Sen ngày xưa

Tỉnh dậy sau một cơn sốt dài, Nguyên thấy bên mình là màu áo cà sa vàng và hai gương mặt lo lắng. Như có mùi hương trầm bay. Ý nghĩ đầu tiên là nhà chùa đã phát hiện ra rồi, chả biết mai này có còn được ngủ nhờ buổi tối trong cái nhà kho cũ ở góc sân chùa không.

Sư cụ có đôi bàn tay gầy và nhăn nheo, hơi phảng phất vài vệt đồi mồi. Một trong hai bàn tay đó ấn khẽ lên vai Nguyên lúc nó định nhổm dậy. "Con vẫn còn nóng lắm, cứ nằm yên". Chú tiểu bé hơn Nguyên, ốm choắt, lọt thỏm trong cái áo cà sa thùng thình. Chú chạy đi chạy lại lấy nước, lấy thuốc, nhúng khăn lau mặt cho Nguyên, mang cháo, khi không có việc gì cũng ngồi cạnh giương đôi mắt đen láy nhìn Nguyên nửa tò mò nửa thân thiết. Nguyên nghĩ thầm, kệ, đến đâu thì đến. Dân lang thang như nó, sợ nhất là bệnh. Không tiền mua thuốc, không ai lo. Giờ tự nhiên lại được chăm sóc, được ngủ ấm, không phải chạy đi làm việc, có nằm mơ cũng chẳng thể mơ được như thế. Nguyên vùi mình trong cái cảm giác bình yên. Cũng có lúc giật mình, sợ mình quen mất cái mùi hương trầm dịu dàng này, những tiếng bước chân khẽ khàng này, căn phòng ấm cúng này. Sợ rồi đây khi mình quay trở về với chợ, sẽ tiếc nuối những buổi tối nằm nghe chuông mõ và cái cảm giác bàn tay bé nhỏ của chú tiểu đặt lên trán mình, giống ông Từ Thức hồi cố thổ nhớ chuyện tiên cảnh như một giấc mơ tuyệt đẹp hoang đường.

Vì sợ, nên không dám kéo dài lâu giấc mơ. Sau ba ngày, Nguyên đến chào cảm ơn sư phụ. Ánh mắt trầm mặc của người nhìn thấu suốt nỗi buồn của nó. "Con đi đâu?". "Bạch thầy, chắc con lại ra chợ". "Buổi tối con cứ về đây ngủ, đừng ngại". Nguyên không ngại, nhưng mà tự nhiên nó không muốn nằm ngủ trong cái nhà kho cũ đó nữa. Từ nhà kho nhìn ra, bên kia khoảng sân buổi tối xao xác lá xà cừ và gió, ánh đèn vàng nhạt hắt ra từ gian chính điện của chùa như xa thẳm mông lung. Ngày xưa thì không sao, nhưng giờ nó đã biết ánh đèn đó ấm áp thế nào. Nhìn ánh đèn đó từ một khoảng cách xa xôi, nó sẽ thấy lạnh lắm. Nó cúi đầu không đáp, cố gắng ngăn cơn buồn đang kéo rũ người nó xuống. "Con có thể ngủ chung phòng với tiểu Linh, ta nghĩ không có vấn đề gì". Chú tiểu giật giật tay áo nó và cười. Nó không nói được lời nào. Giấc mơ vẫn còn tiếp diễn.

Sân chùa rộng mênh mông và nhiều đất bỏ hoang. Khách đến cúng dường không nhiều. Bữa cơm tối của ba người không gì ngoài những thứ rau sư cụ trồng trên mảnh vườn nhỏ. Một buổi chiều hết việc về sớm, Nguyên lang thang trên mảnh sân lum xum cỏ dại, chợt một ý nghĩ lóe lên trong đầu. Nó lựa lời nói với sư cụ. Ban đầu sư cụ ngần ngừ. "Bạch thầy, đất có thể sinh ra rau trái nuôi sống con người. Bỏ đất hoang cũng là một cái tội. Nếu trồng được nhiều, có thể tặng bớt cho người không có". Sư cụ nhìn nó, ánh mắt vẫn hiền từ như hôm đầu tiên. "Con nhìn sự việc theo kiểu tục gia. Cây cỏ vạn vật tự sinh tự diệt, mảnh đất hoang không phải không có sinh linh. Nhưng nếu con nghĩ có thể làm được gì có ích, thì con cứ làm."

Vậy là Nguyên cùng tiểu Linh nhổ cỏ, xới đất, trồng rau. Sáng nó dậy sớm, tưới rau rồi ra chợ. Chiều về sớm dẫy cỏ, cuốc thêm đất. Mảnh vườn lên xanh. Nguyên lại suy nghĩ. Rồi nó ra chợ tìm Liên.

Từ đó mỗi ngày Liên đến chùa lấy rau mang ra chợ. Tiền bán rau lập ra một tủ thuốc cho bọn trẻ lang thang ngoài chợ. Cũng là để phòng khi có đứa cần sự giúp đỡ. Mọi chuyện Nguyên báo với sư cụ, người chỉ mỉm cười không tán đồng mà cũng không từ chối. Liên đến chùa giao tiền thường mang theo khi thì đậu hũ, khi thì hoa quả, rau trái mà chùa không có. Mâm cơm của nhà chùa có đỡ đạm bạc hơn xưa. Sư cụ có khi trầm ngâm. Tiếng mõ lốc cốc buổi canh khuya có khi vương vất một chút gì mơ hồ.

Linh bảo, để Linh dạy cho Nguyên và Liên học chữ. Mỗi buổi chiều khi Liên đến, ba đứa ngồi chụm đầu trên hành lang thông thênh gió, dựa lưng vào vách chùa loang lổ rêu phong. Liên hay cười, mắt đen như mắt Linh, có khi còn đen hơn. Nguyên hay thấy mình lắng nghe tiếng chuông chùa buổi chiều chầm chậm lan qua mảnh sân, loang trên mặt hồ thành từng gợn sóng, chầm chậm tản mác vào hư không. Những đóa sen trên mặt hồ trắng như mây, xô dạt vào nhau xao xác.

Hai năm. Cũng không biết Nguyên đã ở hẳn trong chùa tự lúc nào.

Hai năm. Là hơn sáu trăm hồi chuông chiều ngân nga trầm mặc.

Hai năm. Những đứa trẻ chợ có đứa đi về nơi khác, có đứa mới đến. Linh cao vượt hơn Liên, đã đọc hết sạch số sách ở chùa.

Một ngày, sư cụ gọi hai đứa vào phòng. Có một người muốn nhận nuôi một đứa trẻ.

"Tuy con không lớn lên ở chùa này, nhưng dạo này cũng coi như người nhà chùa. Ta có thể giới thiệu con cho bọn họ. Con có muốn ... ừa... một mái nhà không?"

"Con sẽ được nuôi dạy tử tế, sẽ được ăn học đàng hoàng".

"Con sẽ có một tương lai".

Nguyên nhìn Linh. Linh học giỏi. Linh đã lớn, cao, gần hết cái vẻ loắt choắt khi xưa. Linh ham hiểu biết, hay cười hay chạy nhảy. Linh có khi than không còn sách đọc.

Nó chắp tay, cúi đầu "Bạch thầy, xin cho con được ở lại chùa... "

***

"Vậy mà cuối cùng anh cũng không ở lại chùa?" - tôi nhấp một ngụm trà, hỏi người chủ nhà có khuôn mặt trầm tĩnh. Trà mang hương sen, dịu ngọt huyền mặc. Khu vườn nhà anh thiết kế kiểu Nhật Bản, thanh tịnh kỹ lưỡng, góc vườn cũng một hồ sen nhỏ, mùa này sen trắng lao xao.

"Thì chắc anh cũng thấy, tôi vốn không có thiền căn. Thầy mất rồi, sợi dây mỏng manh duy nhất nối tôi với cửa thiền cũng đứt. Chờ Hội phái người khác đến tiếp quản chùa xong là tôi ra đi."

"Còn Linh? Anh có tin tức gì của cậu ấy không?"

"Hồi xưa lúc mới đi Linh hay viết thư về. Lúc thầy mất tôi có gửi thư, không biết Linh có nhận được không. Khi tôi rời chùa cũng phiêu bạt một thời gian dài. Lúc sau này có đi tìm Linh, nhưng họ đã chuyển nhà, tôi mất liên lạc luôn từ đó."

"Còn Liên?"

Trong một thoáng tôi thấy mắt anh như có khói phủ.

"Liên bỏ đi sau khi Linh đi được khoảng một năm. Nói là sẽ lên thành phố tìm Linh... "

Gió, lại gió ào qua cửa. Tiếng phong linh theo gió lanh canh. Những bông sen trắng ngoài kia lại xô dạt vào nhau. Cái bóng người chủ nhà theo ánh chiều hắt lên vách tường lặng lẽ. Về đâu rồi, đóa sen trắng của mười mấy năm xưa?

"Anh biết không, lúc lâm chung, thầy nói với tôi, người cứ nghĩ cả đời mình nhất tâm tu đạo, kinh văn thông suốt, ai ngờ cuối đời lại thấy mình vẫn còn nhiều tạp niệm, vẫn còn lẫn lộn hoài nghi. Không còn chắc chắn như xưa về những lẽ đúng sai hay dở. Như từ chuyện tôi trồng rau, bán lấy tiền là chuyện phàm tục, nhưng mang tiền giúp bọn trẻ lại là chuyện tốt, như thầy xa lánh trần tục đêm ngày kinh kệ chắc gì cứu khổ cứu nạn được chúng sinh? Như thầy đã lưỡng lự khi quyết định để tôi hay Linh đi theo người ta. Nghe theo lựa chọn của tôi mà vẫn không biết là tôi thật tình muốn vậy hay chỉ muốn nhường cho bạn, không biết thầy chấp nhận tôi ở lại là đúng hay sai... Anh biết tôi nói gì không? Tôi nói, thầy ơi, vạn vật sinh linh cũng như cỏ cây, tự sinh tự diệt. Thầy thương chúng con thành ra không còn tâm vô tạp niệm. Nhưng chúng con cũng là một loài cây cỏ mà thôi, chỉ khác chút là tự có quyết định của mình. Không không sắc sắc, sắc tức thị không, đúng sai gì cũng như nhau... Thầy cười, rồi thanh thản mà đi. Nhưng tôi lúc đó nói vậy, mãi sau này vẫn thấy mình không thể nào đúng sai gì cũng như nhau, không thể sắc sắc không không được. Cứ tự hỏi ngày xưa nếu tôi đi mà không phải Linh, nếu tôi giữ Liên lại, hoặc nếu tôi đi với Liên tìm Linh, thì mọi thứ có tốt hơn không?"

Dường như có một tiếng chuông vọng lên không thành tiếng, ngân nga đâu đó trong thẳm sâu tiềm thức.

0 comments: