X (II)

Nói chung là Chuột Nhắt đáng mặt làm chị hai tôi trong mọi chuyện. Cả cái chuyện leo cây mận cũng vậy. Lúc tôi còn nhìn cái cây một cách sợ hãi là nó đã leo lên nhánh thấp. Được nó khuyến khích rủ rê, tôi lọ mọ bám được nhánh thấp là nó đã chuyền lên cành cao. Cứ vậy, nhưng cuối cùng thì cũng có những buổi hai đứa cùng chuyền lên mái nhà, ngồi sung sướng trong bóng lá mát rượi, mắt thì dáo dác tìm mận chín. Khi chưa đến đợt mận chín, hai đứa ngửi lá mận cho đỡ thèm. Cái mùi quả mận, lá mận chua chua chát chát quyện vào những giấc mơ tuổi thơ tôi, nhiều khi nhớ lại nghe miên man khát thèm như một kỷ niệm xa xăm dịu ngọt. Và tua hoa mận trắng càng ngày càng vương đầy phủ ngợp những vùng ký ức. Bây giờ người ta bán mận thái lan đầy đường, ngọt như đường phèn, cùi dày xanh xanh, tôi có tìm mỏi mắt cũng đừng mong thấy những trái mận sọc hồng ửng như đôi má đứa con gái lần đầu biết mắc cỡ của ngày xưa nữa...

Ngày xưa ...

Cái xóm nghèo, chỉ duy nhất có một nhà có tivi. Mà lại là nhà tôi, căn nhà tồi tàn thứ hai trong xóm (còn căn nhà tồi tàn nhất thì tôi sẽ kể sau). Nhà tôi từ xưa đến giờ mà có được món gì cũng nhờ mẹ tôi cả. Ba tôi không bao giờ mang tiền về nhà, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện góp một tay nuôi mấy đứa con mà ông cũng có phần sinh ra. Ông càng lạ lẫm và thù nghịch một cách đáng ngạc nhiên với chuyện mua đồ đạc trong nhà. Cứ mỗi lần mẹ tôi mua thứ gì về là đều có chiến tranh. Mẹ tôi thì dù vất vả đến thế nào, thỉnh thoảng cũng lại tha từ đâu đó về một món đồ, có khi là cái tủ lạnh cũ bé xíu người ta để lại với giá rẻ mạt, có khi là bộ bếp gaz bán trả góp. Đó là những thứ sau này, còn thứ đầu tiên mẹ tôi mang về nhà theo kiểu đó là một cái tivi.

Bây giờ một cái tivi như vậy chắc chỉ còn trong phòng triển lãm những sản phẩm xa xưa của hãng. Tivi trắng đen, to đùng (mặc dù cái màn hình bé xíu), nặng chịch, có mấy cái nút bấm nút xoay. Và như mọi thứ đồ cũ khác của thời đó, nó không chạy ổn định tí nào. Chuyện thỉnh thoảng đang coi phim mà cái màn hình biến thành một mớ sọc dọc sọc ngang là chuyện thường ngày ở huyện. Lúc đó thì giống như trong truyện của Aziz Nesin, ba tôi sẽ thử vặn vặn nó, xong rồi gõ nhẹ nhẹ, rồi đập bùm bùm, cuối cùng nếu vẫn không được thì cho nó vài cú đấm đá, và nói chung trong quá trình đó nó sẽ lại hiện hình đàng hoàng như cũ. Nó khởi động cũng chậm rì chậm rịt. Nếu mở tivi vào lúc 7g, thì tôi phải chờ đến khoảng 7 rưỡi cái màn hình mới bắt đầu trong và sắc nét lại, còn trước đó là cả một bầu trời muối tiêu và hột é.

Nhưng dù sao nó cũng là niềm vui của cả xóm tôi. Lúc đó đài chiếu phim Tây du ký. Cứ đến khoảng 8g45 là tôi chạy khắp xóm thông báo “sắp có phim rồi”. Đúng ra thì cũng không cần, vì cứ gần đến giờ là mọi người trong xóm tự động chạy sang nhà tôi, ngồi đầy cái phòng chất ngổn ngang những chồng áo mưa đang bấm nút dở dang, chăm chú theo dõi Tôn ngộ không tài giỏi và ông Tam tạng đẹp trai khờ khạo.

Dĩ nhiên là mọi người mê phim Tây du ký như điên, nên chuyện tôi đi thông báo có hơi dư thừa. Thực ra tôi chạy đi báo là để chắc chắn có một người sẽ sang nhà tôi xem phim. Một người mà sự vắng mặt sẽ gieo xuống một khoảng trống nho nhỏ nhưng mông lung kỳ lạ trong tâm thức mơ hồ của đứa con gái nhỏ ngày ấy.

------------------

hix, tự nhiên chán không muốn viết nữa

0 comments: