Những cái nhãn

Đó là những lúc ta mất cân bằng

Phải thú thật là ta xấu tính. Ta thích được khen ngợi, thích được nuông chiều. Ta lười biếng và thụ động. Khi ta bị chỉ trích, ta nổi giận hoặc cảm thấy bị xúc phạm, và phản ứng một cách tiêu cực, dù cho người kia chỉ trích đúng hay không.

Nhiều khi ta ước mình tốt tính. Như vậy mọi cái sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Ta sẽ có thể sử xự tốt mọi việc một cách tự nhiên, vì đó là bản chất, chứ không phải lúc nào cũng phải suy nghĩ xem làm sao thì đúng. Ta thích chăm chỉ, vì ta ghét cái cảm giác tiếc nuối khi thời gian trôi đi mà phát hiện ra mình chưa làm được gì. Ta sẽ không rơi vào những trường hợp làm sai rồi lại hoang mang suy nghĩ tìm cách sửa chữa lỗi lầm (hoặc tìm cách bao biện, hé hé).

Nhiều khi ta ước mình ngây thơ. Nhiều người không hẳn là tốt tính, nhưng họ ngây thơ đến nỗi họ nghĩ mình tốt. Nên họ cứ thoải mái làm những gì họ thích, không nghĩ ngợi nhiều. Kết quả có khi thành ra tốt. Thật ra cái gì cũng có mặt tốt với mặt xấu của nó, ta cứ cân nhắc mãi có khi lại không hay. Ví dụ nhé, gọi điện cho ai đó giữa đêm thì dĩ nhiên không tốt. Nhưng có khi hồn nhiên nhấc máy lên "alo", bên kia mừng muốn chít vì đang ngủ hông được cần người tâm sự, thế là lại hóa ra chuyện tốt. Ta cẩn thận để không mắc sai lầm, nên ta cũng không làm ra những bất ngờ hay ho.

Nhiều khi ta ước mình không bóc quá nhiều lớp vỏ của một sự việc. Bên dưới một hành động tốt có khi ẩn chứa một ước muốn vị kỷ. Bên dưới một ước muốn vị kỷ có khi là một số phận đáng thương. Bên dưới một số phận đáng thương có khi là một tâm hồn bệnh hoạn. Bên dưới một tâm hồn bệnh hoạn có khi là một bản thể yếu đuối ... Ta cứ bóc, cứ bóc, những lớp vỏ chất chồng như vỏ bánh chưng, còn cái trong tay thì càng ngày càng bé teo mà vẫn chưa thấy bánh đâu. Và ta chán ngán. Lẽ ra ta đã có thể hạnh phúc với cái bánh to đùng ban đầu.

Trên blog bạn có một lời khuyên, nếu muốn thanh thản thì hãy ngừng dán nhãn "tốt", "xấu" cho mọi thứ. Ta nghĩ lời khuyên đó hoàn toàn đúng, nhưng ta vẫn chưa làm được. Tạm khoan nói về những thứ chung quanh, chỉ cần ta làm cái gì đó là ngay lập tức trong đầu ta nghĩ "vậy là có đúng không?". "Đúng" theo quan điểm của ta là "tốt". Nhiều khi ta nhớ lại lời khuyên đó, và nhận ra mình vẫn đang liên tiếp dán những cái nhãn một cách vô thức lên mọi thứ mình thấy, mình nghe, mình nghĩ đến. Mà cũng không phải dán một lần, thường là dán, rồi suy nghĩ, rồi lột ra dán một cái khác, rồi lại suy nghĩ. Tới nỗi cuối cùng chẳng nhìn rõ thứ đó nữa vì nó bị mình dán tùm lum.

Có lẽ, đối với những thứ ta yêu thương, ta vị tha hơn. Những thứ đó, ta dán nhãn tốt mà chả suy nghĩ gì nhiều, hoặc là không nhãn nhiếc chi cả. Suy ra, chuyện dán nhãn là do ta không yêu thương, không vị tha?

Có một thời ta tưởng mình có thể yêu thương cả thế giới, hóa ra không phải vậy. Giờ nhiều khi ngồi nghĩ, mình không còn yêu thương được cả thế giới, là vì mình nhận thấy nó không tốt? Như vậy vấn đề không phải là thế giới, mà là mình? Vì mình dán nhãn không tốt cho nó? Vì mình lột lớp vỏ đẹp đẽ của nó ra? nếu mình nghĩ vấn đề là mình, thì tức là mình đang dán nhãn xấu cho mình? blah blah blah... ta loop.

Tình cảm là cái gì đó không thể giải thích được. Nhìn một người nằm co ro quay lưng lại phía mình, bạn nghĩ gì? cảm thấy thương xót? Nếu đó là một người say tới nỗi nằm vật ra đường, bạn sẽ ít thương xót hơn và chuyển sang chê trách. Nếu bạn biết đó là một tên tội phạm vừa xuống tay sát hại mẹ hắn, bạn sẽ nghĩ "đáng đời". Nếu đó là người vừa cãi nhau với bạn, bạn càng nhìn càng giận dữ. Nếu đó chỉ đơn giản là một người đang ngủ say, bạn nhìn một cách bình thản và nhẹ nhàng.

Những cái nhãn, ta muốn quăng chúng đi. Ta đã từng ao ước mình là thiên thần, đủ để khi nhìn một người nằm co ro, trong bất kỳ hoàn cảnh nào ta đều có thể thấy thương xót.

Dĩ nhiên, ta không phải.

Đáng chán ta!

0 comments: