa căn phòng cheo leo, rền rĩ nỗi nhớ nhà trong bóng tối lạnh se sắt. Làm sao kể về những mùa hoa trải thảm như mây lạc xuống đời. Làm sao kể về nỗi cô độc. Và làm sao kể về nỗi nhớ, cái nỗi nhớ từng cuộn lên da diết mỗi khi bé Hạnh làm một món gì đó đơn giản, thô vụng, mang dáng dấp những món ăn ông làm ngày xưa.

Làm sao làm được cái điều nó từng nói với bé Hạnh: chừng nào chị về nhà, sẽ vòi ông kể chuyện đời ông. Mà tại sao bao nhiêu năm trời nó chưa từng lắng nghe ông kể chuyện. Để bây giờ nhìn ông, nhìn đôi mắt như có sương giăng, nó biết mình sẽ chẳng bao giờ nghe được những câu chuyện đó nữa rồi.

Chỉ biết ngày xưa ông đã phải lên tỉnh trọ học từ hồi lớp hai. Chỉ biết ngày xưa ông đỗ tiểu học xong rồi đi làm, mà làm rất giỏi, thư ký trong một ngân hàng, nuôi cả một gia đình. Chỉ biết ông lúc nào cũng đau đáu tiếc ngày xưa giá được học thêm nữa, chắc là còn được làm cao hơn (còn con cháu bây giờ có đủ điều kiện thì lại chẳng chịu siêng năng học hành gì cả). Chỉ biết bà ngày xưa nhà giàu, ông siêng năng quá, ông cố thương gả con gái cho.

Rồi thôi.

Có những điều, khi có thể thì lại không chú tâm đến, để rồi thành ra sự tiếc nuối cả đời.

Rồi thì lại đã trở về với mùa đông, với xa xôi. Rồi thì đã khóc như chưa từng được khóc, khi có một, mà không, hai vì sao trôi qua đời. Bà cũng theo ông sau đó hơn nửa năm. Có khi nó nằm mơ, thấy hai ông bà trẻ lại như độ thất tuần lục tuần, dắt nhau đi chơi riêng cả ngày, về nhà vui vẻ hớn hở. Thức dậy nằm lơ mơ cười, ừ thì vất vả cả đời rồi, hy vọng ông bà đang hạnh phúc ở một góc trời nào đó.

vậy mà thỉnh thỏang nghe một câu vọng cổ, lại thấy nhói lòng. Bây giờ còn ai để ngồi với mình nghe tình anh bán chiếu, để còn biết thương biết say những khúc phượng cầu hòang, những điệu bảy điệu ba. Ngày còn nhỏ thì chỉ có cải lương để xem. Lớn lên, nhiều niềm vui, nhiều phim ảnh. Có những khi thương ông nên ngồi coi cải lương chung, rồi ghiền lúc nào không biết. Nhỏ em cũng ghiền. Nó hay mua đĩa nhạc về cho ông nghe, nghe rồi quen. Ông đi rồi, chắc chẳng còn ai mở cải lương. Những âm điệu ngày xưa chỉ còn văng vẳng bổng trầm đãi đưa trong nỗi nhớ.

Vậy mà khi có world cup thì lại nhớ. Nhớ cái cách ông ngồi coi đá banh, lọt thỏm trong cái ghế bố. Coi một lúc ông càu nhàu, mấy thằng này đá tệ quá, thôi ông đi uống nước cho tụi nó ghi bàn. Mà cũng hễ cứ ông đi là lại hay có bàn thắng thật. Nó la om lên, ông vội vã bước (chứ có chạy được đâu, chân ông khập khiễng từ một tai nạn xe năm nó còn nhỏ) lên nhà, coi pha chiếu lại, xúyt xoa tiếc. Bây giờ, nó coi chung với bạn bè (coi chứ có biết gì đâu, lâu lắm rồi không để ý cầu thủ nào đội nào nữa), thèm được ngồi với ông, thèm được đi lấy nước cho ông, để ông được ngồi yên mà chờ bàn thắng. Cả đời ông chưa từng ngồi yên.

Vậy mà nhớ cả cái chuyện hồi xưa sáng sáng ông hay gọi nó dậy bằng cách đá vào ống quyển, đau điếng. Nó bò dậy, càu nhàu, hôm nào cũng càu nhàu, hôm nào cũng bị đá. Ông đá riết chân con bầm hết rồi nè. Chân nó bầm thiệt, lúc nào cũng đầy những dấu xanh xanh, nhưng là do nó bất cẩn thành tính, lúc nào cũng có thể va đập vào thứ gì đó được. Bây giờ, thèm được ông đá cho một cái, mạnh cỡ nào cũng được, mạnh tới nỗi đau trào nước mắt càng tốt. Thèm khóc từ cái ngày nghe tin ông ra đi.

Mà đã khóc rồi đó chứ. Bữa đó nó khóc ngay tại bàn, nước mắt rớt ướt cái bàn phím. Rồi nó trốn vào phòng học trống, khóc tiếp. Phòng học có một bên kính trong suốt, nhìn ra sân khấu ngòai trời, đẹp mênh mông, nó thường thích mở hết rèm hoặc ít nhất là một góc để nhìn ra ngòai ngắm cảnh. Lúc đó, nó kéo kín rèm, ngồi co mình sau cái bục giảng, trong bóng âm u, gào thét rấm rứt. Mọi thứ dường như đã vỡ tan ra hết trong lòng.

Mà sao nỗi nhớ, khóc mãi vẫn không vơi?

Mà hình như cũng có. Mỗi lần nó khóc được, hình như có một góc nỗi đau được định hình, được nằm yên ổn lại. Sự mất mát cứ lửng lơ, quẩn quanh như một đám mây xám. Không rõ ràng, có khi không nhớ đến, không nhìn thấy, rồi một lúc bất chợt bước chân lạc vào trong đó, thấy mình lại quẩn quanh trong nỗi tiếc nuối, lại hụt hẫng nhớ ra, giờ thì không còn làm được gì hết cho ông nữa rồi.

Đến một lúc nào đó, trở về, những cái cây ngòai sân ngày xưa ông tưới mỗi ngày, cái ấm nước mỗi sáng ông thức dậy nấu nước cho bà, cái ghế ông hay ngồi, cái góc tủ ngày xưa ông cất giấy tờ, ... chúng nó có còn nhớ ông?

Một lúc nào đó, trở về

mình có còn đủ nỗi nhớ để ngồi mở lại một bài vọng cổ?

0 comments: