Honey moon ký

Mới đọc cái bài "Lý do tui ghét VN" của một tay khách du lịch nước ngoài. He he, tới VN mà để du lịch thì không ghét cũng phí. Mình là người VN mà đi du lịch còn phát bực mình nữa là.

Kể sơ sơ cái tuần chăng mẹt của vịt và gấu cho bà con nghe chơi (Cũng để sau này có cái mà đọc lại).

Ghi chú là chuyến đi này vịt đã chuẩn bị rất kỹ từ trước, coi trên forum, hỏi bạn bè, lên lịch trình ...

Ngày 1: Hội An

Đi máy bay tới Đà Nẵng. Chuyến bay không có gì đáng nói ngoài chuyện mình ngồi cạnh một em bé khóc suốt chuyến đi. Tội nghiệp cô bé mẹ nó than thở "biết vậy cho nó đi xe lửa cho rồi". Mình cũng làm người tử tế, phụ lấy khăn cho nó, chơi ú à cho nó cười... Nhưng mà thiệt tình tới nơi bước ra khỏi máy bay thì thấy nhẹ hết cả người.

Tìm xe bus tới Hội An. Xe cũ chạy xóc tưng tưng, được cái giá rẻ. Tới nơi thì hai đứa cuốc bộ đến ks, bỏ mặc mấy ông xe ôm chạy theo năn nỉ. KS được quảng cáo là cách phố cổ 5 phút đi bộ. Tới nơi mới biết nó tính theo người khổng lồ đi bộ, hổng phải người thường.

KS nhỏ xíu nhưng cũng tiện nghi. Có cả hồ bơi tí hon nằm cạnh nhà hàng, mặc dù mình tự hỏi không biết có ai chịu bơi dưới cái hồ hông được sạch lắm đó cho mấy người đang ăn dòm hông. Mấy cô cậu tiếp tân lanh lẹ dễ thương. Mình đã đặt trước phòng có bồn tắm, tới nơi là nhào vô xả nước vô bồn, xong rồi đau xót thấy nước xả ra vàng vàng như canh hẹ.

Đi ăn trưa. Nghe nói món bánh bao bánh vạc nổi tiếng, hai đứa trực chỉ quán Hoa Hồng Trắng. Tới nơi thấy cái quán cũng rộng nhưng cũ cũ, vắng teo, hông thấy bảng giá. Nghĩ ngay lò chắc cũng hông mắc, nên gọi mỗi thứ một dĩa ăn chơi. Ăn thấy ngon, lại gọi thêm dĩa nữa. Tới lúc tính tiền 3 dĩa 95 ngàn, hai đứa bổ chửng, no luôn.

Mấy vụ tham quan shopping với chụp hình tí tởn thì thôi khỏi kể. Nói chung chỉ có một kinh nghiệm là nên để tiền lẻ trong người. Chả là đi ngang cây cầu bắc qua sông Hoài, dưới sông có mấy ông bà già dong thuyền mời khách. Mình thấy cũng tội tội, ghé lại hỏi ông cụ già râu tóc bạc phơ xem đi một chuyến bi nhiu. 50 ngàn thì hơi mắc, mà nghĩ đi nghĩ lại ăn một bữa trưa mất cả trăm ngàn, thà mất nửa số tiền đó cho ông cụ cũng tốt hơn. Thế là hai đứa leo lên thuyền. Sông nước bao la, vừa chèo thuyền phụ vừa hỏi chuyện, cụ kể gần 90 tuổi rồi, con cái đi kinh tế mới chả biết khi nào về thăm được, ông một mình nuôi bà. Về tới nơi, lục túi thì chỉ còn tờ 100 ngàn, đưa ra thì cụ nhe răng cười chắp tay vái vái "Ông cám ơn con". Thế là xong!

Hội An nói chung bé xíu và giống giống cái chợ Bến Thành, có điều dĩ nhiên đẹp hơn, xưa cũ hơn. Giống chợ BT ở chỗ toàn shop bán đồ lưu niệm cho Tây. Khách Tây khách ta cứ thế cuốc bộ long nhong, vừa đi vừa tránh sản phẩm của các em chó trên đường, ngó nghiêng ngó ngửa kiếm một góc không có dây điện mà chụp hình. Giá cả dĩ nhiên cũng rất Tây. Ở HA hai hôm, phát hiện ra bị chém là chuyện thường tình ở huyện.

Chiều đạp xe ra biển. Biển động khủng khiếp. Kế hoạch đi Cù Lao Chàm và tắm biển coi như đi tong. Nhưng được cái biển đẹp. Đứng trước biển, thấy đời dịu lại.

Tối, hai đứa đạp xe qua Cẩm Nam ăn bánh đập và hến xúc. Chui vào một con hẻm, đến một cái quán vắng teo trong một sân nhà cũ kỹ. Ui chu choa là ngon. Bánh tráng đập mỏng tanh, nước chấm đặc biệt, dĩa hến xúc đầy ắp. Mà lại rẻ. Ngồi trong cái sân kiểu quê quê mộc mạc, nhìn giàn hoa cát đằng, thấy dễ chịu vô cùng.

Xong về ăn cao lầu. Quán cao lầu do cụ già chèo thuyền chỉ cho, thấy có đề bảng chả nhớ là bao nhiêu năm kinh nghiệm. Quả nhiên cao lầu ngon cực. Xá xíu thơm phức, nước dùng rất tuyệt, bóng chiên và bột chiên giòn tan. Mấy ngày sau đó hai đứa cũng có ăn cao lầu trong ks, nhưng không bằng.

Ngày đầu tiên kết thúc không tệ.

Ngày 2: Du thuyền trên sông và món thịt heo bánh tráng

Sáng dậy ăn sáng. Bữa sáng free. Cái ks bé tí hóa ra dễ chịu cực kỳ, buổi sáng sân sau ks mát rượi trong lành, chim chóc véo von, ngồi ăn sáng quả là lạc thú.

8g, xe tới đưa đi thánh địa Mỹ Sơn. Hay là "My Son" - "con trai tui", như mấy ông Tây gọi.

Xe toàn Tây. Dòm tới dòm lui phát hiện có mấy người Việt. Chú hướng dẫn viên lanh lẹ, nói tiếng Anh tốt, miệng như tép nhảy, đi tới đâu giới thiệu tới đó nói chung cũng khá nhiệt tình. Rừng nguyên sinh đẹp tuyệt, đi xe jeep quá đã, khu thánh địa cổ xưa nhìn cũng hay hay. Nói chung hài lòng.

Tới lúc về...

Có 2 loại tour, tour đi về bằng xe và tour đi xe về thuyền. Hai đứa chọn thuyền, vì vẫn thích cái cảm giác lênh đênh trên sông. Với lại tour thuyền có kèm ăn trưa trên thuyền. Chênh lệch 2 $, mà vừa được đi thuyền vừa được ăn trưa, tính ra lời chán.

Lúc về, đoạn đầu về bằng xe, ngang đường xe dừng cho khách nào đi thuyền thì xuống bến sông.

Đi bộ một khúc xa dưới trời mưa lất phất, xuống tới một cái bãi cỏ lầy lội trơn trượt. Hai cái ghe bé tí cũ kỹ đang chờ. Ghe có mui, trong khoang có hai hàng ghế gỗ, ghế dài dài hẹp tí kê sát nhau. Sau lưng mỗi ghế có cái mặt bàn để lật lên làm bàn ăn, có điều ghế sát nhau quá, tội nghiệp mấy ông tây lúc muốn lật bàn lên chỉ có nước nhảy ra khỏi chỗ.

Dòm ra sau lưng, thấy người ta đang soạn thức ăn. Mỗi người một dĩa cơm trên có một chút cơm, mấy cọng rau, với 1-2 lát đậu hũ. Lát đậu hũ, tức là cái đậu hũ chiên ở nhà mình hay ăn, mang xắt lát, mỏng te tới nỗi một cái đậu hũ chắc chia đủ cho tất cả khách trên thuyền. Mỗi người được thêm một trái chuối be bé.

Nước thì có người mang đi bán, giá 10 ngàn một lon nước ngọt. Đợi khách mua nước xong một lát, họ mới lôi nước khoáng ra phát, hóa ra khẩu phần mỗi người được thêm chai nước khoáng, nhưng phải giấu đi chứ phát trước thì ai mà mua nước ngọt.

Nói chung, cái gọi là "đi thuyền tham quan trên sông" và "ăn trưa trên thuyền", nó như rứa!

Về tới HA là buổi trưa. Để an ủi cảm giác thất vọng, hai đứa rủ nhau đi Ngũ Hành Sơn và Đà Nẵng chơi.

Thuê một cái xe máy. Ra tới Ngũ Hành Sơn, khoảng 4g chiều. Cũng ráng lon ton leo lên núi. Phải nói chùa đẹp, núi đẹp, động đẹp như mơ. Có điều tối om, nếu không có cái đèn pin chị bán nước rong cho mượn chắc chả thấy gì. Trả đèn pin, cảm kích nên gọi hai trái dừa uống, gọi xong mới nhớ quên hỏi giá. Dĩ nhiên là hỡi ôi, bị chém còn đẹp hơn mấy cha đao phủ hồi xưa.

Lúc vào tham quan động, có một thằng bé đen đen ốm nhom cũng đi theo. Nó lanh lẹ chạy lên trước, thuyết minh hướng dẫn rất cụ thể. Lúc đi ra, cứ vừa đi vừa áy náy phải chi có quà gì cho nó. Chưa kịp áy náy xong thì nó bảo "anh chị có lòng cho xin ít tiền mua sách vở". He he, mình quên mất thời này lòng tốt lòng xấu gì cũng tính bằng tiền.

Chạy tiếp tới Đà Nẵng. 8g tối. Tìm ngay tới quán Trần, thấy cái biển quảng cáo "Đặc sản Đà Nẵng - bánh tráng cuốn thịt", mừng rỡ nhảy vào. Món thịt heo hai đầu da này trên forum được quảng cáo dữ dội, nên tự nghĩ không ăn thì phí nửa cuộc đời.

Gọi ra, ăn vô, thấy nửa cuộc đời thì chả phí, nhưng phí mất cả buổi tối rồi. Thịt heo xắt thành lát mỏng như giấy, không biết hấp hay luộc, mà nhạt thếch như giấy chả còn vị ngọt thơm gì hết. Thua xa món thịt heo luộc hay ăn ở nhà. Đúng là nó có hai đầu da thật, nhưng kèm với da còn có mỡ, mỡ dày cả khúc. Thì cứ lấy một miếng thịt heo thật to, xắt từ bên này sang bên kia là nó thành vậy chứ có gì lạ đâu!

Thất vọng, hai đứa lủi thủi chạy xe về. Đường xa, lạnh cóng, tội nghiệp gấu mèo về tới ks thì thành gấu đóng băng.

Ngày 3: Lăng Cô và KS Thành Nội

Hết thứ để chơi, hôm sau hai đứa đặt xe ra Huế.

Xe du lịch. Lịch trình là có ghé Lăng Cô. Cũng khá háo hức vụ này, vì nghe nói Lăng Cô đẹp tuyệt. Nếu xe mà không ghé LC, chắc chỉ có cách kiếm xe máy đi cho biết.

Xe chạy, chạy... và dừng lại, thông báo "Đã tới Lăng Cô, mời quý khách xuống xe nghỉ ngơi".

Nhảy xuống xe, một quán ăn xập xệ. Biển đâu?

Theo hướng người ta chỉ, băng qua một con hẻm nhỏ bên hông quán là tới biển. Ui da, đi qua con hẻm có mấy chục thước mà còn nguy hiểm hơn vượt Long Môn Trận. Khắp nơi nơi là sản phẩm của các em chó và bò.

Cắn răng vượt trận, ra tới đầu hẻm thì đứng lơ ngơ dòm bãi cát đen thui dơ hầy, có hàng cây lưa thưa, và suốt dọc bờ biển dĩ nhiên là ... Long Môn Trận tập 2. Thôi, ta về!

Cái quán thứ gì cũng mắc. Từ cây kem tới bịch bánh. Đành thất thểu leo trở lại lên xe.

Có một chuyện mình thấy rất kỳ cục, là đi du lịch VN đi tới đâu khách cũng được các dịch vụ chào mời rất dữ, nhưng khách hầu như không dám mua gì vì sợ bị chém. Nên mấy người bán hàng mời khan cổ cả buổi mới chém được một người. Tiền lời có khi không bằng một tiệm tạp hóa be bé bình thường. Vậy thôi ta cứ bán giá bình thường, treo giá đàng hoàng, khách mua ầm ầm, tiền thu vào đều đều có phải tốt hơn không?

Tới Huế là buổi trưa. Mưa rả rích. Huế mưa, phố buồn, có hai con dzịt với gấu dòm mưa mà rầu.

Đã đặt chỗ trước ở KS Thành Nội. Gấu thì thích ở thành Nam, hiện đại tiện lợi. Dzịt thích ở trong Đại Nội để hưởng không khí cổ xưa. Kết quả gấu chiều vịt.

Quầy tiếp tân chả có ai, trừ một ông Tây mặt mày buồn bã đang đứng chờ.

Chờ một lát, một cô cỡ băm mí, mặt mày một cục bước ra.

Cô dĩ nhiên không cười (trùi, ks nhà nước mà, muốn ta cười hả, mơ đi!). Thế là hai đứa mất quyền làm Thượng đế, tiu nghỉu nhận key bước vô một cái phòng bốc mùi ẩm mốc.

Phòng tối tối, có một cái đèn vàng vọt, trên giường có chăn chả biết có sạch không, nhưng cái mùi ẩm mốc và mấy cái gối loang lổ vàng ệch thì chắc chắc không lầm. Trong một phút, Vịt quyết định "mai mình qua ks khác".

Muốn qua ks khác thì phải kiếm lại cái địa chỉ. Vịt hăm hở bật laptop. Không có sóng.

Gọi tiếp tân, hóa ra ở đây mà muốn xài net thì phải ra sảnh trước quầy tiếp tân.

Quyết tâm chuyển ks càng lên cao vút.

Gọi điện đặt ks khác xong, tới màn đi chơi. Ra quầy hỏi thuê xe máy. E hèm, ks không cho thuê xe máy.

Thôi nhịn, ks nhà nước mà, có phải ks tư nhân đâu mà muốn cái gì cũng có như ks ở Hội An!

Ra cổng ks, các chú xe ôm chờ sẵn mời gọi. Nói chung, ngoài ks thì dịch vụ rất đầy đủ.

Đi ăn bánh bèo Huế. Đã có kinh nghiệm bên HA, nên đến quán, mặc dù cái quán nhìn rất xập xệ, mình cũng hỏi bảng giá. Trả lời là một nụ cười rất chi là ngọt ngào "Em cứ ăn đi, rẻ lắm, đừng lo!".

Kết quả là một cái bill tương đương bên Hoa Hồng Trắng, cho mấy cái bánh bèo bánh lọc bé tí. Ngon thì có ngon, đau thì vẫn đau, hic hic ...

Hai đứa chở nhau lên lăng. Ngang qua núi Ngự, dòm vô thấy toàn nghĩa trang. Qua đàn Nam Giao, nổi hứng ghé vào chơi.

Đàn Nam Giao, là một cái đàn có cầu thang đi lên, chung quanh có rừng cây...

Còn có gì nữa?

Không, chả có gì nữa hết!

Di tích lịch sử chỉ là một cái đàn (giống như cái sân khấu á!) trống huơ trống hoác. Rêu mọc xanh rì. Trời mưa nước long tong.

Tội nghiệp bác lính trực cửa, cả ngày canh giữ cái đàn trống không, chắc là chán ốm.

Hai đứa loanh quanh chút rồi ra cửa, bác hỏi "đi coi cái bức tường chưa?"

Hai đứa dòm nhau, hình như mình sót cái gì đó.

Hóa ra, tít trong cùng của đàn Nam giao, băng qua rừng thông to lẫn thông bé, là một cái nhà triển lãm, hồi xưa là nơi vua nghỉ khi tới đây làm lễ.

Lóc cóc chui vào, đường đi thì trơn trượt khỏi nói, chắc để bảo tồn di tích nên người ta hông thèm đắp một lối đi vào nhà triển lãm. Khách muốn tham quan thì tự theo lối mòn lầy lội trên cỏ mà đi.

Vừa đi vừa thương ông vua, hồi xua ổng giàu vậy sao không làm cái đường ngon ngon mà đi cho sướng, chịu khổ chịu cực vầy nè? Xong mới nhớ ra, hồi xưa ổng đi đâu chả có người vác!

Mấy ông lớn, căn bản không cần quan tâm tới đường sá lầy lội hay không. Mấy ổng có nhúng chân xuống đâu!

Vào coi hình chụp với hình vẽ trong nhà triển lãm, mới thấy đàn Nam giao hồi xưa không có trống huơ hoác như vầy. Cũng có tầng này tầng nọ, gác nọ gian kia. Còn vì sao nó trống, hay vì sao nó không được trùng tu, thì chịu.

Ngày 4: Đại Nội và chùa Huyền Không

Sáng thức dậy, đi ăn sáng.

Nghe nói trong thành nội ăn sáng rất ngon. Hai đứa đi lòng vòng kiếm quán bánh canh được giới thiệu trên forum, rốt cuộc thấy một khu có mấy hàng ăn chung một chỗ giống như cái góc ăn uống ở chợ. Khách ngồi khá đông. Vào đại hàng đầu tiên, không phải bánh canh mà là bún bò Huế. Chặc lưỡi ăn đại.

Quên kể là tối hôm trước đã đi ăn bún bò và ăn khá ngon. Nước nấu ngọt, và tô bún đầy đặn. Bún bò Huế có cả chả cua thả trong nước, giống giống giò sống trong bún mọc nhưng có mùi cua, và đặc biệt một điều cái cây chả ở SG gọi là "chả Huế" thì ở Huế hoàn toàn không thấy.

Tô bún buổi sáng không ngon bằng bún buổi tối, và đầy nhóc bột ngọt. Qua mấy ngày thì thấy ở Huế, đi ăn bún hoặc mấy món nước nguy cơ bị đầu độc bằng bột ngọt khá cao, trừ một số hàng đặc biệt như hàng bún buổi tối đầu tiên hai đứa ăn. Ăn sáng xong, mới phát hiện khách ăn thì đông, nhưng toàn ngồi ở hàng cơm hến bên cạnh. Bánh canh thì ở trong góc. Còn có bánh mì thịt nướng, ổ bé tí bằng hai ngón tay, mùi thịt rất thơm. Mua thử một cái, giá 2 ngàn hay 3 ngàn gì đó chẳng nhớ. Nói chung là rẻ, mà ngon tuyệt vời.

Sau này, món ăn mà hai đứa nhớ nhất không phải là mấy món Huế truyền thống, mà là món bánh mì thịt nướng nhỏ xíu, thơm phức, giòn tan, chan nước thịt chứ không phải nước tương, có ngò thơm thơm.

Ăn xong đi tham quan Đại Nội. Vất vả cuốc bộ đến cái cửa sau thì họ bảo phải lên cửa chính mới được vào. Đi ra, một chú xích lô mời chào. Hai đứa to đùng ngồi lên cái xích lô bé tí, được cái phố xá Thành nội mát mẻ dễ chịu, nhìn quanh rêu phong cổ xưa, trên đầu lá me xanh xanh... Cảm giác thật tuyệt.

Mấy cái xích lô ở Huế đều có nệm nhung đỏ, có chữ song hỷ (mình cũng biết họ để chữ lên nhìn cho nó sang sang, đẹp đẹp, có điều chữ song hỷ thì hơi giống xe rước dâu hehe). Huế mưa dầm mưa dề, nệm đẹp có nguy cơ ướt mèm, mấy chú xích lô toàn mang nệm cột ra sau lưng xe, khi nào mời mọc khách mới lôi ra để làm dáng.

Vào Đại nội đi tham quan. Cũng có một chương trình du lịch trong đó có mục tham quan đại nội trong 2h. Trời ạ, 2 đứa mất hết cả buổi sáng đến quá trưa mới tạm coi là đi gần hết đại nội. Đi trong 2h có mà đi bằng tên lửa.

Hai đứa tung tăng reo hò "các cung phi, ta đến đây!".

Có cũ xưa, có trùng tu... Có màn mặc áo hát tuồng đóng vua với hoàng hậu để chụp hình... Nói chung so với cung điện ở Hàn thì cũng khá đẹp. Đi tới mấy chỗ có đề bảng "Trùng tu nhờ viện trợ không hoàn lại của ...", thấy chán ngán sự đời. Di tích là di tích của nước mình, thu thuế của dân cho lắm rồi mà phải ngồi chờ có viện trợ không hoàn lại của nước ngoài mới chịu trùng tu. Chả khác nào mời khách vào nhà rồi giới thiệu "cái ghế này của ông X cho, cái bàn kia của ông Y cho...".

Góc cuối của Đại nội có cái hồ rộng mênh mông. Hoa lan hoàng hậu rụng tím mặt hồ. Gió thổi gờn gợn nước. Cảnh đẹp như tranh, mà khách thì ít ghé thăm. Cũng tại chung quanh thì hoang sơ và không được chăm chút mấy. Tự an ủi là do mấy ổng cố tình để vậy cho nó có vẻ rêu phong giống hồi xưa. Nói gì thì nói, hồi xưa vua ra đây mà rêu phong đổ nát vậy chắc ổng lôi ra chém hết. Nghĩ đi nghĩ lại, cũng đúng, hồi xưa đụng cái là bị chém, chứ bi giờ có ai chém đâu mà không bỏ mặc cho khỏe.

Xong đại nội, hai đứa chuyển ks. Lúc check out, cậu tiếp tân cười hỏi sao lại check out, hai đứa dòm nhau cười. Gấu nói, cô hôm qua mà chịu cười như cậu này, chắc đâu tới mức mình dội ra ngay lập tức.

KS mới nằm ngay giữa thành Nam, ngay góc đường khá tiện lợi. Vừa vào đã thấy cô bé tiếp tân cười tươi rói, đón tiếp ngọt như mía lùi. Tư nhân vẫn khác.

Buổi chiều, hai đứa thuê xe lên chùa Huyền Không Sơn Thượng.

Đường lên xa lắc, may giữa đường gặp một nhóm trẻ cũng lên chùa, thế là chạy theo. Đoạn gần lên chùa lầy ơi là lầy, đất đỏ nhão nhoẹt, bùn sình lung tung, vịt ngồi sau cứ la toáng lên "trời phật phù hộ, con có mỗi đôi dép này thôi, xin đừng để con lọt sình...".

May quá, cuối cùng cũng lên tới chùa.

Chùa nằm trên núi, đón gió ngàn phương...

Ấn tượng đầu tiên là ... không đẹp. Chắc do ở SG, quen đi mấy cái quán cafe sân vườn, với mấy khu du lịch, nên chỉ thấy sân chùa giống như một cái vườn cảnh nho nhỏ không được chăm sóc mấy. Dòng suối nhân tạo lờ đờ. Lá cây heo héo. Đá sỏi lô nhô.

Mấy cô cậu trẻ người Huế thì nhảy tưng lên mà khen đẹp, rồi kéo nhau đi chụp hình.

Mang một bụng thất vọng, hai đứa đi dần vào trong. Chợt thấy một cái cổng gỗ, hai bên có hai câu đối.

Góc này mới đúng là đẹp. Đẹp và thanh tịnh khủng khiếp.

Ngay gần cửa, có một cái biển "Cám ơn quý khách đã đến, đi đứng và nói cười trong tĩnh lặng".

Vào đây rồi, mới biết nói cười trong tĩnh lặng là cái gì.
Đi vào, tự mình trở nên rón rén, chỉ dám nói thì thào, đến thở mạnh cũng không dám.

Khóm trúc xanh lao xao. Những bông hải đường lặng lẽ. Những góc am khuất sau cây cỏ.

Ngay cả mấy con chó cũng im lặng ngủ, hoặc im lặng nhìn khách, không sủa, không biểu tình gì.

Khắp nơi là thơ, dưới thơ có chữ ký của hòa thượng trụ trì. Trụ trì chùa này có vẻ thích thơ khủng khiếp. Những bảng thông báo "xin đừng làm ồn", "Đây là nhà bếp xin dừng bước" đều được chuyển thành thơ hết cả.

Loanh quanh một lúc, tuy đã im bặt và đi rón rén, vẫn có cảm giác chính sự hiện diện của mình khuấy động không gian thanh tịnh của nhà chùa, đành đi ngược trở ra.

Ấn tượng hay nhất về chùa là cái ... toalet.

Chả là vịt lôi chè ra ăn, rồi bị dơ tay, phải chạy đi rửa.

Chuẩn bị trước tinh thần giống như trước khi bước vào bất cứ toalet công cộng nào ở VN, xong tới khi bước vào, thấy ... phê.

Toalet nhà chùa, dĩ nhiên không phải là nền gạch men bàn kính. Cũng nhỏ xíu, nền xi măng, vách gỗ, cửa tôn, xô nước, ca nhựa ... y như bất cứ cái toalet nhà quê nào mình hay thấy.

Nhưng thứ nhất là nó sạch tưng, nước trong văn vắt và mát lạnh. Thứ hai là nó thơm.

Mấy cái toalet bên Hàn cũng thơm. Nhưng cái toalet chùa nó thơm một cách thanh khiết và dễ chịu lạ lùng. Chả biết mấy sư thầy xài loại nước Con Vịt gì, hay do giữ sạch rồi do chung quanh là hoa cỏ núi rừng mà nó thành ra thế.

Đi về, cái bảng chào tạm biệt cũng là một câu thơ.

Ngày 5: sông Hương nước chảy, thuyền trôi lững lờ...

Mặc dù đã bị một chuyến "du thuyền trên sông" làm cho hoảng sợ rồi, hai đứa vẫn quyết định đăng ký một chuyến du lịch Huế bằng thuyền.

Trước khi đi, mấy người trên forum đã nhiệt tình khuyên vịt đăng ký một tour du lịch thuyền. Tới sông Hương mà chưa đi thuyền thì tiếc đứt ruột. Thêm nữa giá tour này cũng rẻ, 4$, cũng có "ăn trưa", còn đi thăm khá nhiều nơi. Tính tới tính lui, thuê một cái xe máy đi thăm bấy nhiêu nơi cũng tốn cả trăm ngàn một ngày rồi. Cứ cho là họ cho mình ăn một dĩa bèo nhèo như lần trước, thì thêm cái vụ hướng dẫn viên cũng đủ bù vốn.

Sáng dậy, hai đứa gọi điện xuống tiếp tân "khi nào xe tới đón thì em gọi bọn chị nhé!"

Đúng giờ, tiếp tân gọi điện kiu xuống.

Cô tiếp tân chỉ chỉ một cô khác, kiu "anh chị đi theo em này".

Vịt với gấu cộng với hai bà Tây lẽo đẽo theo sau cô đó. Tưởng là đi ra xe, ai dè là cuốc bộ ra luôn tới bến thuyền.

Hai bà Tây chỉ cô phía trước, hỏi hai đứa VN "Đây là 'xe' của tụi mình đó hả?"

Hai đứa bất đắc dĩ gật đầu.

Thế là hai bà bắt đầu than phiền "Vậy mà tụi nó bảo là có xe tới đón".

Hai đứa gật đầu rất chi là đồng tình. Hai bà còn chua thêm "biết vậy tụi tui mua vé trực tiếp dưới bến, có 2$". Làm mình cũng tiếc đứt ruột.

Lên thuyền. Thuyền là 2 cái ghe ghép lại làm 1 bằng một sàn phẳng, khá rộng, có cửa trượt chung quanh, có lan can phía trước, lại có trang trí 2 cái đầu rồng đằng mũi, đuôi rồng phía sau... Có cả hai chậu kiểng héo queo không có lá. Túm lại nhìn khá hoành tráng. Bàn là bàn nhôm tròn, ghế nhựa có lưng tựa, cũng không tới nỗi tệ.

Nhà thuyền thu vé. Hai bà Tây đưa xong rồi hoảng hốt gọi mình:

"Sao họ check vé rùi hông trả lại cho tui? Lỡ lát về họ không cho lên thuyền tui biết làm sao?"

Hỏi lại nhà thuyền, họ bảo cứ yên tâm, đâu lại có chuyện không cho khách lên thuyền về. Trấn an mãi, mấy bà Tây vẫn không thể yên tâm. Nhất mực "Tụi tao không tin nổi họ". Coi bộ, hai bà này có nhiều kinh nghiệm đau thương.

Phải tới lúc mình bảo "thui thì cứ đi theo tui, có gì tui chịu trách nhiệm, hai bà mới yên tâm phần nào.

Cũng phải nói, lấy tiền của người ta, in thêm cái cùi vé mà cũng tiếc. Thiệt tình!

Thuyền bắt đầu trôi. Gió sông lạnh lạnh. Nước chảy lững lờ. Nói chung cảm giác cũng không tệ.

Hai bà Canada bắt đầu than thở chuyện hai bả cảm thấy du lịch VN kinh khủng thế nào. Bị chặt chém, bị lừa gạt, bị không trả lại tiền dư, blah blah blah.

Hai đứa dòm nhau "mình còn bị nói chi mấy bả".

Đi một hồi khá lâu, tới chùa Thiên Mụ, rồi tới điện Hòn Chén, rồi tới lăng Tự Đức.

Lúc này mới ló ra một ông hướng dẫn viên, chả là từ đầu tới giờ ổng im re ngồi chơi mặc dù đã du lịch qua hết mấy điểm. Ổng kiu, quý vị lên đón xe ôm vô lăng hen.

Cái vụ xe ôm này ngoài chương trình à nha! Mà ai biết được bị chặt cỡ nào đây?

Thời gian tổng cộng cho cái lăng là 1 tiếng 15 phút.

Lên bến. Cả một đoàn xe ôm đang hớn hở mời chào đầy vẻ "gà béo đến rồi!".

Không khoái làm gà béo, nên vịt với gấu bàn nhau đi bộ vô lăng coi thử bao xa. Có mấy ông bà Tây cũng chọn cách đó. Số còn lại thì nhắm mắt lên xe.

Đi tới lăng mất khoảng 20 phút. Vịt dòm đồng hồ. Rồi nhìn bảng thông báo diện tích lăng.

Đại nội mà đi hết buổi sáng, cái lăng này đi nửa tiếng sao hết hả trời.

Giờ mà vào chỉ phí tiền vé. Vịt với gấu kéo nhau đi uống nước mía.

Đối diện lăng, cả một dãy mái tranh bán đồ lưu niệm với nước mía nước ngọt.

Đi tới tận quán cuối cùng, có mấy cái võng. Vịt với gấu nhào vô ngồi võng với gọi nước.

Cô bán hàng chạy mất. Khá lâu sau mới mang nước tới. Chắc ở đây sản xuất nước mía theo kiểu dây chuyền, tức là có một tiệm ép mía, xong chuyền cho mấy tiệm khác bán.

Ngồi ngoài lăng, nghĩ biết vậy mình tự kiếm xe đi sướng hơn. Nhưng nói gì thì nói, đi thuyền cũng hay hay, ngồi đây gió mát cũng sướng sướng (tự an ủi kiểu AQ).

Gần tới giờ, hai đứa lại đi bộ về. Coi như ngắm cảnh.

Lên thuyền, tới giờ ăn.

Người ta đang chuẩn bị đồ ăn. Đĩa với chén để ngổn ngang trên sàn thuyền. Rất chi là gần cái phòng mà ai cũng biết là phòng gì.

Nước non để làm vệ sinh đều múc từ sông lên. Mà vịt dòm xuống cái mặt nước chỗ người ta múc thì ... hỡi ôi, tùm lum cái lênh đênh ... Cả cái có sẵn dưới sông với cái trên thuyền thải xuống.

Bữa cơm cuối cùng cũng được dọn ra. Trước bữa cơm, họ có đưa ra một cái thực đơn kiu thêm, ai muốn ăn thêm ngoài cái cơm và giá xào đậu hũ basic thì kiu. Hai đứa kiên quyết không kiu. Gì thì cơm rau giá xào với hai cọng đậu hũ ta cũng đã ăn rồi, cho qua bữa vậy. Có tốn tiền cũng sẽ không tốn cho mấy người này (ghét, hehe).

Tới lúc dọn cơm, bàn của vịt khoảng 10 người, chả biết vô tình hay seo mà tập hợp toàn mấy người không gọi thêm món.

Tới lúc này, mới biết lần trước được cho ăn vậy là tử tế lắm.

Cơm dọn ra, có khoảng một tô cơm trắng be bé cho mỗi 5 người ăn, một dĩa giá xào cỡ hai gắp cũng cho mỗi 5 người ăn, và một dĩa đậu hũ khoảng vài lát cũng cho 5 người ăn.

Tính ra, mỗi người có thể ăn lưng chén cơm, gắp vài cọng giá với một lát đậu hũ. Lát chứ hông được miếng đâu nha, tức là một mẩu mong mỏng dài hơn đốt ngón tay á. Chưa đầy một miếng cắn.

Mấy người Tây dòm nhau.

Chửi thì chửi, ăn thì vẫn cứ phải ăn. Ăn theo kiểu dòm nhau mà gắp. Như vịt còn cảm thấy như muối bỏ bể, dân Tây ai nấy cao to, nhìn bữa ăn mà ngao ngán lòng.

Ăn xong, hai đứa lôi chuối mang theo ra chia cho mấy bà Tây vẫn còn đang đói meo đói mốc. Xong rồi ai nấy ngán ngẩm nhìn nước trôi.

Phải chi, một chuyến du lịch thuyền chỉ đến khoảng 2 lăng với 1-2 chỗ phụ, cho người ta nhiều thời gian tham quan một tí. Ôm đồm chi cho nhiều rồi thời gian chia ra có tí tẹo.

Phải chi, thu thêm tí tiền, làm bữa ăn cho đàng hoàng tí. Chỉ cần giống dĩa cơm bụi 15 ngàn là cũng khá rồi.

Phải chi, nói trước với người ta vụ đi xe ôm tới lăng, cho người ta dễ lựa chọn, hoặc là tổ chức xe đưa đón.

Phải chi cái ông hướng dẫn chịu khó làm gì đó ngoài chuyện thông báo "quý khách có xx phút để tự do tham quan".

Phải chi vân vân và vân vân. Nhưng phải chi tốt hơn thì chắc khách tưởng mình đang du lịch Thái Lan hay nước nào có ngành du lịch đàng hoàng khác, hổng phải VN.

Nói chung, sau khi đi cái lăng Minh Mạng, thì muốn về lắm rồi. Nhưng mà vẫn còn phải chờ cho tới thêm một cái lăng Khải Định nữa (cái này được có 45 phút tham quan, cũng phải đi xe ôm, nên hai đứa ngồi luôn dưới thuyền cho khỏe). Rồi thì thuyền quay về.

Sông Hương nước chảy, thuyền trôi lững lờ.

Lững lờ, lững lờ... khách ngồi ngó sông khách chờ. Dòm qua dòm lại toàn những khuôn mặt mệt mỏi và đói khát.

Mất khoảng hai tiếng lững lờ thì về tới nơi. Bước lên bờ mừng muốn khóc.

Lần sau tới sông Hương, em xin kiếu vụ thuyền bè.

Ngày 6: Nghệ thuật miểng chén

Hôm sau trời mưa, nhưng hai đứa kiên quyết đi chơi lăng Khải Định, bù lỗ hôm trước chưa đi.

Trước khi đi, ghé Đại Nội ăn sáng. Hôm nay đã có kinh nghiệm nên tới là nhào vô hàng bánh canh, bỏ qua cái hàng bún bò đầy bột ngọt.

Bánh canh cũng có chả cua. Nói chung, hình như món gì có nước ở Huế cũng có chả cua.

Ăn cũng kha khá. Ăn xong, dòm hàng cơm hến thấy thèm. Gọi luôn bún hến.

Ở Huế, nơi nơi đều thấy hến. Phải công nhận cơm/bún/mì hến ngon. Mặn mặn, bùi bùi, thơm thơm. Khoái nhất là nó có tí xíu, một dúm cơm hoặc bún hoặc mì, một dúm hến, một dúm rau, mấy cái bóng chiên, thêm bà rằng hành phi với đậu phọng, nước mắm... Cỡ gấu mèo ăn chục tô cũng không no. (vịt khoái vì tha hồ ăn nhiều mà không sợ mập).

Gom hết hến trong 100 tô cơm hến ở Huế, chắc mới bằng dĩa hến xào Cẩm Nam. Mà cũng đúng thôi, Huế người ta bán cơm hến nhiều vậy, nếu mỗi tô bỏ nhiêu đó hến, chắc hàng ngày phải có mấy mươi xe tải chở hến mới đủ cung cấp.

Ăn xong đứng dậy tính tiền. Ui rẻ rẻ. Bún hến 2 ngàn, bánh canh 5 ngàn.

Mua thêm bánh mì thịt nướng mang theo, thế là veo veo trực chỉ lăng Khải Định.

Lăng đẹp. Kiến trúc kiểu Pháp, đưa máy lên chụp cứ thấy giống giống như chụp cảnh Paris. Khác cái tường cột cổng đều đen thui, chắc mưa với ẩm ghê quá nên không trắng nổi.

Kiến trúc bên trong lăng Khải Định ấn tượng vô cùng. Tường trần đắp phù điêu bằng mảnh sành, mảnh chai. Nhìn phê khủng khiếp. Chi tiết, sáng tạo, nghệ thuật, chăm chút. Từ những cánh hoa cúc làm bằng mảnh chén mà dài mảnh uốn cong rất đúng kiểu, tới những mắt cây bằng đáy chai, lá trúc bằng mảnh chai xanh dài, lá liễu phất phơ, chim chóc, ... màu phối cũng rất đẹp. Tưởng tượng chỉ cần một chiếc lá một cánh hoa một mắt cây cũng tốn của nghệ nhân rất nhiều công sức lựa chọn nguyên liệu, cắt gọt sao cho đúng màu đúng dáng.

Dòm đã mắt, hai đứa lôi bánh mì ra nhem nhem ông Khải Định. Rồi đội mưa về.

Vì Huế hầu như chả còn gì để chơi, nên chiều hôm đó hai đứa mua vé xe du lịch ra Quảng Bình. Mai sẽ đi Phong Nha.

Vé xe ghi 5g. Tới đúng giờ ngồi trên xe chờ tới khoảng hơn 6g thì xe chạy.

Lâu lâu ghé đón khách, lâu lâu chờ, lâu lâu ghé quán ăn... Tới khuya thì xe đến Quảng Bình.

Ông khách trên xe chỉ cho một cái ks bên kia đường.

Chui vô ks. Ks to đùng, nhưng xập xệ. Giường chiếu rèm cửa màu mè và có vẻ thiếu giặt. Nhà tắm không có nước nóng. Gọi điện kiu đổi phòng thì anh tiếp tân chạy lên bắc ghế chọt chọt cái máy. Thế là có nước, nhưng tới khi nó hết nóng sẽ lại phải kiu ảnh chọt chọt.

Quảng cáo là có wifi. Detect thì không thấy. Gọi điện thì được bật cho một cái wifi connect xong lại dis. Thôi kệ, có chỗ ngủ là may rồi.

Ngày 7: cá chình Phong Nha

Hôm sau, thuê được cái xe máy giá cắt cổ (giá thuê xe máy ở HA là rẻ nhất, ra Huế đắt hơn, ra đây thì ....), hai đứa vi vu ra Phong Nha.

Đường Hồ Chí Minh chạy khá ngon. Rất chi là nhiều cầu với những cái tên rất chi là kêu "Dũng cảm", "Quyết tiến"... và cả những cái tên rất chi là basic "Đá đỏ", "Đá đen"...

Tới PN, hai đứa reo hò hú hét. Chụp hình chụp ảnh, rồi chạy vô hỏi làm sao đi tham quan động. Người ta chỉ cho vào mua vé.

Vé tham quan mua riêng, tàu thuê riêng.

Vụ tàu này thì giống như lúc đi Hạ Long, tức là dù đoàn ít hay nhiều khách, cũng phải thuê cả cái thuyền giá 200 ngàn.

Giống luôn ở chỗ, họ nhìn mấy thằng khách rủ rê người khác ghép đoàn như mình bằng cặp mắt không lấy gì làm vui vẻ.

Có một đoàn khách Pháp 4 người hết sức hạnh phúc khi hai đứa rủ ghép đoàn, và giải thích số tiền phải đóng, đồng thời hứa kiêm luôn phiên dịch vì ở đây hông có hướng dẫn viên tiếng Anh.

Họ vui vẻ đưa tiền, ra hiệu cho hai đứa giữ luôn số tiền dư, còn hai đứa kiên quyết trả lại. (hehe, có mười mấy ngàn, tội gì làm mất thể diện. Đưa ta cỡ ngàn đô coi ta có lấy hông).

Sông Son nước xanh ngăn ngắt, đẹp hơn sông Hương một mớ lần. Bóng núi bềnh bồng, thuyền độc mộc nho nhỏ, cảm giác ngồi trên thuyền thiệt đã.

Động Phong Nha thì đẹp khỏi nói. Vịt với gấu cũng ráng moi hết vốn tiếng Anh củ chuối ra để dịch lại cho mấy người Pháp, một cô Pháp lại dịch sang tiếng Pháp cho mấy người còn lại hiểu.

Đoàn này gồm hai cặp vợ chồng, cặp ba mẹ với cặp con, có vẻ rất vui vẻ và lịch sự. Mà nói chung, lịch sự là đặc tính chung của dân Tây. Mình từng biết một ông Tây ghét người Hàn rất ghê, tính cũng rất cực đoan, nhưng tiếp xúc với ổng lại dễ chịu vô cùng. Dù sao, lịch sự là một điểm tốt.

Màn đi tham quan động chắc khỏi kể. Động thì nước róc rách, thạch nhũ được chiếu đèn với thuyết minh đủ kiểu. Nói chung là khá hấp dẫn, hơn đứt mấy cái động bên Hàn.

Thấy tội chị hướng dẫn viên, tên Hà, nói chuyện hơi hơi cách mạng tí, nhưng cũng rất nhiệt tình. Đi mệt bở hơi tai mà vẫn vui vẻ. Lâu lâu đề nghị chụp hình giúp khách. Chị kể lương tháng tính ra có mấy chục ngàn một ngày, trừ tiền xăng thì chả còn được bao nhiêu. Mà nhà chị ở QB, cứ sáng chạy xe lên chiều về.

Mình thấy chị có vẻ hiền lành, bèn hỏi thăm thử coi ở đây nên ăn gì thì ngon.

Chị khuyên ăn thử cá chình.

Lúc đi ra, chị giới thiệu luôn cả chủ quán cho hai đứa. Một cô đưng đứng tuổi. Cái quán thì là một trong dãy quán ngay trước cửa khu du lịch.

Hai đứa định rủ mấy người khách Pháp đi ăn chung luôn cho vui, cho họ biết đặc sản VN. Nhưng ông taxi do ks kiu chở họ tới kiên quyết cản, lấy lý do là ks đã dặn đừng cho họ ăn lung tung kẻo đau bụng, nên cuối cùng mặc dù mấy người Pháp rất muốn ăn thử, nhưng hai đứa khuyên họ nên về.

Theo cô chủ quán (nãy giờ vẫn đứng bên dụ khị), bước vào cái quán vắng tanh, giở bảng thực đơn, té ngửa.

Món cá chình, giá chót 150 ngàn.

Mấy món khác chém tương tự.

Đau lòng xót dạ. Mà lỡ vào quán rồi, đành cắn răng gọi một dĩa cá chình loại 150 ngàn với một tô canh rau 20 ngàn.

Ngồi chờ cả tiếng, nhìn xuống bếp thấy cô chăm chỉ chặt chặt nấu nấu.

Cơm dọn ra, nhìn khá ngon. Cơm trắng, canh ranh má thơm thơm, dĩa cá chình xào nghệ với chuối chát nhìn đầy đặn chứ không loe ngoe mấy miếng như mình sợ. Có dĩa rau má sống, hỏi trước hông có tính tiền mới dám ăn. Hai đứa ăn rồi gật gù, hơi mắc nhưng ngon, thôi kệ ăn cho biết.

Ăn xong, kiu tính tiền, mà cô chủ quán đi đâu mất rồi. (Chắc đi kiếm thêm mấy con gà béo khác).

Lại phải chờ. Chờ một lát, cô lon ton chạy về. Hai đứa rút 170 ngàn ra trả.

Cô nói hông, tổng cộng 220 ngàn.

Cái ... cái gì? Tui gọi dĩa cá 150 ngàn mà.

Cô tỉnh bơ biểu, tại hai em gọi ít đồ ăn quá nên chị làm dĩa cá 200 ngàn.

Tức muốn nghẹn họng. Cũng thấy nhiều kiểu làm tiền rồi, nhưng chưa thấy kiểu nào trắng trợn và bần tiện như vầy.

Giờ mới biết tại sao ông taxi hồi nãy cản mấy người khách Pháp đi ăn. Mà cũng may ổng cản được họ.

Giờ mới biết tại sao cả dãy tiệm ăn vắng hoe như chùa bà đanh.

Theo kế hoạch, sau khi đi Phong Nha hai đứa sẽ về Quảng Bình đi ra biển chơi, ăn thử món cháo cá cũng nổi tiếng. Nhưng sau cú chém quá đau này thì thấy mất hết hứng thú và bắt đầu nhớ mấy tô cơm hến với bánh mì rẻ mà ngon ở Huế. Cũng không còn muốn quay về cái ks bèo nhèo đó nữa. Vịt đòi về Huế.

Gấu chiều vịt, về tới Quảng Bình ghé ngang bến hỏi xe về Huế. Chuyến cuối vừa chạy ít phút. Họ bảo lên cầu Lớn chắc còn bắt kịp.

Hai đứa còn chưa trả phòng, chưa chuẩn bị hành lý gì cả, nên cũng không muốn rượt theo cái xe đó làm gì. Theo kế hoạch, sáng mai lên xe về Huế, trưa đi shopping, chiều 5g lên máy bay về TP.

Gấu bảo hay mình mua vé trước. Vịt cũng tính vậy, mà vô dòm giờ xe thấy nhiều quá nên nói thôi, sáng mai mình muốn mua lúc nào chả có vé.

Hai đứa về ks. Đi được một tí, vịt nói hay mình ra cầu Lớn ngó thử.

Chỉ tính ngó thử coi trong trường hợp mai ngủ dậy trễ, thì rượt theo xe thế nào thôi.

Ra cầu, xe thì đã đi rồi.

Tính về, thì thấy một cái xe khác đang chờ khách.

Ghé ngang hỏi, họ nói còn chờ khoảng một tiếng nữa. Thế là hai đứa a lê hấp chạy về ks trả phòng, dọn dẹp cấp tốc, rồi quay lại đón xe.

Leo lên xe, bị nhét như heo đóng hộp. Xong xe chạy. Ui chao là cảm giác mạnh. Còn hơn đi Everland leo lên cái roller coaster.

Đường nho nhỏ, xe chạy ngược chiều liên tục, bác tài lạng lách vượt đầu xe vượt tuyến rất chi là điệu nghệ.

Kết quả: xe về tới Huế nhanh hơn lần trước đi từ Huế ra QB cả một tiếng rưỡi, và trên đường đi nhìn thấy tới 4 cái tai nạn xe.

Ngày 8: Món quà cuối cùng của JetStar

Nói về Jetstar, thì phải giải thích một tí.

Tình hình là hai đứa đám cưới mà chưa được chính quyền cho phép, vì khi đi đăng ký kết hôn, chỉ có cái giấy chứng nhận độc thân mà nó hẹn ... ngay đúng ngày cưới.

Cưới xong thì bay đi honey moon. Ngày về cách ngày bay qua Hàn 6 ngày, mà
đăng ký kết hôn thì phải 1 tuần mới có kết quả.

Cho nên vịt với gấu đã thử đến đại lý Jetstar để đổi vé. Sau khi tính
toán, cô nhân viên kết luận nếu hai đứa muốn đổi vé chuyến về thì phải trả
thêm khoảng 1tr. Trong khi tổng cộng tiền vé cả đi lẫn về có 2tr.

Kết quả, 2 đứa trùm sò không đổi vé, mà giữ đúng kế hoạch bay từ Huế về
SG vào 5g chiều thứ 2. Vậy nên mới có vụ dư thời gian ra Phong Nha chơi.

Lẽ ra, sáng thứ hai hai đứa sẽ đi chơi bời và shopping, chiều 3g trả phòng kiếm xe ra sân bay. Nhưng sáng hôm đó, gấu mèo trên đường đi mua bánh mì tự nhiên thấy cái đại lý Jetstar, bèn nhân tiện quẹo vô hỏi giá xe ra sân bay.

Nhân viên ở đó nghe gấu nói chiều bay, tròn xoe mắt "Làm gì có chuyến bay buổi chiều?"

Hóa ra từ lâu giờ bay đã được đổi lại, tất cả đều là chuyến bay buổi sáng. Vậy mà không nghe bên Jetstar thông báo gì.

Thế là gấu cấp tốc chạy về ks. Bên đại lý cũng cấp tốc điều một xe taxi tới. Dọn dẹp trong vòng 5 phút, hai đứa lao lên taxi, xe chạy cấp tốc ra sân bay.

Sau một ít màn đau tim thì may quá, đến nơi vừa kịp.

Kết quả là hai đứa không cần đổi vé cũng được về sớm nửa buổi để kịp đi đăng ký kết hôn. Mãi sau đó nghĩ lại vẫn còn thấy may mắn. Có khi cũng phải cám ơn cái dĩa cá chình bị chặt đẹp ở Phong Nha. Nếu không bị chặt đẹp, chắc hai đứa không tới nỗi mất hứng mà quay lại Huế ngay tối hôm đó.


1 comments:

Vi said...

Anh, đọc xong cái chương Honey Moon Ký của Anh mà em cảm thấy thông cảm cho hai người ghê! Nhưng mà nhờ vậy nên mới có chuyến đi đáng nhớ hen. Có nhiều chuyện để kể lại cho bà con nghe chứ, càng có nhiều kịch tính thì càng lôi cuốn hehe...Nghĩ lại em cũng may mắn là trước khi sang đây em và mẹ đi du hý một chuyến từ Nam ra Bắc. Chuyện không hài lòng thì cũng có nhưng hầu hết đều là những kinh nghiệm du lịch rất thú vị. Có lẽ lúc trước du lịch vn chưa có "thăng hoa" như bây giờ.

À Anh có rãnh thì post hình cho em coi nghen.

Miss you,
Vi