X

Ngày tôi về xóm, đêm nằm còn nghe tiếng ếch nhái uênh oang trong những vũng lầy chưa lấp. Cái xóm nghèo bé xíu như một bàn tay. Con hẻm nhỏ lởm chởm đá và đất đỏ, lòa xòa bóng ba cây mận. Gần mươi căn nhà, ba cây mận nằm trong ba căn kế nhau, có ba cái sân hơi hơi giống nhau. Cây trắng nằm trong sân nhà chính giữa, quả hình chuông loe đặc ruột, nhỏ bằng hai đốt tay và trắng xanh, ăn vào cứ ngọt lịm cả người. Hai cây hai bên nghe nói là anh em, hồi xưa đã được chiết ra từ cùng một cây mẹ nào đó, lá to hơn, quả cũng to, tròn bầu dục chứ không loe hình chuông, có những sọc hồng chạy dài dọc thân. Loại mận sọc hồng này ít ngọt hơn, rỗng chứ không đặc ruột, nhưng ăn cũng mát dịu dễ chịu. Một trong hai cây hồng đó mọc trên sân nhà tôi.

Sân nhà tôi. Cái mảnh sân cũ kỹ lúc nào cũng ngập lá mận rụng, dù ngày nào tôi cũng quét. Mùa hoa mận nở, những tua hoa trắng muốt rụng đầy sân, vương vất lên mặt cái hồ cá xi măng xanh thẫm màu rêu, lên cái ghế sắt màu xám tôi thường để gần dưới gốc cây, lên đầu lên tóc tôi và em tôi. Cả hai đứa lúc nào cũng tha thẩn quanh cây mận, mê mẩn như điên những bông mận xòe bung chùm tua trắng muốt như một đóa mặt trời, say sưa ngửi mùi lá mận thơm thơm như một trái mận xanh. Nhà tôi lúc đó nghèo khủng khiếp, nhưng mảnh sân của chị em tôi lại giàu. Cây mận ra trái rải rác quanh năm. Hồ cá có cả một hòn non bộ đắp bằng xi măng nằm sát tường, tuy xấu xí nhưng lại khá tự nhiên, có cả một cái chùa sứ và vài bức tượng người sứt mẻ, dây trầu bà vướng vít quẩn quanh. Hàng rào kẽm gai có trồng một dãy cây gì đó tôi không biết tên, lá tròn tròn dày như lá sống đời, có mủ trắng, thỉnh thoảng cũng có hoa, những bông hoa nhỏ xíu nhòn nhọn màu đỏ, trông như những con chim ruồi tí hon đậu chụm đầu trên cành.

Ngày về xóm, tôi chín tuổi. Gầy tong teo như một con ngỗng ốm. Chuột Nhắt thì thấp lùn, bé xíu như một con chuột chính hiệu có đôi mắt đen láy láu lỉnh. Lúc đó tôi chưa đeo kính và còn rất mơ hồ về cặp mắt cận của mình. Có những buổi sáng khi tôi mở mắt nhìn lên trần nhà đầy những lỗ tràn nắng, tôi không tự hỏi tại sao tất cả những đốm nắng cứ tròn xoe tua ra một cách kỳ lạ, mà cứ nằm nhìn – giống kiểu người ta hay căng mắt nhìn vô mấy cái hình nổi ba chiều, hoặc nói theo cách hơi khoa học là ráng chỉnh cái tiêu cự của mắt mình ra xa xa một tí, cho những đốm mặt trời đó càng lúc càng xoe tua ra thêm. Chơi ngốc vậy nên khi tôi bắt đầu đeo kính (và bắt đầu sớm nhất lớp), thì cặp kính của tôi đã dày cộm một cách thê thảm.


Hai chị em cách nhau hai tuổi. Bất cứ người nào mới gặp hai đứa, đều có thể chỉ ra chính xác đứa nào chị đứa nào em, vì dĩ nhiên hai cái chiều cao chênh lệch tự nó khai báo rầm rĩ lên sự thật đó. Nhưng nếu người đó nhìn tụi tôi chơi với nhau một lúc nữa thì sẽ bắt đầu hoài nghi. Còn nếu dòm lâu lâu, rồi càng suy nghĩ tới lui, thì chín phần mười sẽ quay sang một cái kết luận trái ngược 180 độ: Chuột Nhắt là chị tôi mới đúng. Cũng chả có gì lạ, tôi thì ngờ nghệch từ cặp mắt đến từng cử chỉ, Chuột Nhắt thì lanh lợi, chạy tới chạy lui nhanh phong phóc, giọng nói cũng rõ ra là đầy quyền uy. Hai đứa gần bằng tuổi nhau, lại chơi với nhau từ bé nên chả thèm xưng chị em gì sất, cứ thế mày tao. Mẹ tôi hăm dọa la lối mãi cộng với sức mạnh vĩ đại của cây roi mới chuyển được kiểu xưng hô mày tao của chị em tôi thành “ta” với “nhà ngươi”, nghe như phim kiếm hiệp Hồng Kông, mà cũng chả có tôn ti hơn được tí nào.


Từ bé tôi đã khù khờ. Khi chơi trò mẹ con, dĩ nhiên tôi làm con còn Chuột Nhắt làm mẹ. Các trò khác cũng tương tự. Tôi còn nhát gan và sợ đau một cách khủng khiếp. Mỗi lần tôi bị ngã và trầy da, mẹ tôi phải một tay bông gòn chấm sẵn thuốc đỏ, một tay cố gắng tóm lấy tôi lúc đó đang cố gắng chui vào tận góc giường để trốn (tôi không bỏ chạy được vì đau) và hét toáng lên như một cái còi. Còn chuyện mang vết thương của tôi ra rửa nước thì đừng hòng, chưa từng có ai làm được. Có lần lúc Chuột Nhắt khoảng 4 tuổi (và tôi lên 6, dĩ nhiên), tôi tròn xoe mắt thán phục nhìn Chuột Nhắt đi đâu về với cái đầu gối trầy xước đầy cát, nó lạnh lùng dí đầu gối vào vòi nước rửa sạch, không thèm nhăn mặt lấy một cái. Ngay lúc đó, tôi bắt đầu nể phục nhỏ em bé choắt của mình, và cái sự nể phục đó chỉ càng tăng lên theo thời gian.


(còn tiếp)


0 comments: