Jeju - ngày 3 - tiếp theo và hết

Mới đọc một truyện ngắn của một nhà văn đi tập huấn ở Hàn, kể về Trung thu Hàn. Trời ạ, cái kiểu văn đó ... Phải coi lại mấy cái blog lủng củng của mình, không khéo mình cũng viết cùng một kiểu như vậy thì nguy tai.


Dù sao cũng không định viết văn. Chỉ là muốn ghi lại những gì mình thấy, mình trải qua, kẻo nó trôi tuột mất vào quá khứ. Trí nhớ thường chơi khăm con người, có những thứ muốn quên mà cả đời không quên nổi, có những điều đáng nhớ thì cứ phai nhạt dần đi.

Còn nợ phần tiếp theo của chuyến đi Jeju. Hôm nay nhất quyết thức khuya trả nợ vậy.

Đang ở đâu nhỉ? À, lưng chừng Halasan. Dốc mưa ngoằn ngoèo ẩm ướt dưới chân, tiếng suối rì rầm sau lưng và rừng cây thẳm xanh trước mặt. Ba đứa mải miết leo. Thỉnh thoảng dừng lại chụp hình. Rồi cây cối quang ra, trời xanh ngăn ngắt trên đầu và mình chợt nhận ra mưa đã tạnh, nắng đã lên.

Hóa ra leo núi trời mưa còn đỡ hơn trời nắng. Nóng, mồ hôi bắt đầu tuôn ra, hơi thở bắt đầu hụt đi và đôi chân mới đây thôi còn tỉnh bơ bây giờ đã nặng chịch. Mà cảnh triền núi thì đẹp như tranh. Không còn rừng, nhìn thấy rõ con đường bậc thang vòng vèo men theo vách núi dẫn hút lên trên. Sương bắt đầu kéo về trên những đỉnh núi trập trùng xanh chung quanh. Một ngọn thác trắng in lên cái nền xanh của núi, xa mờ. Hưng tinh mắt ồ lên, có một con nai đang đứng trên vách núi chênh vênh bên kia. Chỗ đứng dốc đến nỗi có leo cũng chưa chắc bám được, vậy mà nai ta tỉnh bơ nhai lá. Tự nhiên nhớ truyện Bà chúa tuyết của Andersen, chàng thợ săn nai học cách trèo của con mèo già "đừng nghĩ đến việc ngã là sẽ không bao giờ ngã", và chàng đã trèo giỏi hơn cả lũ nai. Mình vẫn tin cái lý thuyết ấy, nhưng ít khi dám thử.

Ráng nhấn hết chân nọ đến chân kia xuống các bậc thang để trèo mãi, trèo mãi... Chỉ sợ mình dừng lại thì sức lực sẽ bị đánh lừa, lúc đi tiếp còn mau mệt hơn. Nhưng rồi cuối cùng bé Nga mệt quá, ba đứa cũng phải ngừng dưới bóng một tảng đá to. Lôi bánh và nước ra. Có hai con chim gì to to bay đến và nghiêng ngó. A, quạ! Trông nó mạnh và dữ dằn. Tiếng kêu to khô khốc nghe phát sợ. Đã đọc chuyện về con quạ trong cuốn Truyện loài vật, mình vốn có ấn tượng là quạ rất thông minh, vậy mà nhìn nó vẫn thấy mất cảm tình.

Nhưng mà vẫn phải nén cái sự mất cảm tình của mình xuống. Bao nhiêu đời rồi người ta nhìn bề ngoài mà ghét bỏ mấy con quạ, kể ra thì nó cũng dữ và hay cắp vặt, nhưng ghét nó thì cũng tội tình. Lấy bánh ra, hai con quạ ngó nghiêng và nhích lại gần. À ra bọn mày đòi ăn! Mẩu bánh quăng ra còn lơ lửng, quạ ta nhảy lên mổ gọn bơ như xiếc. Thế là bánh cứ quăng, quạ cứ thay nhau nhảy đớp không sót mẩu nào. Bé Nga rùng mình khi thấy tụi nó đã tiến lại quá gần. Nhìn gần, với cái mỏ to và móng vuốt sắc, trông nó đáng sợ. Giấu bánh đi và xùy xùy, lũ quạ bay dạt ra xa, chờ một lúc không thấy gì nữa thì cất cánh bay đi.

Nhưng được một hai phút thì chúng quay lại. Dòm chúng đứng ngó nghiêng thèm thuồng cũng tội, khoảng cách xa không sợ lắm, thế là trò xiếc lại tiếp diễn. Để ý thấy một con đớp được mẩu nào nuốt mẩu đó, con kia chỉ ngậm đầy mỏ. Chắc còn một lũ con ở nhà đang chờ nó mang mồi về mớm cho. Không hiểu sao mình nghĩ cái con dành thức ăn cho con là con cái, còn con tỉnh bơ ăn sạch một mình là con đực.

Tiếp tục lên đường. Đồng hồ đã chỉ 4 giờ hơn. Được một quãng nữa thì có cảm giác mình đã lên cao lắm rồi, nhìn xuống đã thấy mù sương nằm lại dưới chân. Con đường thỉnh thoảng nhô ra thành một cái ban công bằng gỗ có tay vịn là dây thừng vắt vẻo bên sườn núi, lý tưởng cho khách dừng lại ngoạn cảnh và chụp hình. Đến một cái ban công như vậy, Hưng và bé Nga dừng lại đòi về. Nó nhìn đồng hồ tiếc rẻ. Cho thêm 15 phút nữa thôi, tớ ráng đi thêm một chút nữa xem trên kia có gì.

Qua khỏi mấy cái ban công, đường lại lẩn vào rừng. Một con suối nhỏ róc rách dọc ven đường. Rồi không còn bậc thang, chỉ còn những tảng đá suối kế tiếp nhau làm đường đi tiếp. Nó nhảy từ tảng này sang tảng khác. Nhanh nhanh nhanh... chỉ còn 10 phút ... 7 phút. Một bãi đá suối rất to hiện ra trước mặt, những tảng đá lớn chất chồng phủ kín một vùng nước như cái hồ con. Suối có lẽ bắt nguồn từ đây. Bên kia vẫn còn đường, nhưng đã đến lúc quay về.

Nó ráng đi nhanh hết cỡ trên đường về. Hưng với bé Nga đang chờ. Chuyến xe bus lúc 6g45 chẳng biết có hay không. Nó lơ mơ cảm thấy là không (cảm thấy vậy từ lúc bắt đầu lên núi cơ, nhưng vẫn muốn liều). Mũi giày chúi vào hốc giữa hai tảng đá đau nhói. "Đừng nghĩ đến chuyện ngã thì sẽ chẳng bao giờ ngã". Mong là như thế...

Xuống núi hóa ra vất vả tương đương lên núi. Lên thì mệt, xuống thì đau. Chân mỏi nhừ. Mũi chân ngón chân bàn chân gót chân đau âm ỉ, thỉnh thoảng lại nhói lên mà vẫn phải cố bước nhanh, nhanh hơn nữa. Bé Nga nắm tay Hưng đi, còn mình thì ... nhớ gấu (mà thiệt ra đã nhớ từ lúc bắt đầu lên núi, nhớ ngày nào đó trên đường đi núi Bà Đen có người lo lắng cho mình từng bước chân)

Bến xe vắnh tanh. Trạm bán vé đóng cửa, không còn ai. Chuyến xe bus cuối cùng không chạy. Người gác gọi giùm taxi. Đi taxi về thì chết tiền, nhưng biết làm thế nào?

Trong lúc bó gối chờ taxi (cái chỗ đèo heo hút gió này đến taxi còn khó kiếm) thì thấy một chiếc ô tô 6 chỗ ghé vào sân lấy nước. Ba đứa nhìn nhau, hay là xin quá giang. Chỉ cần đến bến xe bus gần nhất. Nhưng xin thế nào??? Đánh bạo lại gần, vờ vịt hỏi bến xe bus gần nhất ở đâu. Người chồng sốt sắng, xa lắm lên xe đi tôi chở đến đó giùm cho. Chỉ chờ có thế, cả lũ cám ơn rối rít.

Hai vợ chồng bàn nhau rồi chạy về hướng Nam, vì bến xe ở hướng đó gần hơn. Jeju city ở phía bắc. Xe đi hoài đi hoài... Mấy cái mặt bắt đầu ngơ ngác. Hơn một tiếng qua đi...

Hai vợ chồng rất thân thiện, hóa ra đã từng làm việc ở Đại sứ quán Hàn ở VN. Cuối cùng họ cũng dừng trước một trạm bán vé limousine, dặn dò kỹ lưỡng rồi mới đi. Gần 8g. Cả bọn nhìn nhau cười méo xẹo. Bản đồ chỉ đây là một thành phố ở phía Nam đảo, từ Halasan về đây còn xa hơn về Jeju-si, biết thế xin họ chở về Jeju city luôn.

Thôi thì nhân thể du lịch khu phía Nam. Hỏi giờ chuyến cuối cùng, còn được tiếng rưỡi, ba đứa quyết định đi tham quan cái thác gần đó. Nhưng cứu đói trước đã. Xin cô bán vé chút nước nóng để trụng mì gói, cô lụi cụi đi ... nấu nước. Lòng hiếu khách của người Hàn luôn làm mình bất ngờ đến cảm động.

Cái thác nằm trong một công viên xây dựng công phu bề thế. Đường xuống thác dọc theo suối, trang trí cây và cảnh công phu. Rải rác những chiếc cầu bắc ngang qua suối, cả kiểu xưa (cong vòng lên, với mấy ông thần đảo Jeju đứng gác ở đầu cầu) và kiểu nay (thẳng tắp, phẳng sát mặt nước giống như một cái thềm hơn là cái cầu, có năm làn, làn giữa rộng và liền làm lối đi, bốn làn hai bên hẹp và đứt quãng làm kiểng). Cuối đường là một cái thác ... nhỏ xíu, đáng làm cháu chắt mấy đời của Dambri, nhưng khá lộng lẫy nhờ dàn đèn pha hết công suất chiếu vào.

Phải đón taxi về vì sợ nhỡ chuyến limousine cuối cùng, không ngờ lại vừa kịp cho chuyến áp cuối. Xe vắng, nó chiếm luôn hai ghế và nằm quay ra ngủ lơ mơ. Trời lại bắt đầu mưa, nhưng cuối cùng cũng đang trở về nhà.

Ừa thì cái khách sạn cũng là nhà, là một cái góc ấm áp tiện nghi mà bây giờ mình đang muốn quay về quá đỗi. Bây giờ mới hiểu câu bốn bể là nhà của người xưa hay nói. Không phải chỉ có nghĩa đơn thuần là lang thang.

0 comments: